Sông Hiếu dài khoảng 220 km, bắt nguồn từ huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An) rồi hợp nhất với sông Lam tại xã Đỉnh Sơn (huyện Anh Sơn). Đây là con sông quan trọng chảy qua sáu huyện và thị xã Thái Hòa. Đoạn sông Hiếu chảy qua xóm 3, xã Nghĩa Đồng (huyện Tân Kỳ) có mỏ khai thác cát, sỏi Làng Ga. Mỏ này đã được cấp phép cho Công ty TNHH Thành Phát.
“Khi nước lớn thì con đê sẽ bị tống vỡ…”
Mặc dù mỏ khai thác cát, sỏi Làng Ga được cấp phép khai thác cho Công ty TNHH Thành Phát, tuy nhiên theo ông Trần Đình Hướng, Phó Chủ tịch xã Nghĩa Đồng, mỏ này được Nhà nước cấp cho một công ty hoặc một doanh nghiệp. Sau đó tùy theo tỉ lệ vốn góp, họ chia từng khúc sông cho các cổ đông khai thác “mạnh ai nấy làm”.
Theo người dân xã Nghĩa Đồng, từ năm 2019, đoạn cuối mỏ cát Làng Ga trên sông Hiếu đã bị một số cổ đông đắp một con đê chặn gần hết dòng sông để đưa máy móc thiết bị ra khai thác cát, sỏi. Việc đắp đê ngang sông khiến dòng sông Hiếu bị nắn dòng, chảy xiết về một phía bên đường Hồ Chí Minh. Dòng chảy sông Hiếu bị thay đổi đang gây sạt lở đất nông nghiệp. Đặc biệt còn gây khó khăn, nguy hiểm cho tàu thuyền của người dân qua lại khu vực này.
Ông Nguyễn Văn Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ, không có cơ quan nào cho phép đắp đê ngang sông Hiếu. “Đắp đê ngang sông khai thác cát như vậy là vi phạm. Tôi cũng vừa nghe báo cáo và sẽ trực tiếp lên đó để kiểm tra, xử lý” - ông Hoa nói.
Về phía đại diện Sở TN&MT tỉnh Nghệ An cũng khẳng định việc cá nhân, doanh nghiệp khai thác cát bằng cách đắp đê ngang sông ảnh hưởng dòng chảy là sai và sẽ kiểm tra, xử lý, khơi thông dòng chảy như ban đầu.
Trao đổi với PV về việc xuất hiện con đê chặn gần hết dòng sông Hiếu, ông Nguyễn Đình Thái, một cổ đông của mỏ cát Làng Ga, cho rằng: “Khi nước lớn thì con đê sẽ bị tống vỡ, không còn tồn tại”. Tuy nhiên, trên thực tế con đê này đã tồn tại ở đây từ năm 2019 khiến người dân phải “kêu cứu” cho dòng chảy của sông Hiếu.
Sông Hiếu (đoạn qua xóm 3, xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) đã bị chủ mỏ đắp đê chắn ngang để hút cát. Ảnh: ĐẮC LAM |
Xe chở cát gây hư hỏng đường
Không chỉ ngang nhiên đắp đê ngang sông để khai thác cát, sỏi, các đơn vị này còn đưa nhiều xe tải cỡ lớn vào chở cát. Xe chở cát gây khói bụi, hỏng đường, mất an toàn giao thông khiến người dân bức xúc phản ánh lên xã.
Để ngăn chặn xe chở cát đi vào đường trong khu dân cư, xã Nghĩa Đồng đã cho đổ hai trụ bê tông chôn hai bên đường để ngăn cấm xe tải chạy qua khu dân cư. Song song đó, xã cho phép hai công ty khai thác cát thuê một cá nhân sửa con đường đi giữa đồng với kinh phí hơn 1,4 tỉ đồng để chở cát đi tiêu thụ. Việc làm này lại khiến người dân lo lắng bởi cá nhân sửa đường, không nghiệm thu theo tiêu chuẩn kỹ thuật có thể xảy ra tai nạn.
“Chúng tôi biết việc đắp mố bê tông này không đúng nhưng nếu không có biện pháp ngăn chặn thì xe chở cát sẽ làm hỏng hết con đường, ảnh hưởng đến người dân” - ông Hướng, Phó Chủ tịch xã Nghĩa Đồng, nói.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức An, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Nghệ An và ông Hồ Quang Cảnh, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông Sở GTVT tỉnh Nghệ An, khẳng định việc đổ mố bê tông trên đường không có biển báo và phản quang như vậy là sai quy định, nguy hiểm cho người đi đường. Sở sẽ cho kiểm tra để dỡ bỏ mố bê tông, thay vào đó là sẽ lắp biển cấm xe tải trọng lớn lưu thông trên huyện lộ.
Nói về việc để các đơn vị khai thác cát trên sông Hiếu gây sạt lở, ông Võ Duy Hiển, Chủ tịch xã Nghĩa Đồng, phân trần: “Chúng tôi là cấp xã, không có thẩm quyền tạm đình chỉ khai thác cát, sỏi mà đó là thẩm quyền cấp huyện, còn rút giấy phép là cấp tỉnh. Tôi chỉ biết như vậy. Việc khai thác cát nhiều, xe tải chạy ngày đêm sôi sục khiến dân bức xúc mang gậy gộc ra chặn xe tải, đòi kéo lên UBND huyện nên tình thế đó buộc chúng tôi phải cho đổ hai trụ bê tông ngăn xe tải”.
“Đắp đê hay sạt lở đất cũng trong phạm vi mỏ cả” Chiều 10-3, trao đổi qua điện thoại, ông Phạm Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thành Phát, cho rằng: “Anh là người vào chụp ảnh ở mỏ phải không? Thích chụp ảnh là chụp thế à? Đắp đê hay sạt lở đất cũng trong phạm vi mỏ cả”. Trả lời câu hỏi thực tế bờ sông Hiếu đang sạt lở và trong việc khai thác cát, sỏi có được đắp đê ngang sông, ông Thành nói: “Việc khai thác là có Phòng Tài nguyên huyện và Sở TN&MT tỉnh và giao thông đường thủy chứ bên nhà báo không liên quan gì đâu”. |
Tác giả: ĐẮC LAM
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM