Tân Kỳ hồ đập cạn kiệt, cá chết vì nóng
Huyện Tân Kỳ những ngày này người dân đang gồng mình với nắng nóng, hồ đập trơ cạn, nước nóng làm cá chết phơi bụng. Toàn huyện còn 2.900 ha đất sản xuất lúa mùa chưa gieo cấy được, đặc biệt có 400/1.600 ha lúa mùa đã gieo cấy do không có nước tưới nên mặt ruộng nứt nẻ nhiều ngày nay.
Đập Điện Lực, trên địa bàn xã Kỳ Sơn (Tân Kỳ) nước chỉ còn đọng lại dưới đáy. Những ngày nắng nóng gay gắt vừa qua khiến cá chết hàng loạt. Ảnh: Xuân Hoàng |
Tại đập trữ nước Điện Lực trên địa bàn xã Kỳ Sơn, chỉ còn đọng lại vũng nước đen ngòm dưới đáy, nước nóng quá, cá không còn sống nổi, miệng cống điều tiết nước khô khốc. Ngay phía dưới là cánh đồng Điện Lực của xã Kỳ Sơn hàng chục ha đang bỏ hoang.
"Theo lịch thời vụ, đến ngày 25/6 là kết thúc gieo cấy vụ mùa ở Tân Kỳ, nhưng thời tiết tiếp tục nắng nóng như thế này, cùng đó là 80% số hồ, đập đã xuống mực nước chết thì bà con chấp nhận gieo cấy muộn trên diện tích 2.900 ha. Địa phương không thể chuyển đổi được cây trồng, bởi phần lớn diện tích đó dễ bị ngập lụt vào mùa mưa lũ" - ông Nguyễn Tất Hải - Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Kỳ băn khoăn.
Ông Từ Mạnh Cường ở xóm Điện Lực, xã Kỳ Sơn nạo vét khe suối, sử dụng máy bơm dầu hút nước lên tưới cho cây trồng. Ảnh: Xuân Hoàng |
Thời tiết nắng nóng sẽ kéo dài trong những ngày tới, để bảo vệ cây trồng, huyện Tân Kỳ chỉ đạo các địa phương không còn cách nào khác là tuyên truyền, vận động bà con nông dân nạo vét khe, suối, sử dụng máy bơm dầu dã chiến để bơm nước lên tưới cho những diện tích lúa và các loại hoa màu khác. Ông Nguyễn Công Trung - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ |
Nghi Lộc lúa non chết cháy
Nhiều diện tích lúa mới gieo cấy ở Nghi Lộc do thiếu nước và nắng nóng cực điểm đã chết cháy.
Bà Trần Thị Lộc ở xóm 3, xã Nghi Thuận cho biết: Vụ hè thu này gia đình gieo cấy 6 sào lúa. Giờ gia đình tôi không còn hy vọng với vụ lúa hè thu này, bởi hầu hết lúa đã bắt đầu chết khô. Gần 4 triệu đồng chi phí ban đầu cho 6 sào lúa này xem như mất trắng. Bà nhổ lên một nắm lúa, tất cả đã chết khô.
Lúa non chết ở Nghi Thuận - Nghi Lộc. Ảnh: Nhật Tuấn |
Mặc dù nằm kề bên sông Cấm nhưng hơn nửa tháng nay, cả ba trạm bơm: Sác Bộng, Rú Đò, Siêu Ba của xã Nghi Thuận đã phải ngừng hoạt động vì nước sông xuống thấp và bị nhiễm mặn. Điều đó dẫn đến 140/210 ha lúa hè thu của địa phương đang giai đoạn đẻ nhánh đã bị khô hạn.
Thực hiện Công điện khẩn của UBND huyện Nghi Lộc về các giải pháp cấp bách chống hạn, các địa phương trong huyện đã tích cực triển khai cứu lúa hè thu. Xã Nghi Công Nam đã tổ chức đắp chặn Khe Cái, bơm nước từ hồ Khe Thị về, cung cấp nước cho trạm bơm Cồn Trường chống hạn.
Trong điều kiện nước kênh Gai bị cạn, UBND xã Nghi Diên huy động máy bơm dầu hoạt động ngày đêm để chống hạn. Ảnh: Nhật Tuấn |
Để cứu 150 ha lúa hè thu bị hạn, chính quyền xã Nghi Diên đã huy động cán bộ công chức, thôn đội trưởng, công an xã phối hợp với Xí nghiệp thủy lợi huyện vớt bèo tây, khơi thông dòng chảy cho trạm bơm Yên Ngựa ở xóm 2; trạm bơm Thọ Sơn, trạm bơm xóm 11.
Còn HTX dịch vụ nông nghiệp xã Nghi Phương thuê máy xúc nạo sâu đầu vòi hút trạm bơm số I để bơm chống hạn. Ảnh: Nhật Tuấn |
Nắng nóng kéo dài khiến 3.000/5.800 ha lúa hè thu đã gieo cấy của huyện đang đối mặt với hạn hán. Trong đó 2.000 ha bị hạn nặng, đặc biệt có 200 ha lúa ở các xã: Nghi Thuận, Nghi Hưng, Nghi Yên đã bắt đầu chết do hạn. UBND huyện Nghi Lộc có kế hoạch trích 300 đến 400 triệu đồng từ ngân sách để hỗ trợ cho các xã chống hạn cho lúa hè thu. Ông Nguyễn Xuân Quang - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nghi Lộc |
Tác giả: Xuân Hoàng - Nhật Tuấn
Nguồn tin: Báo Nghệ An