Nguyễn Nhật Linh (tên nhân vật được yêu cầu thay đổi), cháu của chị Hoài, quê ở Nghệ An vừa tham dự kỳ thi vào lớp 10 chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM. Ngay sau khi có kết quả, tất cả anh chị em nhà chị Hoài cùng ngồi canh điểm, hồi hộp, nhốn nháo khi hệ thống tra điểm của trường bị quá tải.
Khi tra được điểm, họ không tin nổi vào kết quả, tất cả bần thần, không những không đỗ mà điểm cháu rất thấp. Và sau đó một trọng trách hết sức nặng nề làm sao thông báo điểm và trấn an cháu và bố mẹ cháu.
Chị Hoài kể, Linh đạt học sinh giỏi tỉnh hai môn Hóa, Lý. Cháu là con đầu nên bố mẹ cháu dồn hết kỳ vọng cháu sẽ đỗ vào trường chuyên, sẽ đi học xa nhà. Từ nhỏ, cháu gần như chỉ biết học và học, ít khi giao lưu với bạn bè, gia đình không cho tiếp xúc với máy tính, điểm số được cân đo từng ly từng tý... Ngoài trường chuyên ở tỉnh, cháu còn thi vào mấy trường ở Hà Nội.
Ban đầu, chị Hoài chỉ dám gọi về cho mẹ - bà ngoại của cháu - dặn dò bà tìm cách trấn an cháu và anh chị. Sau đó, chị mạnh dạn gọi điện cho cháu, động viên đủ kiểu. Trái với lo lắng của chị, Linh đón nhận khá bình tĩnh, kết quả không ngoài dự kiến của cháu nhưng cháu không giấu được nỗi hoảng sợ bởi sự thất vọng, áp lực từ bố mẹ.
Chị Hoài chùng xuống khi nghe cháu gái nói: "Trượt con không buồn lắm nhưng con trượt mà bạn khác trong lớp, trong trường đỗ thì mẹ con sẽ chết mất".
Mới sau hai hôm có kết quả mà cả nhà ảm đạm, buồn rầu. Người bố luôn miệng nói "Không sao, học ở đâu cũng được" nhưng thở dài liên tục, ra vào đá thúng đụng nia. Cháu Linh khổ nhất là khi đối diện với mẹ, bà ngồi liệt kê hết trong huyện khả năng bao nhiêu đứa đỗ, bao nhiêu đứa được tuyển thẳng...
Nhiều con trẻ không sợ thi trượt bằng nỗi sợ sự thất vọng của bố mẹ |
Cách đây chưa lâu, khi Linh chỉ đạt giải Nhì học sinh giỏi tỉnh, mẹ cháu đã mất ăn mất ngủ mấy ngày. Rồi mẹ cháu so đo, con mình chỉ thiếu có chút điểm là giành giải Nhất như người bạn cùng lớp. Giờ mẹ cháu nhắc lại, nói cháu nếu ráng chút đạt giải Nhất thì đã được tuyển thẳng vào một trường chuyên của tỉnh, rồi lại bảo giá như cháu chọn khoa khác, luyện kỹ hơn...
"Ở quê nhưng mỗi tháng cháu tôi đi học thêm hết 3 - 4 triệu đồng, học khủng khiếp luôn. Các nhà chạy đua nhau vì điểm, vì học áp lực không kém, thậm chí hơn cả học sinh ở thành phố", chị Hoài thở dài.
Cẩn thận hội chứng "cháy sạch" ở trẻ
Hiện nay là thời điểm các trường chuyên, các địa phương trong cả nước thông báo kết quả kết quả thi vào lớp 10. Ai ở trong cuộc mới biết, đây là những lúc căng thẳng tột cùng của những gia đình có con tham dự các kỳ thi và nhất là với những đứa trẻ "gánh vác" các kỳ vọng từ bố mẹ.
Một giáo viên Văn chuyên luyện thi ở TPHCM chia sẻ, ngay từ thời điểm ôn, chưa thi nhưng cô đã thấy rất nhiều học trò bị căng thẳng về kết quả. Sau kỳ thi, thời điểm chờ đợi điểm và khi kết quả có nhiều em rơi vào hoảng loạn về tâm lý. Chưa kể, nhiều em không muốn thi chuyên mà do bố mẹ lựa chọn. Nhiều phụ huynh trước đây đã học chuyên nên giờ muốn con phải học và nhiều phụ huynh trước đây trượt nên muốn con "bù đắp".
Cô cũng cho biết thêm, nhiều phụ huynh đầu tư về tiền bạc, tâm sức rất lớn đầu tư cho việc luyện thi của con. Việc đầu tư thái quá không chỉ áp lực với con trẻ mà khi con trượt chính phụ huynh cũng bị sốc.
Đã rất nhiều lần bác sĩ Nguyễn Lan Hải cảnh báo đến hội chứng "cháy sạch" ở học sinh liên quan đến việc thi cử. Khi bị hội chứng này, người bệnh kiệt quệ về mặt cảm xúc, mệt mỏi về tinh thần, đối với người trẻ ở tuổi vị thành niên thì càng nguy hiểm. Ở độ tuổi các em sự phát triển rất mạnh nhưng lại ít kinh nghiệm sống, hầu như không được rèn luyện về khả năng đón nhận thất bại cho nên dễ bị khủng hoảng tâm lý.
Có nhiều bạn trẻ không chấp nhận kết quả học tập dưới mức mong muốn cho dù thực tế kết quả đạt được đã rất đáng khen. Nhiều trẻ đặt hoặc bị đặt mục tiêu vượt quá thực lực, giống như gắp lửa bỏ tay... mình, khều ngọn lửa quá cao.
Bác sĩ Nguyễn Lan Hải cảnh báo, nếu không có sự thông cảm, được chia sẻ, trợ giúp kịp thời có thể dẫn đến trầm cảm, để lại hậu quả lâu dài hoặc có hành động tự tử. Khi trẻ gặp hội chứng này cần được phát hiện sớm, được điều trị đúng cách, kịp thời. Còn để quá nặng rất khó điều trị và về lâu có thể mất khả năng làm việc, chăm sóc bản thân.
"Nhà trường, gia đình cần giúp các em tìm thấy được ý nghĩa của việc học tập suốt đời, học cả cách thua chứ không chỉ dừng lại ở một kỳ vượt vũ môn", bác sĩ Lan Hải nhấn mạnh.
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo Dân trí