Qua đó, góp phần nâng cao đời sống của người dân đồng bào vùng cao của tỉnh Nghệ An, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ rừng, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.
Người dân xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) chăm sóc bảo vệ rừng Pơ mu, Sa mu quý hiếm rộng gần 100ha. Ảnh minh họa: Văn Tý/TTXVN |
Theo báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An, đến thời điểm hiện tại đã có trên 560.000 rừng được hỗ trợ từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (chiếm hơn 57% diện tích có rừng toàn tỉnh) với tổng số tiền đã thu được hơn 123 tỷ đồng.
Ngoài kinh phí được chi trả theo kế hoạch, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An đã tham mưu hỗ trợ bổ sung đơn giá chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các lưu vực thuỷ điện có mức chi trả thấp để đạt đủ 150.000 đồng/ha/năm từ điều tiết từ các lưu vực thủy điện có đơn giá hơn 600.000 đồng/ha/năm.
Việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng không những từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ rừng, nâng số hộ nhận khoán bảo vệ rừng mà còn huy động được một nguồn nhân lực lớn cho việc tuần tra bảo vệ rừng một cách thường xuyên; thực hiện tốt việc phòng cháy chữa cháy rừng, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
Cũng nhờ triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần tạo công ăn, việc làm, xoá đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế, giúp người dân yên tâm gắn bó với rừng, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương thuộc khu vực miền núi, biên giới.
Theo ông Dương Ngọc Hùng – Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An, việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã có tác động tích cực về mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Chính sách đã từng bước góp phần ổn định, đảm bảo diện tích rừng, duy trì độ che phủ của rừng, nâng cao chất lượng rừng và góp phần cải thiện chất lượng môi trường sinh thái.
Cũng theo ông Hùng, việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng không những từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ rừng, nâng số hộ nhận khoán bảo vệ rừng mà còn huy động được một nguồn nhân lực lớn cho việc bảo vệ rừng một cách thường xuyên, liên tục.
Những năm qua, nguồn vốn ngân sách phục vụ việc quản lý bảo vệ rừng bị hạn chế, nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, trồng rừng thay thế ở Nghệ An đã duy trì sự ổn định, góp phần giảm áp lực cho ngân sách nhà nước trong việc quản lý bảo vệ rừng. Từ thực tiễn có thể khẳng định, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là chủ trương, chính sách mới, đi vào cuộc sống, tạo ra mối quan hệ kinh tế, gắn kết các bên cung ứng với bên sử dụng và hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng. Chính sách cũng góp phần thiết thực vào Chương trình mục tiêu Quốc gia xóa đói, giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Được biết toàn tỉnh Nghệ An hiện có 962.230,69 ha rừng (là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước); trong đó, có 789.933,97 ha rừng tự nhiên; 172.296,52 ha rừng trồng, độ che phủ rừng đạt 58,36%.
Tác giả: Trịnh Duy Hưng
Nguồn tin: baotintuc.vn