Tin trong tỉnh

Nghệ An: Chủ động phòng, chống sạt lở đất ở miền núi

Bước vào mùa mưa, các huyện miền núi phía Tây của tỉnh Nghệ An thường xảy ra sạt lở đất, lũ quét.

Đặc biệt, những năm gần đây, nhiều trận sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu, Con Cuông... gây thiệt hại nặng nề. Trước tình hình đó, các địa phương đã chủ động triển khai nhiều phương án để ứng phó trong mùa mưa lũ năm nay.

Nỗi ám ảnh

Tuyến tỉnh lộ 543D từ thị trấn Mường Xén đi các xã Mường Típ, Mường Ải vừa được hoàn thành đã tạo thuận lợi cho bà con miền núi huyện Kỳ Sơn phát triển kinh tế, xã hội. Đây là nơi diễn ra giải chạy marathon “Kỳ Sơn-Về miền sơn cước” năm nay. Khi chúng tôi muốn ngỏ ý đi con đường này vào thăm các bản, làng, Trung tá Nguyễn Toàn Thắng, Chính trị viên Ban CHQS huyện Kỳ Sơn lưu ý: Con đường này mới, dễ đi, phong cảnh rất đẹp, nhưng nếu trời mưa thì tuyệt đối không được đi vào đây bởi có hàng chục điểm sạt lở, rất nguy hiểm. May sao, hôm đó là một ngày đẹp trời.

Trên con đường vừa mới được rải nhựa, một bên là những dãy núi bao phủ bởi làn sương mỏng, một bên dòng sông uốn lượn với những ruộng lúa bậc thang mướt mát, những nếp nhà sàn thâm nâu e ấp bên những tán cây hoa ban nở tươi hồng. Phong cảnh nên thơ là thế nhưng chúng tôi lại bị phân tán tâm trí, không dám lơ là tay lái bởi chốc chốc lại gặp những biển cảnh báo nguy hiểm về khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở đất. Điều gây ám ảnh hơn là những ngôi nhà của bà con đồng bào Mông, Thái, Khơ Mú nằm cheo leo bên những khoảng đồi nham nhở, có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào.

Lực lượng dân quân xã Chiêu Lưu (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) diễn tập ứng phó sạt lở đất.

Đồng chí Thò Bá Rê, Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn thông tin: "Khi có mưa lớn kéo dài, toàn bộ 21 xã, thị trấn của huyện Kỳ Sơn đều nằm trong danh sách báo động đỏ về sạt lở đất. Đây là vấn đề nan giải của chính quyền và là nỗi ám ảnh của người dân. Trong đó, tuyến đường sạt lở nghiêm trọng nhất là tỉnh lộ 543D từ thị trấn Mường Xén đi các xã Mường Típ, Mường Ải; tuyến Quốc lộ 16 đoạn qua các xã Phà Đánh, Huồi Tụ; tuyến đường từ bản Khe Nằn thuộc xã Chiêu Lưu đi xã Na Ngoi". Nguy hiểm là thế nhưng để tìm ra giải pháp giải quyết dứt điểm là bất khả kháng, buộc người dân phải sống chung với mối nguy hiểm sạt lở, bởi Kỳ Sơn là huyện nghèo nhất tỉnh Nghệ An, diện tích toàn huyện hơn 2.000km2 nhưng chỉ có 1% diện tích đất bằng phẳng có thể sinh sống và canh tác, còn lại là đồi núi, sông suối và hàng chục điểm sạt lở lớn nhỏ.

Theo ghi nhận của phóng viên, một quả đồi tại bản Khe Nằn, xã Chiêu Lưu kéo dài hàng trăm mét như một cái miệng khổng lồ với khối lượng đất đá lớn luôn thường trực ẩn họa đổ sập và nuốt chửng những ngôi nhà nhỏ bé. Ông Lô Văn Cáng, Chủ tịch UBND xã Chiêu Lưu cho biết: “Địa bàn xã Chiêu Lưu hiện có 5 điểm sạt lở núi, tập trung ở các bản Khe Tang, Khe Nằn, Xiêng Thù làm ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục hộ dân. Mới đây, một trận mưa lớn đầu mùa kéo dài làm một số khu vực ở bản Khe Tang sạt lở, gây thiệt hại cho một số hộ dân, rất may không có thiệt hại về người. Chúng tôi đã kiên quyết di dời dân đến nơi an toàn và huy động lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả”.

Chủ động phòng tránh và thích nghi

Vừa qua, UBND huyện Kỳ Sơn đã chỉ đạo UBND xã Chiêu Lưu diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Tình huống đặt ra, một cơn bão mạnh đổ bộ với lượng mưa thượng nguồn lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, diễn biến phức tạp kéo theo nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn. Cuộc diễn tập gồm hai giai đoạn: Chuyển địa phương vào trạng thái thiên tai, bão lụt và thực hành phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Đặc biệt, cuộc diễn tập có thực hành di dời, sơ tán người dân vùng nguy hiểm đến nơi an toàn và tổ chức lực lượng, phương tiện thực hành chống sạt lở. Ngay khi loa phát thanh thông báo về tình hình thời tiết, người dân đã được chính quyền đưa đi sơ tán, về nhà văn hóa, khu vực rộng rãi, an toàn tránh trú. Bà con mang theo tài sản, vật dụng cần thiết. Các lực lượng nhanh chóng hỗ trợ bà con di dời tài sản, bố trí chỗ ở, cung cấp lương thực. Trong khi đó, một quả đồi có nguy cơ sạt lở, vùi lấp nhà dân, UBND xã đã huy động lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả. Diễn mà như thật, nhân dân xã Chiêu Lưu coi đây như một cuộc tập dượt để không bị lúng túng, xử trí được mọi tình huống, hạn chế thấp nhất thiệt hại, bởi trận lũ quét vào tháng 10-2022 tại xã Tà Cạ kế bên vẫn còn gây ám ảnh cho bà con miền núi nơi đây.

Trực tiếp chỉ đạo cuộc diễn tập, Thượng tá Lô Thanh Như, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Kỳ Sơn cho biết: “Cuộc diễn tập lần này thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ, đó là động viên huy động sử dụng lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, cơ sở vật chất hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và quan điểm “Chủ động phòng tránh, giảm nhẹ và thích nghi” nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác cao ứng phó với thiên tai của người dân”.

Được biết, ngay từ đầu năm, UBND huyện Kỳ Sơn đã xây dựng kịch bản phòng, chống thiên tai, chỉ đạo các địa phương xây dựng các phương án phù hợp với tình hình, chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên tham mưu, lên kịch bản, rà soát các vùng có nguy cơ cao bị lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Đồng chí Thò Bá Rê nói thêm: “Chúng tôi chỉ đạo các địa phương kiên quyết di dời người dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao; các phòng, ban chuyên môn lên kịch bản cụ thể, ví dụ như các trục đường chính bị sạt lở, ách tắc, ngập úng thì sẽ tiếp tế nhu yếu phẩm bằng cách nào; khi mất điện, mất nước, mất sóng điện thoại sẽ giải quyết ra sao... Chuẩn bị các kịch bản xấu nhất để khi có tình huống xảy ra các cơ quan, ban, ngành nhanh chóng xử trí, không lúng túng".

Tuyến đường từ bản Khe Nằn, xã Chiêu Lưu đi xã Na Ngoi sạt lở sau trận mưa lớn.

Không chỉ ở huyện Kỳ Sơn, tại các huyện Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, sạt lở đất cũng diễn ra nghiêm trọng vào mùa mưa, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An, tính đến thời điểm này, Nghệ An có hơn 447 điểm sạt lở núi, làm ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân. Trước mùa mưa bão, một số huyện đã triển khai kè rọ đá, bạt mái ta-luy tại một số vị trí sạt lở núi.

Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Kế hoạch số 635/KH-UBND phê duyệt đề án cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du trên địa bàn. Mục tiêu của đề án này là cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét trên địa bàn tỉnh Nghệ An phục vụ phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện ổn định, phát triển kinh tế-xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đến năm 2030, đề án cơ bản hoàn thành lập bản đồ khoanh vùng rủi ro sạt lở đất, lũ quét; tiếp nhận, duy trì ứng dụng các sản phẩm của đề án tại địa phương nhằm cung cấp kịp thời thông tin cảnh báo sạt lở đất, lũ quét cho cơ quan quản lý và người dân.

Sạt lở đất ở các địa phương miền núi vẫn là một vấn đề nan giải và chưa có một giải pháp căn cơ lâu dài bởi địa hình đồi núi, điều kiện kinh tế-xã hội các huyện phía Tây Nghệ An còn rất nhiều khó khăn, việc huy động nguồn lực còn hạn chế, trong khi đó thiên tai luôn ẩn chứa nhiều hiểm họa bất thường. Giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay vẫn là chính quyền và nhân dân phải chủ động phòng tránh, tìm cách thích nghi, đặc biệt nâng cao cảnh giác, thường xuyên kiểm tra, rà soát tại những vùng xung yếu có nguy cơ xảy ra sạt lở đất để ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại.

Tác giả: Hoàng Hoa Lê

Nguồn tin: qdnd.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP