Thế giới

NATO bước vào Thượng đỉnh “mệt mỏi và căng thẳng” nhất

Các nước châu Âu sẽ phải chịu sức ép rất lớn từ phía Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc đóng góp chi phí tài chính nhiều hơn cho NATO.

Ngày 11/7, Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh tại Brussels trong không khí mệt mỏi và đầy hoài nghi do bất đồng ngày càng lớn giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu.

Hội nghị Thượng đỉnh NATO năm 2017. Ảnh: AP

Thượng đỉnh tiền

Trước khi Hội nghị thượng đỉnh NATO lần này diễn ra, hầu hết các nhà lãnh đạo lẫn giới phân tích tại châu Âu đều nhận định rằng Hội nghị lần này sẽ rất mệt mỏi và căng thẳng, bởi chắc chắn 29 nước thành viên còn lại của NATO, đặc biệt là các nước châu Âu, sẽ phải chịu sức ép rất lớn từ phía Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc đóng góp chi phí tài chính nhiều hơn cho NATO.

Đây sẽ chủ đề chính mà các nước NATO sẽ bàn bởi cuối tháng 6 vừa qua, ông Donald Trump đã gửi 1 bức thư đến 7 nước thành viên NATO, là Đức, Itali, Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan, Lucxembua và Bồ Đào Nha, yêu cầu các nước này tăng chi tiêu quốc phòng để đảm bảo mục tiêu tất cả các thành viên NATO đều dành 2% GDP nước mình cho ngân sách quốc phòng vào năm 2024.

Đối với NATO bây giờ, mâu thuẫn lớn nhất của khối này chính là việc Mỹ liên tục ép buộc các thành viên khác tăng chi tiêu quốc phòng với lí do phía Mỹ đưa ra là Mỹ phải gánh vác quá nhiều trong khi các lợi ích an ninh chính của NATO là dành cho các nước châu Âu.

Tuy nhiên, đây chỉ là một phần bề nổi của vấn đề. Thực chất, giới chính trị gia châu Âu nhận định rằng Tổng thống Mỹ đang muốn dùng NATO làm sức ép buộc các nước châu Âu phải nhượng bộ về mặt thương mại.

Bằng cách chỉ trích NATO lạc hậu, rồi đe doạ từ bỏ các bảo trợ an ninh thông qua NATO, đồng thời ép các nước châu Âu tăng chi phí quốc phòng nhiều hơn, Mỹ gây ra tâm lý bất an, căng thẳng tại châu Âu và buộc các nước này phải bù đắp cho Mỹ bằng cách mua nhiều hàng Mỹ hơn và xuất khẩu ít hơn vào Mỹ.

Nói cách khác, Mỹ đang dùng sức mạnh quân sự áp đảo của mình để tạo ra một tình thế căng thẳng với các đồng minh châu Âu, để đạt mục đích thương mại, vốn là mục tiêu lớn nhất của ông Trump trong thời gian qua.

Có thể thấy rõ ý định này của Mỹ hơn qua thực tế là trong vài năm qua, các thành viên NATO cũng đã liên tục tăng chi tiêu quốc phòng chứ không phải là không làm gì như Mỹ chỉ trích.

Cụ thể, năm 2016, ngân sách quốc phòng trung bình của các nước NATO tăng 3,14%, và năm 2017 là 5,21%. Đã có 4 nước đạt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng là Anh, Ba Lan, Hy Lạp và Estonia. Ngoài ra còn 4 nước khác cũng gần đạt mục tiêu là Pháp, Romania, Latvia và Litva. Trong 2 năm gần đây, NATO cũng đã triển khai được thêm nhiều lực lượng tại vùng Baltic cũng như lập thêm được 2 bộ chỉ huy.

Ngoài ra, đóng góp của Mỹ cho NATO cũng không phải áp đảo như hình dung. Mỹ góp 22% ngân sách cho NATO, tiếp theo là Đức 14% rồi đến Anh và Pháp cùng 10%.

Nếu tính theo tỷ lệ sức mạnh của các nền kinh tế thì con số này cho thấy, các chỉ trích mà ông Trump nhằm vào Đức thời gian qua là tương đối vô lý, và mục đích chính là gây sức ép buộc Đức, một trong những nước có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ, phải nhượng bộ về mặt thương mại.

Tính khí ông Trump

Dư luận đang đặt ra tình huống là Thượng đỉnh NATO cũng sẽ có một cái kết không mong đợi giống như Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu G7 hồi tháng trước, khi ông Trump bác tuyên bố chung.

Đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra và cũng được nhiều nhà ngoại giao cũng như giới phân tích ở châu Âu đề cập.

Nhiều người thậm chí còn cho rằng Hội nghị NATO lần này có thành công hay không chủ yếu phụ thuộc vào tính khí của ông Trump. Với tất cả những gì ông Trump đã làm trong thời gian qua với các đồng minh châu Âu, đặc biệt là việc nhen nhóm chiến tranh thương mại rồi rút khỏi thoả thuận hạt nhân Iran và đe doạ trừng phạt tất cả các công ty châu Âu làm ăn với Iran, châu Âu giờ đây hiểu rõ rằng đối với ông Donald Trump thì chỉ có lợi ích kinh tế của Mỹ là quan trọng, còn tất cả những điều khác, như lợi ích của đồng minh, đều chỉ là thứ yếu.

Tư duy này của ông Trump vận dụng cả trong các vấn đề đối ngoại và an ninh quốc tế, khi các khái niệm về đồng minh-đối thủ thay đổi liên tục.

NATO vốn là trụ cột an ninh của phương Tây kể từ sau Chiến tranh thế giới II, và cũng là thiết chế giúp Mỹ duy trì sức mạnh quân sự áp đảo trên toàn cầu, nhưng trong con mắt của ông Trump thì NATO chỉ là một tổ chức lạc hậu, tốn kém mà Mỹ phải chịu nhiều thiệt thòi, dù thực tế thì qua NATO, Mỹ mới duy trì được tầm ảnh hưởng, qua đó bảo vệ được lợi ích của mình trên lục địa châu Âu.

Vì thế, trước một Tổng thống Mỹ đầy mâu thuẫn và thất thường như ông Trump, khả năng Hội nghị Thượng đỉnh NATO rơi vào bế tắc như Hội nghị G7 là tương đối cao.

Châu Âu đang âm thầm tự cường

Trong một tuyên bố mới đây, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã cảnh báo, các nhà lãnh đạo châu Âu không nên tin tưởng 100% vào sự tồn tại của NATO.

Trên thực tế, châu Âu đã và đang có những thay đổi quan trọng về mặt chiến lược nhằm đối phó với sự thất thường từ phía nước Mỹ dưới thời ông Donald Trump.

Trong hơn 1 năm qua, châu Âu đang âm thầm tiến hành những dự án chung về quốc phòng rất tham vọng, từ việc xây dựng Cơ chế hợp tác tiên tiến (Pesco) cho đến triển khai các dự án cụ thể có quy mô lớn như Đức và Pháp phối hợp sản xuất máy bay tiêm kích và xe tăng chiến đấu thế hệ mới, Liên minh châu Âu xây dựng hệ thống dẫn đường toàn cầu riêng Galileo…

Tất cả những điều này cho thấy châu Âu đang tìm cách tự chủ về năng lực quốc phòng để giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ và trong tương lai xa, khả năng ra đời một quân đội chung của các nước Liên minh châu Âu là hoàn toàn có thể. Pháp chính là nước đang vận động mạnh nhất cho các kế hoạch này, đặc biệt sau khi xảy ra sự kiện Brexit.

Vì thế, nếu mâu thuẫn Mỹ và châu Âu vẫn gia tăng thì sẽ đến một thời điểm các nước châu Âu sẽ đứng lên tự quyết các vấn đề an ninh của riêng mình. Xét về tiềm lực kinh tế, quân sự lẫn công nghệ, châu Âu hoàn toàn đủ khả năng trở thành một thế lực quân sự mạnh và độc lập so với Mỹ.

Và khi đó thì sự tồn tại của NATO sẽ bị đe doạ. Đó là lí do như chính cựu Tổng thư ký NATO, ông Rasmussen nhận định, đó là Hội nghị Thượng đỉnh NATO lần này đang đứng trước mối đe doạ sẽ lún sâu vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi Liên minh quân sự này được thành lập./.

Tác giả: Quang Dũng

Nguồn tin: Báo Điện tử VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP