Xã hội

Ngậm đắng khi mua nhà trên đất nông nghiệp

Hàng chục hộ dân tại tỉnh Bình Dương đang lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần sau khi trót mua nhà trên đất nông nghiệp, được chủ nhà và môi giới khẳng định "bao pháp lý"

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Tường (35 tuổi, quê Hà Tĩnh) sau nhiều năm làm công nhân ở Bình Dương tích cóp được 200 triệu đồng. Được giới thiệu có căn nhà giá rẻ ở khu phố Long Khánh, phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, họ đã đi xem và quyết định mua để có chỗ ở.

"Bao" xây dựng, tranh chấp

Chị Tường kể thời điểm vợ chồng chị đến xem thì nhà mới bắt đầu đào móng, cả môi giới lẫn chủ đất đều hứa "bao" xây dựng, "bao" tranh chấp. "Chính quyền địa phương nói ở đây xây dựng trái phép. Tôi nhìn xung quanh thấy hàng xóm đã ở kín, nghĩ không có vấn đề gì nên đã vay mượn thêm để mua nhà với giá 850 triệu đồng" - chị Tường nhớ lại.

Vào ở mới được 1 năm, chị Tường nhận thông báo từ UBND phường về việc phải tháo dỡ do nhà xây trên đất nông nghiệp. Chị Tường cùng với 11 hộ dân tìm mọi cách liên hệ với chủ đất nhưng ông này cho người đại diện đến nói chuyện, khẳng định sẽ "lo lót" được. "Giờ thì tay trắng, không biết trách ai, chỉ tự trách bản thân" - chị Tường nghẹn ngào.

Trong khi đó, chị Tạ Thị Ánh Hồng (SN 1981, quê TP HCM) lại quá tin tưởng vào những lời khẳng định của môi giới là nhà có giấy phép xây dựng. "Tôi đã tin tưởng đến mức không cần gặp chủ đất, chỉ khi đi lập vi bằng hai bên mới gặp nhau. Cái sai của tôi là không đi hỏi chính quyền nên mới ra nông nỗi này. Tiền mua căn nhà này là tích cóp mười mấy năm làm công nhân nhưng cũng chỉ mới trả được 25%, còn lại là vay mượn. Giờ nhà không còn, mỗi tháng phải trả tiền lãi ngân hàng trong khi hai vợ chồng đang thất nghiệp" - chị Hồng thở dài.

Theo ông Phạm Tuấn Khanh, Chủ tịch UBND phường Tân Phước Khánh, căn nhà của chị Tường, chị Hồng nằm trong số 12 căn xây trên đất nông nghiệp của ông Tống Thanh Việc bị tháo dỡ trong đợt này; căn nhỏ nhất gần 40 m2 và lớn nhất là 58,6 m2 với kết cấu 1 trệt, 1 lầu.

Các căn nhà xây dựng trái phép từ khoảng cuối năm 2021, khi phát hiện sự việc, lực lượng chức năng thị xã Tân Uyên đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ trong đô thị mà không có giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, sau khi bị nhắc nhở, chủ đầu tư vẫn tiếp tục xây.

12 căn nhà bị tháo dỡ vì xây dựng trái phép


Xem xét xử lý trách nhiệm cán bộ liên quan

Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, cho biết thị xã Tân Uyên đã tổ chức đoàn thanh tra trách nhiệm cá nhân, tập thể để 12 căn nhà xây dựng trên đất nông nghiệp, sau đó phải cưỡng chế.

"Vụ việc này rất phức tạp, chủ đầu tư đã cố tình chống đối khiến lực lượng chức năng và chính quyền địa phương gặp khó khăn khi thực thi nhiệm vụ. UBND phường Tân Phước Khánh đã cắm biển cảnh báo nhưng đều bị nhổ sạch; thị xã Tân Uyên cũng đã có nhiều văn bản báo cáo UBND tỉnh, cũng như phối hợp với Sở Xây dựng giải quyết.

Sau này tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ, lực lượng chức năng phát hiện chủ đầu tư đã bán cho người dân nhưng theo Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, những căn nhà vẫn phải tháo dỡ vì xây trên đất nông nghiệp" - ông Tuấn Anh khẳng định.

Theo ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, để xảy ra vụ việc có phần lỗi từ phường đến khu phố. Nhằm ngăn chặn tình trạng trên tái diễn, UBND tỉnh Bình Dương đã có Quyết định số 41/2022 phân cấp quản lý trật tự xây dựng cho địa phương.

Quyết định này cũng quy định xử lý cá nhân có trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng nhưng không kịp thời kiểm tra, xử lý việc xây dựng vi phạm. Sở Xây dựng đã có app "Thông tin bất động sản Bình Dương" trên thiết bị di động.

Thông qua app này, nếu người dân phát hiện có việc xây nhà trái phép thì cung cấp để sở chuyển cho các đơn vị xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, Tổng đài 1022 của tỉnh được người dân phản ánh sẽ chuyển đến các đội trật tự xây dựng xử lý theo thẩm quyền.

Theo kế hoạch, sắp tới, các địa phương trong tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ nhiều khu nhà xây dựng trên đất nông nghiệp; nhiều nhất là ở những địa phương có số lượng dân nhập cư đông, nhu cầu về nhà ở lớn như TP Dĩ An, Thuận An, thị xã Bến Cát, Tân Uyên.

Ông Phạm Tuấn Khanh khẳng định chính quyền đã có hướng dẫn, yêu cầu người dân viết đơn gửi TAND thị xã Tân Uyên; đồng thời mời các cơ sở, đơn vị trợ giúp pháp lý hỗ trợ về thủ tục.

Tìm hiểu kỹ thông tin quy hoạch

Quý I/2023, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã tổ chức kiểm tra 1.724 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó, 1.317 trường hợp có giấy phép, 159 trường hợp không phép, 88 trường hợp sai phép, 160 trường hợp vi phạm khác... Cơ quan có thẩm quyền đã ban hành 241 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 4,5 tỉ đồng.

Theo ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Bình Dương đang làm lại quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng đô thị.

Đối với các khu nhà ở tự phát phù hợp với quy hoạch sử dụng đất ở sẽ được tạo điều kiện hợp thức hóa thông qua việc lên thổ cư, cấp sổ đất và giấy phép xây dựng.

Trường hợp không đúng quy hoạch sử dụng đất thì buộc tháo dỡ. Người dân muốn mua nhà đất nên tìm hiểu kỹ thông tin quy hoạch để tránh hệ lụy.

Tác giả: Thảo Nguyễn

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP