Bỏ tiền tỷ mũa gỗ keo của lâm trường Quế Phong, phát hiện thiếu hàng ha so với hồ sơ
Phản ánh với báo Gia đình Việt Nam, ông Nguyễn Văn Sơn (trú xóm Cầu Đá, xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) cho biết, tháng 10/2015, ông Sơn và ông Lâm Hoài Dương (trú huyện Quỳ Châu, Nghệ An) ký biên bản mua bán gỗ keo để khai thác đưa đi bán.
Theo thoả thuận, ông Sơn mua lại của ông Dương 50,3 ha cây keo lai trồng trên địa bàn xã Quế Sơn, huyện Quế Phong với giá 4,6 tỷ đồng.
Ông Sơn cho biết, quá trình thoả thuận mua bán, ông Lâm Hoài Dương đưa ra hồ sơ thiết kế khai thác (hồ sơ do Lâm trường Quế Phong thực hiện) với tổng diện tích 50,3 ha, gồm 17 lô tại khoảnh 6, khoảnh 12 và khoảnh 14 thuộc tiểu khu 90B và 89.
“Do tin tưởng vào hồ sơ thiết kế khai thác của lâm trường Quế Phong nên khi mua tôi không đo lại từng lô. Đến khi khai thác xong thì thấy diện tích bị thiếu hụt. Tôi đo lại phần diện tích mình đã khai thác thì thấy chỉ có khoảng 44 ha, thiếu hơn 6 ha so với thống kê trong hồ sơ của lâm trường Quế Phong”, ông Sơn nói.
Hồ sơ thiết kế khai thác có diện tích 50,3 ha ông Lâm Hoài Dương dùng để thoả thuận mua bán với ông Nguyễn Văn Sơn |
Ông Sơn cho rằng 50,3 ha là diện tích thiết kế trồng ban đầu, trước khi ông Sơn mua và khai thác thì số diện tích này đã “tụt” xuống do giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà máy thuỷ điện Châu Thắng.
“Tôi tìm hiểu thì biết rằng, trước khi tôi khai thác thì một phần diện tích tại tiểu khu 90B và tiểu khu 89 đã bị cắt để làm đường điện, làm đường giao thông và phần nước ngập của dự án thuỷ điện. Đáng lẽ ra phần diện tích đã được bồi thường, đã bị cắt thì phải trừ ra nhưng ông Lâm Hoài Dương đã lợi dụng lòng tin của tôi, cùng với ông Lê Đức Khánh (Giám đốc Lâm trường Quế Phong - PV) hợp thức hồ sơ thiết kế khai thác cho đủ 50,3 ha như trong hồ sơ thiết kế trồng để bán cho tôi. Nếu tính ra tiền thì tôi thiệt hại hơn 500 triệu đồng”.
Được biết, ông Sơn đã nhiều lần tìm gặp ông Lâm Hoài Dương và ông Lê Đức Khánh để yêu cầu giải thích rõ việc diện tích gỗ keo bị thiếu, đồng thời yêu cầu ông Dương và ông Khánh phải chịu trách nhiệm nhưng bất thành.
Tại hiện trường nơi ông Sơn đã khai thác gỗ keo trước đó, ông Sơn cho rằng diện tích thực tế bị thiếu hụt so với hồ sơ |
Đã nhận bồi thường hơn 2 tỷ đồng nhưng vẫn đưa vào hồ sơ khai thác bán cho dân
Theo tìm hiểu của phóng viên Gia đình Việt Nam, để thực hiện dự án thuỷ điện Châu Thắng, Công ty Cổ phần Prime – Quế Phong (chủ đầu tư) đã phải bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho nhiều cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng tại huyện Quế Phong. Trong số này, chủ đầu tư đã bồi thường, hỗ trợ cho Lâm trường Quế Phong số tiền khoảng hơn 2 tỷ đồng (gồm 3 đợt: xây dựng đường dây điện; đường giao thông; xây dựng nhà điều hành và diện tích ngập nước).
Cụ thể, ngày 16/4/2015, UBND huyện Quế Phong ban hành quyết định số 227/QĐ-UBND về việc thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB cho các hộ gia đình, cá nhân và tổ chức bị ảnh hưởng. Tại quyết định này, lâm trường Quế Phong được bồi thường tài sản trên đất (nhà cửa, cây hoa màu và cây keo lai) số tiền hơn 1,4 tỷ đồng.
Số liệu thống kê diện tích cây keo lai lâm trường Quế Phong được nhận bồi thường trước khi diện tích này được bán cho ông Nguyễn Văn Sơn |
Đáng chú ý, trong số diện tích cây trồng lâm trường Quế Phong được bồi thường thì có khoảng 7,8 ha cây keo trồng chu kỳ trồng năm 2008 (tương đương khoảng 460 triệu đồng) thuộc vào phần diện tích trong hồ sơ khai thác mà ông Lâm Hoài Dương đã bán cho ông Nguyễn Văn Sơn.
Theo hồ sơ lưu giữ tại Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng (thuộc UBND huyện Quế Phong) thì 7,8 ha cây keo lai nói trên được trồng tại lô a+b (tiểu khu 89, khoảnh 14) diện tích 0,7 ha; lô k+l (tiểu khu 90B, khoảnh 12) diện tích 4,1 ha; lô d1+e1 (tiểu khu 90, khoảnh 6) diện tích 3,0 ha.
Nói rõ hơn, sau khi nhận tiền bồi thường 7,8 ha gỗ keo tại tiểu khu 89 và 90B, lâm trường Quế Phong tiếp tục đưa diện tích này vào hồ sơ thiết kế khai thác để ông Lâm Hoài Dương bán cho ông Nguyễn Văn Sơn.
Trước đó vào ngày 25/1/2015, Công ty CP Prime - Quế Phong và Lâm trường Quế Phong lập biên bản kiểm đếm về đất và tài sản có trên đất (tự thoả thuận) để xây dựng tuyến đường điện phục vụ thi công dự án thuỷ điện Châu Thắng.
Đơn vị chủ đầu tư đã bồi thường cho lâm trường Quế Phong hơn 0,34 ha cây keo lai trồng năm 2008 tại các lô a và b (thuộc khoảnh 14, tiểu khu 89), lô d1 (khoản6, tiểu khu 90B) thuộc vào phần diện tích sau đó ông Nguyễn Văn Sơn mua. Số tiền lâm trường Quế Phong được nhận tương đương khoảng 27 triệu đồng (bao gồm giá trị bồi thường 60 triệu/ha cây keo lai và tiền hỗ trợ).
Thống kê diện tích lâm trường Quế Phong được nhận bồi thường để GPMB xây dựng đường dây điện. Diện tích này "trùng" với diện tích ông Lâm Hoài Dương bán cho ông Nguyễn Văn Sơn. |
Ngoài 2 lần bồi thường nói trên thì Công ty CP Prime – Quế Phong cũng đã trả cho lâm trường Quế Phong số tiền hơn 500 triệu đồng để được sử dụng con đường (dạng đường mòn) từ bên ngoài đi vào khu vực xây dựng đập dâng thuỷ điện.
Ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng, tại thời điểm ông Sơn khai thác gỗ keo thì hàng loạt cây gỗ keo gần đường đi đã bị chặt hạ.
“Phần lớn cây keo từ đường đi trở xuống khu vực lòng hồ đã bị cắt, từ đường trở lên khu vực lân cận đường đi cũng bị cắt. Ngoài ra, khi mở rộng đường để xây dựng nhà máy thuỷ điện thì công ty cổ phần Prime – Quế Phong ít nhiều cũng phải cắt cây. Toàn bộ những diện tích cây bị cắt đều nằm trong hồ sơ khai thác do lâm trường Quế Phong thiết kế để ông Lâm Hoài Dương bán cho tôi”, ông Sơn bức xúc nói.
Lâm trường Quế Phong vô can?
Trao đổi với phóng viên báo Gia đình Việt Nam, ông Lê Đức Khánh – Giám đốc lâm trường Quế Phong - cho biết diện tích 50,3 ha keo lai mà ông Nguyễn Văn Sơn mua là của 6 công nhân làm việc tại lâm trường Quế Phong trồng năm 2008 theo hình thức ký hợp đồng giao khoán với lâm trường này.
Ông Khánh xác nhận hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán khai thác rừng (hồ sơ khai thác) mà ông Lâm Hoài Dương dùng để thoả thuận mua bán với ông Nguyễn Văn Sơn là do lâm trường Quế Phong và Công ty TNHH 1 thành viên Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu (đơn vị chủ quản) thực hiện.
“Lâm trường ký hợp đồng giao khoán cho các hộ dân trồng và chăm sóc rừng, khi các hộ này có đơn xin khai thác thì lâm trường tiến hành các thủ tục, hồ sơ mở cửa rừng. Việc mua bán với ai là do người dân thoả thuận với nhau, chúng tôi không can thiệp”, ông Khánh nói.
Ông Khánh thừa nhận lâm trường Quế Phong đã nhận tiền bồi thường hơn 7 ha cây keo lai trồng tại tiểu khu 89 và 90B, số tiền bồi thường này đã chia cho các hộ dân nhận khoán trồng rừng. Giám đốc lâm trường Quế Phong cho rằng việc đưa phần diện tích đã nhận bồi thường vào hồ sơ khai thác để bán cho ông Sơn là không sai (?).
Ông Khánh bác bỏ thông tin rằng một phần diện tích cây keo bán cho ông Sơn đã bị cắt để làm đường giao thông và vùng ngập nước thuỷ điện. Theo ông Khánh, diện tích rừng ông Sơn mua vẫn đủ 50,3 ha như trong hồ sơ thiết kế khai thác.
“Khi thiết kế khai thác là chưa cắt, sau khi thiết kế là các hộ tự cắt, việc các hộ bán cho ông Dương thì lâm trường không nắm được”, ông Khánh nói.
Khi phóng viên đưa ra tài liệu, thông tin chứng minh phản ánh của ông Sơn là có căn cứ, ít nhất Công ty CP Prime – Quế Phong đã phải cắt bỏ cây keo để xây dựng đường dây điện trước thời điểm thực hiện hồ sơ khai thác. Lúc này ông Khánh thừa nhận: “Cũng chỉ có 0,3 ha này thôi”.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc lâm trường Quế Phong - thừa nhận có hơn 0,3 ha trong diện tích bán cho ông Sơn đã bị cắt để xây dựng đường dây điện |
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong tổng số 50,3 ha cây gỗ keo mà ông Nguyễn Văn Sơn đã mua thì có khoảng 10 ha thuộc sở hữu của ông Lê Đức Khánh và gần 20 thuộc sở hữu của ông Dương. Về việc này, ông Khánh nói: “Tôi cũng mua lại của một số người gần chục ha, sau đó tôi bán lại cho ông Lâm Hoài Dương”.
Quá trình làm việc, ông Lê Đức Khánh đều cho rằng bản thân ông Khánh và lâm trường Quế Phong không liên quan đến thoả thuận mua bán giữa ông Nguyễn Văn Sơn và ông Lâm Hoài Dương.
Trao đổi về sự việc, ông Hồ Đình Thế - Tổng Giám đốc Công ty TNHH 1 thành viên Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu (công ty chủ quản lâm trường Quế Phong) - cho biết: “Việc ông Sơn nói chỉ khai thác được 44 ha hay là thế đó nào thì tôi không rõ. Công ty khoán cho các hộ trồng 50,3 ha thì khi khai thác cũng thiết kế đủ 50,3 ha. Các hộ nhận khoán phải có nghĩa vụ nộp các khoản cho công ty đúng bằng diện tích đã nhận. Việc bán như thế nào thì tôi không được biết, tôi chỉ làm việc với hộ nhận khoán với công ty”.
Tương tự ông Lê Đức Khánh, ông Hồ Đình Thế cho rằng việc công ty này và lâm trường Quế Phong lập hồ sơ thiết kế khai thác có diện tích 50,3 ha (mà không trừ phần đã được bồi thường) là đúng.
Ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng tại thời điểm ông này khai thác, một phần diện tích tại lô a; b (thuộc khảnh 14, tiểu khu 89) một phần diện tích cây gỗ keo đã bị cắt chỉ còn lại gốc. |
Ông Lâm Hoài Dương (trú xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, Nghệ An) thừa nhận là người bán cho ông Nguyễn Văn Sơn 50,3 ha cây keo lai với giá 4,6 tỷ đồng dựa theo hồ sơ thiết kế khai thác lâm trường Quế Phong thực hiện.
Ông Dương xác nhận, khi bán cho ông Sơn diện tích gỗ keo nói trên, ông Dương sở hữu khoảng gần 20 ha do trước đó góp vốn trồng cùng với một số hộ dân nhận khoán. Theo đó, ông Dương đã được nhận một phần tiền bồi thường từ chủ đầu tư dự án thuỷ điện Châu Thắng trước khi bán cho ông Nguyễn Văn Sơn.
“Tiền này nộp vào cho lâm trường luôn vì tôi phải nộp tiền nghĩa vụ và sản phẩm khai thác”, ông Dương nói.
Ông Dương cho rằng, khi ông này bán cho ông Sơn thì toàn bộ diện tích gỗ keo trồng trên 50,3 ha chưa hề bị cắt (?)
Ông Nguyễn Văn Sơn đã gửi đơn tố cáo đến Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An và Công an tỉnh Nghệ An nhưng chưa nhận được câu trả lời |
Phản hồi các thông tin nói trên, ông Nguyễn Văn Sơn bức xúc nói: “Rõ ràng lâm trường Quế Phong đã nhận tiền bồi thường hơn 7 ha nhưng vẫn đưa vào hồ sơ thiết kế khai thác là sai. Khi thoả thuận bán cho tôi, ông Dương dấu kín việc này. Ông Khánh và ông Dương đã nhận tiền bồi thường, biết cây đã cắt nhưng vẫn bắt tay với nhau để lừa tôi. Lâm trường Quế Phong đại diện cho cơ quan nhà nước làm hồ sơ và đóng dấu vào hồ sơ khai thác rồi nói không liên quan là họ muốn phủi trách nhiệm. Việc chứng minh diện tích cây bị cắt cũng không khó, cơ quan công an vào cuộc thì sẽ làm rõ được ngay”.
Được biết, từ tháng 10/2016, ông Nguyễn Văn Sơn gửi đơn tố cáo đến Công an tỉnh Nghệ An và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đề nghị điều tra ông Lâm Hoài Dương và ông Lê Đức Khánh lừa đảo chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng của ông Sơn.
Theo đó, từ tháng 11/2016, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã vào cuộc, cử điều tra viên tiến hành xác minh, điều tra. Tuy nhiên, gần 2 năm trôi qua ông Sơn vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc...
Tác giả: Trọng Hùng - Xuân Lộc
Nguồn tin: Báo Gia đình Việt Nam