“Thả gà ra đuổi”
Suốt thời gian qua, dư luận không khỏi bức xúc về câu chuyện nhà thầu thi công công trình dự án cầu Vực Mấu và đường dẫn nối xã Quỳnh Vinh (Thị xã Hoàng Mai) – Quỳnh Thắng (huyện Quỳnh Lưu), tỉnh Nghệ An có trị hơn 10 tỷ đồng nhưng chủ đầu tư đã cho nhà thầu là liên danh Công ty TNHH Minh Quang (đóng tại huyện Quỳnh Lưu) và Công ty TNHH Xuân Quỳnh (đóng tại thị xã Hoàng Mai) ứng đến 11,6 tỷ đồng hơn 10 năm nay nhưng vẫn chưa hoàn thành.
Được biết, vào năm 2009, UBND huyện Quỳnh Lưu (chủ đầu tư) đã ký hợp đồng với 02 đơn vị nhà thầu nói trên để thi công xây dựng dự án cầu Vực Mấu và các hạng mục liên quan với tổng giá trị hơn 33,5 tỉ đồng. Theo hợp đồng thì tiến độ thi công dự án sẽ bắt đầu triển khai từ ngày 15/01/2010 đến 15/4/2011. Trong đó, Công ty TNHH Xuân Quỳnh sẽ đảm nhận thi công xây dựng 5,5 km đường và 2 cây cầu với giá trị xây lắp là gần 16,4 tỉ đồng. Nhà thầu này cũng đã được chủ đầu tư đồng ý cho tạm ứng 11,6 tỷ đồng.
Vậy nhưng, trong quá trình triển khai thi công, dự án đã phải cắt bỏ hạng mục xây lắp 01 cây cầu và 1,4km trên tuyến đường này do trùng lặp với dự án xây dựng QL48D. Theo đó, tổng giá trị xây lắp đã được điều chỉnh theo hợp đồng xuống còn hơn 10 tỷ đồng để Công ty TNHH Xuân Quỳnh xây dựng 01 cầu Vực Mấu cùng chiều dài đường dẫn 02 bên còn lại.
Tuy nhiên, cũng từ năm 2009 đến nay, nhà thầu là Công ty TNHH Xuân Quỳnh mặc dù đã được ứng số tiền lớn như vậy nhưng lại không thi công xây dựng hoàn thiện cầu Vực Mấu và các hạng mục phụ trợ…
Cầu Vực Mấu bị bỏ dở nhiều năm nay đã trở nên hoang phế trong khi chủ đầu tư đã "hào phóng" cho nhà thầu thi công ứng tiền vượt khối lượng |
Đến ngày 26/10/2020, UBND huyện Quỳnh Lưu đã gửi văn bản đốc thúc việc hoàn thiện dự án công trình nhưng nhà thầu vẫn cố tình chây ì không thực hiện.
Đây mới chỉ là 01 trong số 42 công trình dự án đầu tư công được các chủ đầu tư trên địa bàn Nghệ An cho tạm ứng trong thời gian qua nhưng đến nay rơi vào trạng thái khó thu hồi với số tiền hơn 88 tỷ đồng.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tình trạng nhiều dự án thi công sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước được chủ đầu tư chấp thuận cho nhà thầu tạm ứng “quá tay” diễn ra khá phổ biến ở Nghệ An trong thời gian qua.
Đơn cử, vào năm 2019, Kho bạc Nhà nước Nghệ An đã phải thu hồi 1.820 tỷ đồng thông qua công tác kiểm soát chi ngân sách trong năm 2018 nguyên nhân do một số dự án ở các địa phương thi công chậm, dở dang, vướng mắc giải phóng mặt bằng…
Doanh nghiệp “dài cổ” chờ vốn
Nói về công trình dự án đầu tư công, cũng có không ít doanh nghiệp rơi vào cảnh “bế tắc” do khối lượng thi công hoàn thành đã nghiệm thu đã vượt quá nguồn vốn được giải ngân nhưng lại không được chủ đầu tư và cơ quan có thẩm quyền quan tâm, xem xét, bổ sung kịp thời.
Cụ thể, công trình đường giao thông cứu hộ, cứu nạn xã Hồng Sơn do UBND huyện Đô Lương (Nghệ An) làm chủ đầu tư, được triển khai thi công từ năm 2011, có tổng chiều dài 4,421km (chưa kể các hạng mục cầu, cống…), tổng nguồn vốn đầu tư hơn 43 tỷ đồng.
Trong quá trình thi công, mặc dù công việc triển khai xây dựng các hạng mục như hoàn thành nền đường của 03/04 tuyến, 03 cầu chính và một số cống thoát nước đã vượt quá khối lượng nhưng nguồn vốn giải ngân cho nhà thầu là Liên danh Công ty CP đầu tư hợp tác kinh tế Việt Lào – Công ty CP Công nghiệp và xây dựng Miền Bắc (nay là Công ty Cổ phần VILACONIC nhà thầu chính) vẫn “dậm chân tại chỗ” gần 10 năm nay.
Công trình đường cứu hộ, cứu nạn xã Hồng Sơn (huyện Đô Lương) nhà thầu đã thi công vượt quá khối lượng gần 6 tỷ đồng nhưng đến nay cấp có thẩm quyền ở Nghệ An vẫn "chây ì" chưa giải quyết |
Dự án đã hoàn thành cơ bản 72% giá trị khối lượng công trình nhưng nhà thầu chỉ được thanh toán hơn 25/43 tỷ đồng. Điều đáng nói hơn là vào năm 2012, để có mặt bằng thi công và giải quyết khó khăn bước đầu cho chủ đầu tư, nhà thầu đã chấp thuận cho UBND huyện Đô Lượng “vay” số tiền hơn 600 triệu đồng để chi trả cho người dân bị ảnh hưởng giải phóng mặt bằng nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa chịu trả cho Công ty Cổ phần VILACONIC.
Đem vấn đề này trao đổi với ông Hoàng Văn Hiệp – Chủ tịch UBND huyện Đô Lương (đại diện chủ đầu tư) cho biết, đơn vị đã nhiều lần làm tờ trình lên UBND tỉnh, các đơn vị có thẩm quyền nhưng không được bố trí nguồn vốn để tiếp tục thi công.
Còn ông Nguyễn Xuân Hải – Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An thì trả lời là hiện nay tỉnh đang rất khó khăn, không có tiền để bố trí nguồn vốn cho dự án đường giao thông cứu hộ, cứu nạn tại xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương nên đành chờ.
Có thể nói rằng, tình trạng mất cân đối trong phân bổ nguồn vốn đầu tư công diễn ra ở Nghệ An đang khiến nhiều doanh nghiệp là nhà thầu thi công rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, khó khăn trăm bề. Còn những nhà thầu được chủ đầu tư “hào phóng” cho ứng vượt khối lượng nhưng lại “chây ì” trong việc hoàn trả đang là bài toán cần được những người có trách nhiệm của tỉnh Nghệ An xem xét, giải quyết thấu đáo. Tránh những hệ lụy không đáng có, lãng phí nguồn ngân sách vốn đã eo hẹp.
Tác giả: Đình Tiệp
Nguồn tin: Báo Tài nguyên & Môi trường