|
Cụ thể, ngày 17/11, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Công văn số 8110/UBND-KT gửi các sở, ngành, đơn vị, địa phương; các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh yêu cầu thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Công thương Nghệ An triển khai thực hiện công tác đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường phục vụ Tết; kịp thời phát hiện, đề xuất UBND tỉnh xử lý những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện. Cùng với đó, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu phương án dự trữ hàng hóa nhằm đảm bảo ổn định thị trường, cung cầu hàng hóa; chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh chủ động nghiên cứu thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định để đảm bảo lượng hàng cung ứng cho thị trường đáp ứng nhu cầu thị trường trong dịp Tết.
Đôn đốc và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, các chương trình kích cầu, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, thực hiện các chương trình hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong dịp trước, trong và sau Tết; chú trọng đến các mặt hàng thiết yếu, phục vụ Tết để cung ứng sớm và đầy đủ cho người dân, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa đảm bảo số lượng, chất lượng.
Chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối thực phẩm như siêu thị, trung tâm thương mại,… phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi tập trung có phương án đảm bảo nguồn cung thịt lợn và các sản phẩm thay thế thịt lợn. Chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường dịp cuối năm và Tết. Chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình cung ứng điện của các đơn vị kinh doanh điện lực trên địa bàn, đảm bảo điều kiện để người dân sinh hoạt.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động nắm bắt tình hình sản xuất các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; tình hình chăn nuôi, sản lượng gia súc, gia cầm,… trên địa bàn tỉnh đặc biệt là trong các tháng trước, trong và sau Tết để chỉ đạo sản xuất, chăn nuôi; phối hợp với Sở Công Thương đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng thịt lợn và các mặt hàng thiết yếu khác cho thị trường trên địa bàn, cung cấp thông tin số lượng, sản lượng các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản, gia súc, gia cầm trên địa bàn hàng tháng (từ tháng 11/2020 đến hết tháng 2/2021) cho Sở Công thương.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát điều kiện sản xuất và an toàn thực phẩm đối với nhóm thực phẩm; phối hợp kiểm tra giám sát điều kiện sản xuất, tiêu thụ thực phẩm an toàn đối với các vùng sản xuất tập trung, các chợ trung tâm trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan truyền thông, báo chí, phối hợp với cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền khuyến khích người dân tiêu dùng sản phẩm thay thế thịt lợn và sử dụng thịt lợn đông lạnh thay thế thịt lợn nóng nhằm giảm sức ép cho nguồn cung thịt lợn trong nước; kiểm soát các thông tin thất thiệt có thể gây bất ổn thị trường.
Cục Quản lý thị trường Nghệ An tăng cường công tác kiểm tra sản xuất, buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chú trọng việc ghi nhãn hàng hóa, công bố tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt là đối với các nhóm hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc đầu cơ, ép giá, găm hàng, đưa tin thất thiệt nhằm gây bất ổn thị trường. Đồng thời cắt cử cán bộ thường xuyên túc trực 24/24 để tiếp nhận và xử lý thông tin đối với thị trường.
Cục Hải quan tỉnh phối hợp cung cấp thông tin về tình hình nhập khẩu các mặt hàng phục vụ tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết (thịt lợn, thịt gà, thịt bò, thủy hải sản, trái cây, mứt, bánh kẹo,…) cho Sở Công Thương vào ngày 25 hàng tháng (từ tháng 11/2020 đến tháng 2/2021) để kịp thời nắm bắt và triển khai các giải pháp ổn định cung cầu hàng hóa trong dịp Tết.
Các sở, ban, ngành có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện tốt công tác cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả các mặt hàng như thuốc chữa bệnh, dịch vụ vận tải,...; giám sát chặt chẽ công tác chống buôn lậu và các hành vi gian lận thuế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn với hạn mức, lãi suất phù hợp đúng quy định.
UBND các huyện, thị xã và thành phố chủ động xây dựng Kế hoạch thực hiện các giải pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2020 và dịp Tết trên địa bàn; phối hợp với các đơn vị chức năng và chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn theo dõi sát diễn biến thị trường, chủ động có phương án đảm bảo cung cầu hàng hóa, đặc biệt là ở các dịp cao điểm, tập trung cung cấp thông tin dự báo thị trường, giá cả các hàng hóa thiết yếu trên địa bàn, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Sở Công Thương.
Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường quản lý các lò giết mổ, các điểm, khu vực kinh doanh tự phát, các chợ trên địa bàn cũng như đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân hiểu, chủ động và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để phòng, chống dịch hiệu quả, xử lý triệt để tình trạng kinh doanh thịt lợn không rõ nguồn gốc.
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn chủ động nghiên cứu thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa, vật tư, nguyên vật liệu một cách hợp lý nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định để đảm bảo lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường với chất lượng an toàn, giá cả hợp lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm,…; điều tiết nguồn hàng hợp lý và kịp thời, đáp ứng nhu cầu thị trường trong các dịp cao điểm, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá hoặc tồn đọng hàng hóa sau Tết; chủ động thực hiện các biện pháp nhằm ổn định giá cả, cung cầu hàng hóa trong dịp Tết.
Tác giả: Ngọc Tuấn
Nguồn tin: Tạp chí Tài chính doanh nghiệp