Tin trong tỉnh

Nghệ An: Báo động tái diễn nạn săn bắt, bẫy chim hoang dã, chim di cư

Gần một tháng qua, lợi dụng thời điểm các loài chim hoang dã, di cư theo mùa như cò, vạc, én… bay về trú ngụ, tìm kiếm thức ăn trong mùa mưa bão, tại nhiều xã trên địa bàn huyện Diễn Châu (Nghệ An), người dân lại ồ ạt đi giăng lưới để bẫy bắt chim trời.

Xác chim én trên lưới tàng hình của thợ săn. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Đáng báo động là dù ngành Kiểm lâm, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, khuyến cáo nhưng người dân ở nhiều địa bàn vẫn ngang nhiên, ồ ạt bẫy, bắt các loài chim hoang dã, di cư theo kiểu tận diệt. Hệ lụy kéo theo là mỗi ngày có hàng ngàn cá thể chim các loại bị bẫy, bắt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến số lượng cá thể chim hoang dã, tác động xấu đến hệ sinh thái tự nhiên.

Nhiều vùng "tử địa" của chim

Cứ vào mùa mưa bão (từ tháng 8 đến tháng 11 hằng năm), tại các địa bàn ven biển, gần biển như Diễn Kim, Diễn Hùng, Diễn Hải, Diễn Hoàng, Diễn Mỹ, Diễn Phong (huyện Diễn Châu) rất dễ bắt gặp cảnh người dân thi nhau giăng lưới, dùng nhựa dính, chim mồi, loa phát âm thanh giả tiếng chim để bẫy bắt các loại chim én, cò, vạc, diệc… Hàng chục héc-ta ruộng đồng sau mùa gặt tại các địa phương này được giăng mắc, phủ trắng bởi tầng tầng, lớp lớp những tấm lưới bẫy chim tại các địa phương này.

Lưới tàng hình (loại lưới màu trắng, sợi mảnh nhưng bền, mắt lưới rất bén) được bố trí giăng mắc dày đặc trên đồng ruộng đã tạo nên những “vùng tử địa” đối với các loài chim hoang dã, chim di cư khi sà xuống kiếm ăn hoặc bay ngang qua. Để tạo nên sự chắc chắn cho hệ thống lưới bẫy, “thợ săn chim” đã dùng nhiều cột chống, nâng đỡ. Trên mỗi cột chống có gắn chuông rung phát âm thanh khi có chim bị mắc lưới.

Các khu vực đầm lầy, rừng ngập mặn ven biển, cửa sông, cửa lạch… có môi trường sinh cảnh phù hợp với việc trú ngụ, kiếm ăn của các loài én, cò, vạc, diệc cũng được các “thợ săn chim” lựa chọn để giăng lưới, cắm nhựa, dùng chim mồi để nhử và máy phát âm thanh giả tiếng chim suốt đêm ngày để dụ những đàn chim sà xuống dính bẫy.

Trên những cánh đồng, khu vực đầm lầy, ao hồ, cửa sông cũng dễ dàng bắt gặp những lều, lán được “thợ săn chim” dựng lên để sinh hoạt, ngủ nghỉ trong quá trình săn, bắt bẫy chim. Bên cạnh các lán, lều là vô số lồng đựng chim, ống đựng que nhựa dính, những dụng cụ hỗ trợ việc săn, bắt, bẫy chim như bình ắc-quy, loa phát âm thanh giả tiếng chim… Những đống lông từ quá trình "làm thịt chim" cũng hiện hữu ở nhiều nơi trên cánh đồng.

Tiếp cận những điểm bẫy, bắt chim, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những con chim mồi (cò, én) được sử dụng để nhử đàn sà xuống bẫy dính đều đã bị thợ săn chim khâu mí mắt lại. Nhiều cá thể cò, én mắc lưới cố đập cánh vùng vẫy nhưng không thể thoát thân bởi mắt lưới đã “khóa” các bộ phận đầu, cánh, chân. Trên những tấm lưới, những xác chim én chết cứng do thợ săn gỡ còn sót lại.

Ban đêm, trên những cánh đồng là sự hỗn tạp của những âm thanh tiếng chim kêu, tiếng các thợ săn thúc giục gọi nhau ra gỡ lưới, tiếng bước chân chạy vội và nhớp nhoáng những ánh đèn pin chao lia khắp trên mặt ruộng.

“Thiên la địa võng” lưới tàng hình giăng mắc dày đặc trên đồng ruộng để bẫy chim. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Nỗ lực vào cuộc

Ông Lê Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Diễn Kim cho biết: Nhiều năm qua, vào mùa mưa bão người dân địa phương lại tổ chức bẫy, bắt chim trời trên cánh đồng khu vực giáp ranh với xã Diễn Hải và khu vực bãi sú vẹt ngoài cửa biển Lạch Vạn. Để ngăn chặn tình trạng này, chính quyền đã chỉ đạo lực lượng công an, địa chính xây dựng kế hoạch ra quân xử lý tình trạng săn bắt, bẫy chim hoang dã, chim di cư.

Không riêng các xã giáp biển, gần biển mà nhiều địa phương thuộc vùng bán sơn địa như Diễn Phú, Diễn Lợi, Diễn Lâm, Diễn Hoa, Diễn Thái… (huyện Diễn Châu) có môi trường tự nhiên nhiều đồng ruộng, gần rừng, thưa dân cư cũng được các “thợ bẫy chim” thi nhau đặt bẫy. Đây là những địa bàn được ngành Kiểm lâm huyện Diễn Châu đánh giá là “điểm nóng” về tình trạng săn, bắt bẫy các loài chim hoang dã, chim di cư.

Tại các địa bàn này không khó để bắt gặp cảnh hàng ngàn con cò giả được tạo tác bằng xốp với màu sắc, kích thước giống hệt cò thật cùng hàng chục ngàn cây nhựa “siêu dính” được các “thợ bẫy chim” cắm trên khắp các thửa ruộng. Chỗ ẩn nấp của thợ bẫy chim hay những hộp đựng que nhựa dính cũng dễ dàng bắt gặp trên đồng ruộng. Xót xa hơn, nhiều con cò trắng bị dính bẫy nhựa vẫn còn nằm thoi thóp trên những chân ruộng.

Ông Thái Bá Thế, Chủ tịch UBND xã Diễn Phú cho biết: Dù chính quyền địa phương đã tuyên truyền, Công an đã lập danh sách các hộ dân bẫy cò trên địa bàn để ký cam kết nhưng người dân vẫn “tái diễn” các hình thức săn, bẫy nhựa để bắt các loài chim. Chính quyền địa phương sẽ chỉ đạo lực lượng Công an xã ra quân truy quét đột xuất nạn săn bắt chim di cư, chim hoang dã; đồng thời tiến hành rà soát, kiểm tra các đối tượng để xử ký nghiêm.

Để bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư bắt đầu vào mùa mưa bão, lực lượng kiểm lâm đã tổ chức nhiều đợt truy quét nạn săn bắt, bẫy chim, thu gom và đốt hàng ngàn con cò giả, hàng chục ngàn que nhựa dính, phá dỡ nhiều điểm thợ săn chim dựng lên để làm nơi ẩn nấp, thả hàng trăm cá thể các loài chim mồi về với tự nhiên. Tuy nhiên, tình trạng săn, bắt, bẫy chim theo kiểu tận diệt vẫn tái diễn theo nghịch lý: Địa phương này lắng xuống thì địa bàn khác lại diễn ra.

Ông Trần Ngọc Quyền, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Diễn Châu cho biết: Đơn vị đã tích cực, chủ động triển khai lực lượng, tổ chức các đợt truy quét nạn săn, bắt, bẫy chim hoang dã, chim di cư trên các địa bàn điểm nóng. Tuy nhiên, khó khăn nhất là địa bàn quản lý rộng, trong khi số lực lượng kiểm lâm của Hạt thì ít, mỏng, phụ trách nhiều xã.

Hiện, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm nội dung công văn chỉ đạo của UBND huyện; tiếp tục thực hiện Chỉ thị 04 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ động vật hoang dã, nhất là bảo vệ các loài chim di cư và xử lý nghiêm những đối tượng cố tình không chấp hành.

Trước đó, ngày 12/8, UBND huyện Diễn Châu có công văn yêu cầu các xã, thị trấn, Hạt kiểm lâm, Công an huyện, Đồn Biên phòng Diễn Thành (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) và các phòng, ban liên quan tổ chức tuyên truyền sâu, rộng đến mọi người dân không săn, bẫy bắt, mua bán trái phép các loại chim hoang dã, chim di cư.

Chim én bị mắc lưới tàng hình của thợ săn. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Các hộ gia đình, cá nhân tuyệt đối không dùng các loại súng, giăng lưới, đặt chim mồi, đặt bẫy nhựa dính… để săn bắn, bẫy bắt và nghiêm cấm hành vi giết mổ, mua bán, kinh doanh, chế biến các loại chim di cư. Các đơn vị tổ chức lực lượng kiểm tra, thu dọn, tiêu hủy các dụng cụ bắt, bẫy các loại chim di cư; xử lý nghiêm đối tượng có hành vi săn, bắt, bẫy, mua bán, kinh doanh các chim di cư tại các chợ, nhà hàng, quán ăn trên địa bàn.

Tác giả: Hải An - Văn Tý

Nguồn tin: Báo Tin tức

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP