Tin trong tỉnh

Nghệ An: Dân tố bị lấy 130m2 đất cho dự án nhưng chỉ đền bù 16m2

Cho rằng đất được mua lại từ UBND xã và sinh sống ổn định từ năm 1992 đến nay, thế nhưng khi mở rộng quốc lộ 48E, bị lấy đến 130 m2 để thực hiện dự án, UBND huyện Nghi Lộc chỉ xem xét đền bù vỏn vẹn 16m2.

Mua đất của xã bán những không được đền bù?

Theo đơn phản ánh của gia đình ông Lê Văn Quý, vợ ông là Phùng Thị Hồng (cả hai là thương binh chống Mỹ cứu nước), trú tại xóm 3 xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, năm 1992 vợ chồng ông Quý có mua của UBND xã Nghi Thịnh khu đất và cửa hàng vốn là trụ sở của HTX Nghi Thịnh, thuộc vùng đông xóm 4 xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, Nghệ An, có diện tích là 490m2 để làm nhà ở cho gia đình, nay thuộc xóm 3 xã Nghi Thịnh.

Đến tháng 10/7/1992, sau khi trả hết tiền, gia đình ông Quý được UBND xã Nghi Thịnh cấp cho biên bản bàn giao đất có đầy đủ chữ ký của những người có thẩm quyền và đóng dấu xác nhận của UBND xã Nghi Thịnh. Đến năm 2003, gia đình ông có mua thêm 51m2 đất ở phía đằng sau nhà cũng do UBND xã Nghi Thịnh bán lại. Tổng diện tích lúc này là 541 m2. Việc mua bán đất hai thời điểm (năm 1992 và 2003 đều có giấy tờ, chữ ký, con dấu đầy đủ, hợp pháp của UBND xã cũng như của lãnh đạo UBND xã Nghi Thịnh thời điểm đó.

Phần đất đang tranh chấp giữa gia đình ông Quý và dự án

Đến năm 2009, khi làm thủ tục cấp sổ đỏ, bà Hồng đã phát diện hiện tích đất bị cấp sai, chỉ có 248m2, khiến diện tích đất của gia đình bị thiếu lên đến 293 m2. Mặc dù vậy nhưng khi thực hiện việc cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần 2, họ vẫn tiếp tục làm sai và cấp cho chúng tôi chỉ có 248m2. “Trong các thủ tục, hồ sở để xin cấp sổ đỏ, chúng tôi phát hiện việc giả chữ ký và còn nhiều thiếu sót rất rõ ràng, sau này cán bộ địa chính đều đã thừa nhận ký giả, tuy nhiên lãnh đạo huyện Nghi Lộc thời điểm đó vẫn ký vào.

Theo bà Hồng, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cả 2 lần này là không đúng quy định của pháp luật và hoàn toàn sai trái về diện tích mà gia đình tôi đang sở hữu như nói trên. Sau khi trích xuất hồ sơ gốc lưu trữ tại phòng địa chính huyện Nghi Lộc, chúng tôi phát hiện trong đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đơn đề nghị cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bản hồ sơ kỹ thuật thửa đất, bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất… ở phần chữ ký có rất nhiều chữ ký giả mạo. Sự việc đã được gia đình kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn không được giải quyết.

Theo ông Quý, đến năm 2018, gia đình ông được địa phương thông báo sẽ tiến hành mở rộng quốc lộ 48E phía trước cổng nhà. Đất của gia đình tôi bị lấy rất nhiều, lên đến 130m2, nhưng chỉ được đền bù 16m2 theo giá đất vườn, còn lại 114m thì không được đền bù, khiến gia đình tôi rất bức xúc.

Để đòi hỏi quyền lợi chính đáng, gia đình ông Quý đã cung cấp các giấy tờ, thủ tục pháp lý liên quan đến diện tích đất ở của gia đình, giấy xác nhận, làm chứng của các lãnh đạo xã các thời kỳ trước, biên bản bàn giao đất ngày 10/7/1992, các phiếu thu thể hiện gia đình vẫn đóng thuế sử dụng đất qua các năm để yêu cầu chính quyền địa phương, xác minh, đền bù thỏa đáng cho gia đình, nhưng đến nay mọi việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Cụ thể, sau khi gia đình tôi cung cấp Biên bản bàn giao đất ngày 10/7/1992 cho UBND huyện Nghi Lộc, họ nghi ngờ giấy tờ giả nên gia đình chúng tôi đã đồng ý cho họ đem Biên bản này đi giám định tại Công an tỉnh Nghệ An, để xác định xem con dấu trong Biên bản Bàn giao đất năm 1992 có phải là con dấu của UBND xã Nghi Thịnh thời điểm đó hay không, là dấu thật hay giả?, để làm căn cứ bồi thường, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được kết quả?.

Nhiều mâu thuẫn

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc thừa nhận, đất của nhà bà Hồng mua lại của trụ sở HTX Nghi Thịnh năm 1992, thuộc vào diện đất thuộc nhóm đất cấp trái thẩm quyền. Đến năm 2011 để xử lý đất trái thẩm quyền địa phương đã lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với đất nhà bà Hồng.

Đến năm 1996, UBND tỉnh Nghệ An mới đặt tên đường là tỉnh lộ 534, và quy định mốc lộ giới từ tim đường là 18m. Phần đất của gia đình ông Quý, bà Hồng cấp đã được trừ phần hành lang lộ giới là cấp 248m. Khi huyện cấp khuôn viên nhà bà Hồng đã xây rõ ràng, huyện cấp nằm ngoài lộ giới, nên phần không phù hợp quy hoạch không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Biên bản bàn giao đất năm 1992

Khi phóng viên hỏi có hay không việc giả chữ ký trong hồ sơ làm sổ đỏ:... ông Thọ thừa nhận “thời điểm đó, bà Hồng nhờ cán bộ địa chính ký hộ một vài chữ ký thôi”, nhưng lại khẳng định “đúng với chế độ chính sách Nhà nước lúc bấy giờ chứ không sai”?.

Mặc dù nói phần đất của gia đình ông Quý, bà Hồng cấp đã được trừ phần hành lang lộ giới là cấp 248m, nhưng ông Thọ lại cho hay hiện trạng hiện nay đất của gia đình ông Quý đang sử dụng (đã trừ phần diện tích thu hồi) là 427m2, và huyện sẽ xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Quý phần diện tích này.

Cũng tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc đã cung cấp cho PV Công văn trả lời kết quả giám định Số 15/CV-KTHS ngày 11/4/2019 của Công an tỉnh Nghệ An về việc giám định Biên bản bàn giao đất, với kết luận Biên bản bàn giao nhà và đất ngày 10/07/1992 so sánh với 13 mẫu giấy mời, phiếu thu từ năm 1993 đến 2019 (không có mẫu năm 1992) “không phải do cùng một con dấu đóng ra”. Đồng thời yêu cầu hoàn lại đối tượng giám định toàn bộ tài liệu gửi đến giám định. Tuy nhiên cho đến nay gia đình ông Quý vẫn chưa nhận được bất kỳ trả lời nào liên quan cũng như giấy tờ gốc.

Lý giải tại sao việc giám định mẫu con dấu năm 1992, nhưng trong Công văn trả lời kết quả giám định lại không có mẫu dấu nào năm 1992, mà chỉ có mẫu dấu từ năm 1993 đến 2019, ông Thọ cho biết từ năm 1991 đến 2014 xã Nghi thịnh chỉ thay đổi con dấu duy nhất 1 lần, do đó giấy tờ không hợp lệ nên dùng giấy tờ này để đòi quyền lợi là không hợp pháp. Vậy nhưng điều làm chúng tôi khó hiểu là tại sao các mẫu so sánh không có con dấu năm 1992 mà phải lấy mẫu dấu các năm khác để so sánh với mẫu dấu năm 1992 khiến chúng tôi không khỏi nghi vấn.

Mặt khác, trong kết luận giám định không khẳng định là dấu giả, dấu của UBND xã Nghi Thịnh năm 1992 hay không, mà chỉ kết luận “không phải do cùng một con dấu đóng ra”, nhưng ông Thọ vẫn giữ nguyên quan điểm là giấy tờ không hợp lệ, mặc dù ông cũng thừa nhận thời điểm sử dụng đất của gia đình ông Quý từ năm 1992, nhưng không làm căn cứ để bồi thường.

Để làm sáng tỏ một số vấn đề liên quan đến con dấu cũng như hồ sơ đất đai gia đình ông Quý, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Lê Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã Nghi Thịnh, thì được biết các thủ tục hóa đơn tài chính từ năm 2007 của UBND xã Nghi Thịnh trở về trước đều thất lạc, đặc biệt là các hóa đơn tài chính có mẫu dấu đều đã bị mất hết, vậy thì làm sao cho kết quả giám định khách quan được. Nghiêm trọng hơn, ông Lưu cho biết tờ bản đồ 299 năm 1980 của UBND xã Nghi Thịnh đã bị mất, kể cả UBND huyện và UBND tỉnh Nghệ An cũng không có, sổ mục kê địa chính cũng không?, vậy thì làm sao UBND huyện Nghi Lộc xác định được ranh giới đất của gia đình ông Quý để đền bù?

Nếu như con dấu, chữ ký của những lãnh đạo xã thời kỳ đó bị nghi làm giả, thì gia đình chúng tôi yêu cầu cơ quan điều tra vào cuộc để xác minh, xử lý nghiêm những người làm giả con dấu để bán đất cho gia đình tôi, cũng như đảm quyền quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình.

Tác giả: Chu Lương

Nguồn tin: Báo Dân sinh

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP