Số hóa

Ngày hè nắng nóng, dùng smartphone thế nào cho đúng cách

Thời tiết nắng nóng giữa mùa hè rất nguy hiểm cho smartphone. Người dùng cần lưu ý để không vô tình làm hỏng thiết bị của mình.

Vào mùa hè, nhiệt độ tăng cao, ánh nắng mặt trời gay gắt cũng là lúc các thiết bị điện tử dễ gặp phải tình trạng quá nhiệt hoặc nóng lên bất thường, đặc biệt là điện thoại.

Điều này sẽ giảm đáng kể hiệu năng hay thậm chí là làm hỏng sản phẩm, chảy pin, gây cháy nổ và ảnh hưởng đến những tác vụ thường ngày của người dùng như nghe gọi, nhắn tin, chụp ảnh. Do đó, người dùng cần trang bị kiến thức để bảo vệ thiết bị của mình.

Không được rửa hay để điện thoại vào tủ lạnh

Nhiều người lầm tưởng rằng khi nóng lên thì smartphone cần được làm lạnh ngay lập tức như ngâm hay xả dưới nước. Nhưng sự thật là điều này chỉ gây thêm nguy cơ hư hỏng cho thiết bị của họ.

Dù smartphone hiện nay đã đạt chuẩn chống nước IP67 hoặc IP68, điều đó không có nghĩa là chúng có thể “tắm” liên tục dưới vòi nước. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người dùng không nên để điện thoại tiếp xúc trực tiếp với nguồn nước vì dễ làm rơi do trơn trượt hoặc ngâm quá lâu trong nước so với thời gian quy định.

Lạm dụng nhiệt độ thấp của tủ lạnh để làm mát điện thoại nhanh chóng sẽ bị phản tác dụng. Ảnh: Tech With Tech.

Người dùng cũng không nên để smartphone vào tủ lạnh và tủ đông vì nhiệt độ quá khắc nghiệt dù nóng hay lạnh vẫn có ảnh hưởng xấu đến thiết bị của họ. Phương pháp này không chỉ không có hiệu quả mà còn khiến phần đá tuyết đóng vào hoặc nước ngấm vào bên trong linh kiện dẫn đến hư hỏng thiết bị.

Vì thế, lời khuyên là nên tắt nguồn điện thoại và đặt ở nơi thoáng mát để nó từ từ “nguội” đi, trở lại nhiệt độ phòng bình thường.

Tránh xa nhiệt độ cao

Vào những ngày nắng nóng, người dùng nên để thiết bị tránh xa nguồn nhiệt như ánh nắng trực tiếp. Nhiệt độ cao từ ánh nắng mặt trời sẽ khiến smartphone nóng lên nhanh chóng, thậm chí là gây bỏng khi chạm vào. Tình trạng này sẽ còn tệ hơn khi bạn vừa nghe nhạc, gọi điện, sạc pin trong khi ở dưới nguồn nhiệt.

Do đó, nếu ở nhà, bạn không nên đặt smartphone cạnh cửa sổ. Nếu ra ngoài, bạn nên dùng các tấm vải để che chắn điện thoại của mình. Tương tự, các chuyên gia cho rằng người dùng cũng không nên để thiết bị điện tử trong xe hơi hay trong phòng kín.

Bên cạnh đó, túi quần, túi áo cũng được xem là một môi trường nguy hiểm đối với điện thoại vì chúng sẽ tiếp xúc trực tiếp với nguồn nhiệt từ cơ thể người. Vì vậy, người dùng nên để điện thoại trong túi xách hay ví cầm tay thay vì túi áo, túi quần để tránh bị quá nhiệt.

Ốp lưng, đặc biệt là những mẫu có vỏ nhựa dày, sẽ vô tình biến thành lớp cách nhiệt vào những mùa nắng nóng. Ảnh: Future.

Mặt khác, người dùng nên ngay lập tức nói lời tạm biệt với những chiếc ốp lưng của mình trong mùa hè nắng nóng để bảo vệ điện thoại của mình.

Trong điều kiện bình thường, bao da, ốp lưng là những phụ kiện hữu ích để bảo vệ điện thoại tránh khỏi những hư hỏng do va đập. Nhưng khi thiết bị quá nóng, chúng có thể trở thành tác nhân làm chậm quá trình tỏa nhiệt ra bên ngoài ở phía mặt lưng.

Ngoài ra, khi sạc điện thoại, nhiệt độ điện thoại dễ tăng cao nên người dùng cũng nên tháo ốp lưng ra khỏi thiết bị để quá trình tản nhiệt được dễ dàng hơn.

Sử dụng điện thoại điều độ

Ngoài nhiệt độ cao bên ngoài môi trường, việc sử dụng điện thoại liên tục với những tác vụ nặng cũng khiến chúng nhanh nóng hơn bình thường. Lời khuyên là người dùng không nên chơi những tựa game nặng, đóng các ứng dụng chạy nền hoặc có thể tắt nguồn thiết bị khi không có nhu cầu sử dụng để đảm bảo smartphone không bị quá nhiệt.

Một lưu ý khác khi sạc điện thoại là không nên sạc quá lâu vào ban ngày nhất là giữa lúc thời tiết nắng nóng. Nguồn nhiệt từ ánh nắng mặt trời kết hợp với nhiệt độ cao khi sạc sẽ làm hỏng pin và các linh kiện bên trong thiết bị. Thay vào đó, người dùng có thể đặt thiết bị ở những nơi có bóng râm, trên bề mặt thoáng mát khi sạc để tránh tình trạng trên.

Cuối cùng, nếu những mẹo trên chưa thể khắc phục được tình trạng điện thoại thường xuyên quá nhiệt, người dùng có thể thay đổi một vài cài đặt hệ thống để hạn chế nhiệt tự phát từ điện thoại.

Người dùng nên sử dụng điện thoại hợp lý để tránh quá nhiệt giữa mùa nắng nóng. Ảnh: PhoneArena.

Người dùng có thể giảm độ sáng màn hình lại để tiết kiệm pin, hạ nhiệt. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tắt kết nối 4G/5G khi không sử dụng hoặc chuyển sang chế độ máy bay nếu được. Chế độ này sẽ tắt Wi-Fi, định vị GPS và dữ liệu di động, đồng nghĩa với việc người dùng không thể nghe gọi hay truy cập Internet nhưng lại giúp điện thoại “hạ hỏa” nhanh chóng.

Một số dòng điện thoại còn có chế độ tăng cường nhằm giúp cải thiện hiệu năng của điện thoại khi chơi game. Nhưng tính năng này cũng gây ngốn pin và làm thiết bị nóng lên nhanh chóng. Vì thế, lời khuyên là nên tắt chúng và chuyển sang sử dụng chế độ tiết kiệm pin có sẵn trong máy để bảo vệ điện thoại giữa những ngày nắng nóng.

Tác giả: Thúy Liên

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP