Báo Nông nghiệp Việt Nam đưa tin, vừa qua, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cùng nhiều đơn vị chuyên ngành đã tiếp nhận đơn thư tố cáo về việc: Phá hoại rừng tại Ban quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) Quỳ Hợp.
Nội dung đơn nêu rõ: Trồng rừng phòng hộ nhằm mục tiêu phủ xanh đất trống đồi núi trọc, ổn định môi trường sinh thái, ngăn lũ và giữ nước. Quan trọng là vậy nhưng một số lô, khoảnh tại xã Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp thuộc sự quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Hợp đang xảy ra khai thác trắng rừng.
Theo tố giác, một cán bộ thuộc Trạm quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Châu Lý đã trực tiếp đứng ra ngã giá, bán khoảng 10ha keo được trồng trên đất rừng phòng hộ cho một người dân ở bản Nguộc, xã Bắc Sơn.
Theo thông tin phản ánh thì sai phạm nêu trên xuất phát từ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Trong đó các cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Hợp cùng thực hiện hành vi “bán rừng” nhằm chiếm dụng tài sản trên đất công.
Việc này đã vi phạm Khoản 3, Điều 55, Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 ngày 15/11/2017.
Diện tích rừng keo phòng hộ bị chặt phá do Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Hợp quản lý. Ảnh Việt Khánh |
Nguồn tin này dẫn lời ông Cao Việt Hoàng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quỳ Hợp khẳng định: Đơn thư dạng nặc danh được gửi đến nhiều cơ quan, ban ngành. Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, Chi cục Kiểm Lâm đã thành lập Đoàn kiểm tra làm việc, xác minh trực tiếp tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Hợp
Phía Ban đã cung cấp đầy đủ hồ sơ trồng và chăm sóc rừng giai đoạn đầu theo Đề án 661/QĐ-TTg, bao gồm 600 cây bản địa và 1.100 cây keo. Tiến hành trồng theo nguồn vốn của Nhà nước, từ 2007 đến nay cây keo phát triển tốt, đạt kích thước to. Vừa qua, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp có mưa lớn kèm theo giông lốc khiến một số cây bị gãy đổ nên Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Hợp đã khai thác toàn bộ cây keo gãy đổ này, riêng cây bản địa vẫn giữ nguyên.
Ông Hoàng nhấn mạnh kết luận của Đoàn kiểm tra: Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Hợp đã khai thác toàn bộ cây keo, riêng cây bản địa vẫn giữ nguyên. Việc làm trên đã vi phạm Thông tư 27/2018 của Bộ NN-PTNT về hồ sơ, thủ tục khi khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ.
Liên quan đến các vụ phá rừng trên địa bàn tỉnh, thông tin thêm đăng tải trên báo Công an Nghệ An cho biết, trong thời gian qua đã xử lý kỷ luật gần 50 cán bộ. Trong đó, cán bộ cấp xã và huyện có 2 Phó Chủ tịch xã và 2 cán bộ địa chính bị kỷ luật, tại các xã Châu Nga, Châu Hội của huyện Quỳ Châu và Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch xã Nậm Càn của huyện Kỳ Sơn; 2 Bí thư Đảng ủy xã Nam Sơn và Bắc Sơn của huyện Quỳ Hợp. Ngoài ra, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Quỳ Hợp nhiệm kỳ 2015 - 2020 là ông Nguyễn Tiến Cảnh cũng bị kỷ luật với hình thức cách chức các chức vụ trong Đảng.
Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cũng đã tiến hành kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo hạt kiểm lâm, kiểm lâm địa bàn và xử lý kỷ luật từ hình thức khiển trách đến hạ bậc lương cán bộ vi phạm là hạt trưởng, 1 hạt phó và 1 kiểm lâm địa bàn của Hạt kiểm lâm Tương Dương; kỷ luật về Đảng đối với hạt trưởng và 2 hạt phó Hạt kiểm lâm Kỳ Sơn.
Sở NN&PTNT Nghệ An đã chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ của các huyện: Thanh Chương, Kỳ Sơn, Tương Dương tiến hành kiểm điểm, xử lý kỷ luật 16 cán bộ bảo vệ rừng từ hình thức khiển trách đến cảnh cáo. Mặt khác, sở này cũng tham mưu cho tỉnh Nghệ An có văn bản chỉ đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sông Hiếu kiểm điểm, xử lý kỷ luật 1 Giám đốc lâm trường và 6 cán bộ bảo vệ rừng tại Lâm trường Quỳ Châu.
Công an tỉnh đã khởi tố 8 vụ án liên quan đến hành vi phá rừng. Riêng đối với các Ban Quản lý rừng phòng hộ, qua công tác thanh, kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt sai phạm, trong đó đáng chú ý là sai phạm trong công tác quản lý tài chính.