Tin trong tỉnh

Nghệ An: 42 đơn vị giải ngân vốn đầu tư công 0%

Trong quý I/2023, tỉnh Nghệ An có 8 địa phương và 34 sở, ngành, chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 0%. Trong khi tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản “hối thúc”.

Dự án lát vỉa hè và xây dựng hệ thống thoát nước ngầm đoạn Trường Thi- Lê Nin phải hủy thầu do chậm tiến độ.

Nhiều đơn vị bị nêu tên

Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tỉnh Nghệ An, tính đến ngày 10/3/2023, nguồn vốn đầu tư công tập trung do tỉnh quản lý đã giải ngân 246,359 tỷ đồng, đạt 4,41% kế hoạch. Cụ thể, có 6/21 địa phương và 8/47 sở, ngành, chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình; 15/21 địa phương và 39/47 sở, ngành, chủ đầu tư giải ngân dưới mức trung bình. Đặc biệt, có 8/21 địa phương và 34/47 sở, ngành, chủ đầu tư chưa thực hiện giải ngân (0%). Thậm chí, tại TP Vinh có dự án đã đấu thầu, tạm ứng nhưng sau đó lại “hủy thầu”.

Năm 2023 tỉnh Nghệ An được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công là 9.033,5 tỷ đồng. Trong đó đưa vào kế hoạch đầu tư công tập trung tỉnh quản lý: 5.583,8 tỷ đồng; đã phân bổ chi tiết: 5.386,695 tỷ đồng, đạt 96,47%. Cơ bản phương án phân bổ của tỉnh Nghệ An đã đảm bảo theo các nguyên tắc, tiêu chí quy định. Tuy nhiên, trong số những nguồn vốn chưa phân bổ vẫn còn 197,105 tỷ đồng, chiếm 3,53% kế hoạch. Thậm chí, còn 20 dự án với số vốn 196,926 tỷ đồng, chưa hoàn thiện thủ tục như: Huyện Kỳ Sơn (4 dự án, số vốn 60,996 tỷ đồng), huyện Tương Dương (3 dự án, số vốn 81,749 tỷ đồng), huyện Nghĩa Đàn (1 dự án, số vốn 3,513 tỷ đồng), Sở Văn hóa và Thể thao (2 dự án, số vốn 9,88 tỷ đồng)…. Đặc biệt, huyện Con Cuông vẫn còn 10 dự án, số vốn 40,788 tỷ đồng.

Tại TP Vinh, không chỉ chậm giải ngân theo kế hoạch mà đơn vị này còn có dự án dù đã đấu thầu, tạm ứng nhưng do nhà thầu “hủy thầu” dẫn đến dự án chậm tiến độ. Cụ thể, ngày 30/11/2021 UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 4614/QĐ-UBND phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình tuyến mương tiêu thoát nước dọc tuyến đường V.I. Lê Nin, Trường Thi, TP Vinh, với tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng, giao cho UBND TP Vinh làm chủ đầu tư. Đơn vị trúng thầu là Liên danh công ty CP đầu tư và phát triển An Việt (DN An Việt) và Công ty CP xây lắp Tân Thắng (DN Tân Thắng). Nhưng sau đó, ngày 22/2/2023, DN An Việt có công văn xin chấm dứt hợp đồng thi công xây dựng công trình nên phải hủy kết quả trúng thầu để tiến hành thủ tục đấu thầu lại.

Theo ông Nguyễn Ngọc Phong - Trưởng ban quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng TP Vinh, nguyên nhân hủy kết quả trúng thầu của dự án nói trên là do nhà thầu không triển khai, nên Ban QLDA có văn bản đề nghị và chấm dứt hợp đồng. “Hiện Ban QLDA đã thu hồi được khoản tiền tạm ứng 27 tỷ đồng và nạp vào kho bạc, trong thời gian tới sẽ tổ chức đấu thầu lại”.

Sẽ miễn nhiệm cán bộ làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Thực hiện Quyết định số 1513/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023, tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn 9069/UBND-KT, trong đó có nhấn mạnh, năm 2023, tỉnh sẽ đề cao kỷ luật, kỷ cương và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn kết quả giải ngân với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cụ thể, với các cơ quan, đơn vị đến hết niên độ ngân sách năm 2023 không đạt tối thiểu 90% kế hoạch giải ngân được giao là một trong các tiêu chí để xem xét, đánh giá, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ. Việc không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tiếp là một trong các trường hợp để xem xét miễn nhiệm cán bộ theo quy định.

Nói về nguyên nhân chậm, theo Sở KHĐT, do những tháng đầu năm, đối với các công trình chuyển tiếp, các đơn vị đang tập trung thực hiện khối lượng để hoàn thành tạm ứng kế hoạch giải ngân năm 2022. Đối với các công trình khởi công mới thì đang tập trung triển khai các hồ sơ, thủ tục liên quan để khởi công xây dựng. Cùng với đó, thời gian đầu năm 2023 gặp khó khăn do khối lượng công việc nhiều hơn, nguồn vốn giải ngân lớn hơn. Các yếu tố như giá cả nguyên, nhiên, vật liệu dự báo biến động khó lường, tác động trực tiếp đến hoạt động đầu tư xây dựng, thi công của các nhà thầu. Công tác giải phóng mặt bằng tiếp tục gặp khó khăn…

Tại cuộc họp đánh giá công tác giải ngân vốn đầu tư công do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức ngày 28/3, ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề nghị: Các ngành, các địa phương, đặc biệt là người đứng đầu phải dành sự quan tâm nhiều hơn cho công tác này, có sự tham gia trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy. “Phân công nhiệm vụ cụ thể, giao trách nhiệm rõ ràng cho từng đơn vị, cá nhân, yêu cầu về thời gian, kết quả; quản lý chặt chẽ thủ tục, vừa thực hiện đúng quy định, vừa đáp ứng tiến độ; không đề xuất, bổ sung dự án mới khi chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện các dự án hiện tại” - ông Trung nhấn mạnh.

UBND tỉnh Nghệ An nghiêm cấm hành vi yêu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư khi chương trình, dự án chưa có quyết định chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt hoặc thực hiện khối lượng vượt kế hoạch giao, gây nợ đọng xây dựng cơ bản. Đối với nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh sau ngày 31/12/2014, giao Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị, giám đốc các sở, ban, ngành, các chủ đầu tư tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

Tác giả: ĐIỀN BẮC

Nguồn tin: daidoanket.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP