Thủ tướng Đức Angela Merkel rời chính trường sau 16 năm chèo lái đất nước (Ảnh: Reuters). |
Theo hãng tin RT, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, chính thức khép lại 15 năm 338 ngày đảm nhiệm chức vụ.
Trong buổi lễ diễn ra tại cung điện Bellevue ở Berlin, Tổng thống Steinmeier đã chấp nhận đơn từ chức của bà Merkel, ca ngợi những cống hiến của bà hơn một thập niên qua. Tổng thống Steinmeier mô tả, giai đoạn bà Merkel cầm quyền là một trong những giai đoạn vĩ đại nhất trong lịch sử hiện đại của nước Đức. Ông cũng cho rằng, nhờ những đóng góp của bà Merkel mà châu Âu không tan vỡ.
Giai đoạn bà Merkel lãnh đạo đã xác định hình ảnh của nước Đức trên trường quốc tế và cho cả một thế hệ trẻ của nước Đức. Mặc dù vậy, Tổng thống Steinmeier thừa nhận, nhiệm kỳ của bà Merkel cũng ghi dấu bởi nhiều thách thức, cuộc khủng hoảng khác nhau.
Tuy nhiên, bà Merkel, 67 tuổi, sẽ tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng lâm thời cho đến khi chính phủ mới được thành lập. Các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh có thể kéo dài đến tháng 12.
Trong những tuần cuối cùng đảm nhiệm vai trò thủ tướng lâm thời, bà Merkel sẽ là lãnh đạo đại diện nước Đức tham gia hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Italia và hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc ở Glasgow.
Tuần trước, các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cũng tổ chức một sự kiện để tạm biệt Thủ tướng Merkel sau hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Brussels, Bỉ hôm 22/10. Tại đây, các nhà lãnh đạo đã dành lời ca ngợi cho "bà đầm thép" Merkel, gọi bà là "công dân châu Âu ưu tú", "cỗ máy đàm phán", "tượng đài"
Thủ tướng Đức Angela Merkel và các lãnh đạo EU chuẩn bị chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels hôm 21/10 (Ảnh: Reuters). |
Bà Merkel vốn là tiến sĩ vật lý, từng làm việc trong lĩnh vực hóa lượng tử. Bà đắc cử thủ tướng Đức năm 2005. Ở tuổi 51, bà là thủ tướng trẻ nhất lịch sử Đức kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Với quyết định không tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử diễn ra hồi tháng 9 năm nay, bà Merkel trở thành thủ tướng Đức đầu tiên rời nhiệm sở theo nguyện vọng cá nhân và là thủ tướng tại nhiệm lâu thứ hai trong lịch sử Đức.
Trong nhiệm kỳ của mình, bà Merkel đã để lại nhiều di sản chính trị và kinh tế quan trọng. Một trong những dấu ấn đậm nét nhất trong di sản kinh tế của bà Merkel là năm 2018 khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra. Dưới sự dẫn dắt của bà Merkel, chính phủ Đức đã đồng thời thực hiện các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" vừa thực hiện cải cách. Nhiệm kỳ của bà cũng được ghi dấu với chính sách mở cửa, cho phép hàng triệu người nhập cư vào Đức trong cuộc khủng hoảng di cư từ châu Phi và Trung Đông.
Tuy vậy, còn nhiều vấn đề chưa có lời giải mà người kế nhiệm mà bà Merkel phải xử lý như vai trò dẫn dắt châu Âu của Đức và chính sách ứng phó tiếp theo với đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu.
Tác giả: Minh Phương
Nguồn tin: Báo Dân trí