Bạn cần biết

Nên ăn gì trước và sau khi tiêm vắc xin Covid-19?

Các loại vắc xin Covid-19 đều được thử nghiệm trên những người có chế độ ăn bình thường trước khi phát hành, vì vậy những thông tin về 'chế độ ăn uống đặc biệt' để vắc xin phát huy hiệu quả là không có cơ sở.

Nên lưu ý về chế độ ăn uống trước và sau khi tiêm vắc xin để bồi bổ cơ thể mình tốt nhất. SHUTTERSTOCK

Tuy vậy, chúng ta cũng nên lưu ý về chế độ ăn uống trước và sau khi tiêm vắc xin để bồi bổ cơ thể mình tốt nhất, theo trang tin Health.

Tránh uống rượu bia trước và sau khi tiêm

Các nhà khoa học khuyên người dân không nên đụng tới đồ uống có cồn ít nhất là vài ngày trước và sau khi tiêm vắc xin. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), tác dụng phụ của vắc xin có thể khiến chúng ta mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt và buồn nôn. Việc uống rượu, dù ít, cũng có thể gây ra tình trạng mất nước cho cơ thể, khiến các triệu chứng trên trở nặng hơn. Uống rượu còn khiến hệ thống miễn dịch suy yếu và gây rối loạn giấc ngủ.

Ăn món nào tốt cho giấc ngủ

Nghỉ ngơi đầy đủ sẽ giúp hệ thống miễn dịch hoạt động tốt. Hãy chú ý tới những món ăn tốt cho giấc ngủ, đặc biệt là vào bữa tối trước ngày tiêm.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Clinical Sleep Medicine cho thấy, việc ăn quá ít chất xơ (trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, hạt) và quá nhiều chất béo bão hòa hoặc đường (thịt mỡ, các sản phẩm từ sữa, đồ ngọt) khiến cơ thể kém phục hồi hơn và khó ngủ hơn. Ăn nhiều chất xơ giúp chúng ta ngủ sâu hơn, giấc ngủ cũng chất lượng hơn.

Trong nghiên cứu này, các tình nguyện viên cũng ngủ nhanh khi ăn những món tốt cho giấc ngủ, ví dụ như súp đậu lăng, salad trộn dầu ô liu, cá hồi, bông cải xanh xào, khoai tây nướng…

Nên ăn xong trước giờ đi ngủ khoảng 3 giờ. Đối với đồ uống, không uống caffeine ít nhất 6 tiếng trước khi đi ngủ.

Uống đủ nước

Theo Viện Y học Mỹ (IOM), phụ nữ cần 2,7 lít chất lỏng mỗi ngày (tương đương 11 cốc nước) và nam giới cần 3,7 lít (khoảng 15 cốc). Khoảng 20% chất lỏng đó có trong thức ăn rồi, ta chỉ cần uống thêm 8-12 cốc nước nữa (đó là chưa tính tới nhu cầu bổ sung nước do tập thể dục).

Hãy chia lịch uống nước làm 4:

- Từ khi thức dậy đến giữa buổi sáng;

- Giữa buổi sáng đến giờ ăn trưa;

- Giờ ăn trưa đến giữa buổi chiều;

- Giữa buổi chiều đến giờ ăn tối.

Hãy uống đủ 2 cốc nước (230 ml/cốc) trong mỗi khung giờ này. Không nhất thiết phải là nước lọc mà có thể là nước chanh, nước bạc hà, nước ép trái cây... cũng được.

Hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn

Thực phẩm chế biến sẵn rất giàu natri, đường bổ sung và chất béo tổng hợp. Ăn nhiều có thể gây viêm, suy giảm chức năng miễn dịch. Theo tạp chí British Journal of Nutrition, thói quen ăn uống lành mạnh rất quan trọng để ngăn ngừa Covid-19. Cách tốt nhất để tăng cường hệ thống miễn dịch sau khi tiêm là ưu tiên thực phẩm nguyên chất, giàu dinh dưỡng, kháng viêm (ví dụ: rau và trái cây). Ăn tối thiểu 2-3 chén rau và 1,5-2 chén trái cây mỗi ngày.

Ăn nhẹ trước khi tiêm

CDC khuyến cáo nên ăn nhẹ và uống nước trước khi tiêm. Ngoài ra, đường huyết thấp cũng có thể gây ngất xỉu. Ăn bánh mì, ngũ cốc, đậu nành, trứng… để giúp tăng đường huyết.

Chuẩn bị đồ ăn nhạt, dễ tiêu hóa sau khi tiêm

Theo trang tin Health, một số người bị buồn nôn sau khi tiêm vắc xin. Để đề phòng, hãy chuẩn bị trước một số món nhạt và dễ tiêu hóa như canh xương hầm, chuối, dưa hấu, nước dừa, gạo lứt và khoai tây để ăn sau khi tiêm. Tránh những món khó tiêu như phô mai, đồ chiên xào, thịt hoặc đồ ngọt.

Sau khi tiêm, nếu cảm thấy chán ăn thì hãy chia thành nhiều bữa ăn nhỏ và nấu những món nhẹ bụng. Cứ cách vài giờ ăn 1 lần là được. Tác dụng phụ của vắc xin sẽ biến mất sau vài ngày.

Tác giả: Uyên Lê

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP