Kinh tế

Năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn Campuchia

Báo cáo Năng suất lao động Việt Nam vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp với các tổ chức quốc tế công bố ngày 8-5 cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn Campuchia.

Việt Nam cần cải thiện năng suất lao động, đặc biệt ở các ngành sản xuất trực tiếp

PGS. TS Nguyễn Đức Thành- Viện trưởng VEPR cho hay, qua phân tích năng suất lao động của Việt Nam và xem xét vị trí của Việt Nam trong tương quan so sánh với một số quốc gia Đông Bắc Á và ASEAN, nhóm nghiên cứu thấy rằng, năng suất của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trong khu vực, kể cả khi so sánh với Campuchia.

Cụ thể, năm 2006, năng suất lao động bình quân của Việt Nam là 38,64 triệu đồng/lao động, đến năm 2017, con số này tăng lên mức mức 60,73 triệu đồng/lao động.

Trong giai đoạn 2006-2012, tốc độ tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam giảm từ 4,05% (2006) xuống còn 3,06% (2012), tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 3,29%/năm.

Giai đoạn 2012-2017, năng suất lao động bình quân của toàn nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ bình quân 5,3%/năm và tăng trưởng cao nhất vào năm 2015 với tốc độ 6,49%.

Tính trung bình trong giai đoạn 2008-2016, các ngành kinh tế có năng suất lao động ở mức cao là các ngành: khai khoáng, sản xuất và phân phối điện, khí; hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm; hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ; hoạt động kinh doanh bất động sản; cung cấp nước.

"Khi so sánh trên phương diện quốc tế, năng suất lao động của Việt Nam được đặt trong mối tương quan với các nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) và ASEAN (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Campuchia) thì tới 2015, năng suất lao động của 9 nhóm ngành của Việt Nam đều ở mức gần hoặc thấp nhất trong các nước kể trên.

Đáng chú ý, mặc dù là ngành công nghiệp dẫn dắt nền kinh tế song các ngành có năng suất thực sự “đội sổ” bao gồm “chế biến chế tạo”, “xây dựng” và “logistics” cho thấy điều đáng lo ngại về nền sản xuất nội địa.

Ngoài ra, trong một thập niên gần đây năng suất của Việt Nam chủ yếu được cải thiện nhờ dịch chuyển cơ cấu"- PGS. TS Nguyễn Đức Thành cho hay.

Nhóm nghiên cứu khuyến cáo, xét về dài hạn, cải thiện năng suất nền kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm cả mọi chính sách cải cách.

Riêng trên khía cạnh thị trường lao động, còn cần nhiều nỗ lực để thị trường trở nên hiệu quả hơn, góp phần giúp lao động được tái phân bổ nhanh hơn, và giúp người lao động cải thiện năng suất nhanh hơn.

Dự báo tăng trưởng của nền kinh tế nhiều khả năng đạt 6,83% năm 2018, với mức lạm phát cả năm 4,21%. Trong một kịch bản bất lợi hơn, tăng trưởng chỉ đạt mức 6,49% và lạm phát chỉ tương đối ổn định ở mức 3,86%.

Tác giả: Hà Linh

Nguồn tin: Báo An ninh Thủ đô

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP