Xây nhà kiên cố ven biển để kinh doanh
Tuyến đường ven biển xã Nghi Yên những năm qua "mọc" lên rất nhiều nhà hàng xây dựng rất kiên cố, rộng rãi, khang trang nằm sát biển tấp nập du khách địa phương lẫn nơi xa đến.
Việc xây nhà kiên cố trái phép trên đất ven biển ở xã Nghi Yên diễn biến phức tạp, kéo dài nhiều năm. Theo tìm hiểu của PV, các nhà hàng này được đắp đất cao, kè bê tông rất kiên cố lấn ra phía bờ biển khá xa. Các hộ kinh doanh này, còn lát gạch đường đi, xây dựng nằm san sát nhau ven bờ biển rất đẹp mắt để thu hút du khách.
Hàng loạt nhà cửa được xây dựng kiên cố trên đất ven biển |
PV trong vai một du khách thì được một chủ nhà hàng ở đây cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng nhà hàng này được vài năm, đầu tư cũng rất tốn kém. Dù biết vi phạm pháp luật và nguy hiểm khi mưa bão về. Nhưng đây là nơi cho cả gia đình kiếm sống nên chúng tôi phải xây cho chắc chắn. Thêm nữa, ngay cả cán bộ UBND xã Nghi Yên còn xây dựng đây kinh doanh thì tại sao chúng tôi không làm để kiếm sống".
Trực tiếp đi dọc bờ biển, tất cả các nhà hàng đều khá đông khách đến để tận hưởng những món hải sản tươi sống. Điều đáng lo lắng, nước thải sinh hoạt, nước thải trong quá trình chế biến các món ăn, lượng rác thải…tất cả đều xả thẳng xuống biển, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển là vô cùng lớn.
Nhà hàng này được xây dựng đã vài năm nay |
Ông Nguyễn Văn Th,.(một người dân sống gần các nhà hàng), bức xúc nói: “Tất cả các nhà hàng nơi đây đều xả trực tiếp rác thải sinh hoạt ra ngay bờ biển nên ô nhiễm nước biển là điều không tránh khỏi. Gia đình chúng tôi về lâu về dài có bị ảnh hưởng đến sức khỏe hay không? Ở đây, còn rất nhiều hộ còn nuôi tôm nên họ rất lo lắng cho chất lượng và sản lượng tôm của họ, khi bán ra thị trường liệu có đảm bảo cho người tiêu dùng hay không?”
Chính quyền biết mà vẫn “ngó lơ"
Ngày 1/8/2018, PV trực tiếp vào UBND xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, gặp ông Trần Công Thành - Chủ tịch UBND xã. Qua trao đổi thì được biết: “UBND xã Nghi Yên có biết tất tất cả những vấn đề trên. Chúng tôi không cho phép họ xây kiên cố như vậy, tất cả các hộ kinh doanh đã cam kết chỉ làm tranh, nứa thôi. Một năm họ nộp 3 - 4 triệu cho chi phí an ninh, phí môi trường. Chúng tôi cũng có xuống nhắc nhở họ”.
Dù các hộ kinh doanh cam kết chỉ là nhà lợp tranh tre nhưng nhà kiên cố vẫn được mọc lên |
Bên cạnh tác hại gây ô nhiễm môi trường thì xây dựng nhà hàng không phép, không theo quy hoạch, không đúng quy định pháp luật cũng gây lo lắng về an ninh trật tự. Vì không ai quản lý nếu xảy ra tình trạng đuối nước trên biển là vấn đề cực kỳ quan ngại.
Vấn đề sử dụng đất chưa đúng quy định, vi phạm luật khi xây dựng trái phép trên vùng đất của UBND xã Nghi Yên quản lý chứ không phải của cá nhân.
Hộ này còn chi hàng trăm triệu để bê tông hóa khu đất ven biển |
Để các nhà hàng này xây dựng hoàn thành phải mất hàng tháng trời, mà UBND xã Nghi Yên gần đó vẫn “phó mặc” cho hoàn thành, phải chăng có điều gì khuất tất? Điều này chỉ các hộ kinh doanh và lãnh đạo UBND xã Nghi Yên là rõ nhất?
Nếu mỗi khi mưa bão về, xảy ra điều không may mắn thì trách nhiệm thuộc về ai? Không chỉ vì lợi nhuận trước mắt mà để ảnh hưởng về lâu dài đến môi trường biển. Không thể "thấy mà như mù" để cán bộ UBND xã Nghi Yên biết luật mà vi phạm luật.
Đề nghị UBND huyện Nghi Lộc giải đáp những thắc mắc mà dư luận đang bức xúc. Mong, UBND tỉnh Nghệ nhanh chóng vào cuộc xử lý nghiêm những sai phạm của cán bộ, lãnh đạo UBND xã Nghi yên, sự buông lỏng quản lý của UBND huyện Nghi Lộc và bảo vệ môi trương biển cũng như cuộc sống của người dân ven biển xã Nghi Yên.
Chúng tôi tiếp tục theo dõi vụ việc và phản ánh đến bạn đọc thông tin mới nhất.
Tác giả: Nhóm PVMT
Nguồn tin: thoidai.com.vn