Có điện mà như không
Phản ánh với PV, hàng chục hộ dân thuộc xóm 3,4 và 5 (hay còn gọi là xóm Làng Kênh) xã Hoa Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) cho biết, nhiều năm qua, người dân phải sống trong cảnh điện yếu, không ổn định khiến đồ dùng bị hư hỏng thường xuyên, cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do điện áp yếu, nên việc phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân còn chưa đủ, vì thế mà việc kinh doanh hay sản xuất dường như không có ở đây.
Điện yếu, phập phù khiến 2 chiếc ti vi của gia đình anh Đậu Đức Vinh bị cháy cách đây chừng 1 tháng |
Theo đó, xóm Làng Kênh là một khu vực nằm tách biệt, nhà văn hóa xóm 4 ở gần đó chừng 400- 500m, đặc biệt các hộ dân đều nằm dọc theo một con kênh trên địa bàn xã. Muốn vào xóm Làng Kênh phải băng qua một cánh đồng lúa với đường đất trơn trượt. Từ một số ít hộ dân ra đây sinh sống từ những năm 1980, đến nay đã có khoảng 44 hộ sinh sống, nằm trải dọc theo tuyến đường có chiều dài gần 3km.
Mặc dù số hộ dân đã tăng lên đáng kể so với thời gian ban đầu, đồng nghĩa với việc con người cũng tăng lên, thế nhưng hệ thống hạ tầng đường điện ở đây thì vẫn “như thuở ban đầu” mà chưa một lần được nâng cấp hay sửa chữa, thay thế.
Máy trộn vữa phải gắn máy nổ chạy dầu để sử dụng thay vì chạy điện ở gia đình anh Quý |
Theo anh Vinh, vì điện áp quá yếu, không ổn định nên các thiết bị điện của người dân như quạt, ti vi, bóng đèn…bị cháy liên tục. Để khẳng định lời nói của mình với PV, anh Vinh đi về phía hai chiếc vi ti của gia đình đang xếp chồng lên nhau, nhưng giờ không thể sử dụng được nữa vì đã bị cháy cách đây chừng 1 tháng.
Cạnh nhà anh Vinh là gia đình anh Đậu Đức Quý, mặc dù đang trong quá trình làm móng nhà, nhưng máy khoan, máy cắt sắt, hay máy trộn vữa đều không thể hoạt động được vì điện yếu máy không chạy. Vậy nên người thì hì hục đục, người chặt sắt và người lại trộn vữa…những việc tưởng như máy móc bây giờ đã thay thế con người, thì ở đây vẫn phải làm vì điện yếu.
Mong có đủ điện để dùng
“Nhiều người sẽ không tin, nhưng dịp Tết Kỷ Hợi vừa qua, nhiều hộ dân phải dùng nến, đèn tích điện hay ắc quy để thắp sáng vì điện “có mà như không”, vừa sáng lên bỗng vụt tắt. Nhà nào có ổn áp thì còn đỡ hơn chút, còn không thì…Nhìn ra phía ngoài trung tâm xã cách đó chừng 1km thì đèn điện sáng trưng, mà ở đây xóm tối như mực, ai cũng thấy chạnh lòng” – Anh Quý cho biết.
Dẫn chúng tôi ra phía đường điện hiện nay đang phục vụ cho người dân trong xóm, ông Phan Xuân Quang, xóm trưởng xóm 3 cho biết: “Đây là đường điện dây trần hết sức nguy hiểm. Đường dây này đã tồn tại 20 – 30 năm nay, mà chưa được thay thế, trong khi nhiều nơi khác giờ đã thay bằng dây bọc. Do đường dây kém, không được nâng cấp, thay thế, lại cách xa trạm điện nên điện ngày càng yếu, nhất là những hộ dân ở cuối đường dây. Có thời điểm quạt bật lên nhưng chỉ quay rồi dừng, điện vừa sáng bỗng tắt ngấm, cơm trưa muốn chín có hôm phải cắm mất 2-3 tiếng”.
“Nhiều hôm đi làm đồng về mệt mỏi, chỉ muốn nghỉ ngơi chút cho thoải mái, thế nhưng, quạt bật cho mát thì không quay, cắm cơm muộn thì coi như cơm sống, việc sinh hoạt hằng ngày bị ảnh hưởng. Khổ nhất vẫn là trẻ con, mùa hè nắng nóng mà quạt cũng không thể sử dụng được nên quấy khóc khiến người lớn cũng mất ăn, mất ngủ. Dịp hè, tết con cháu ở xa mới về nhà được một lần thế nhưng vì không có điện để dùng sinh hoạt nên cũng ngày một ngày hai là chúng nó đi hết. Người dân chúng tôi giờ không mong muốn gì, chỉ mong sao có đủ điện để dùng là vui lắm rồi”, một người dân ngán ngẩm nói.
Hệ thống đường dây, cột điện đã có hàng chục năm nay nhưng chưa một lần được nâng cấp, thay thế |
Theo quan sát của PV, ở đây đường dây thuộc loại dây trần, theo thời gian, các đường dây nay đã võng xuống phía dưới đường, các cột điện hiện nay đã cũ kỹ xuống cấp có lẽ chưa một lần được thay mới. Có những cột điện còn nằm chềnh ềnh giữa đường đi hết sức nguy hiểm.
Ông Quang cho biết thêm: “Vấn đề điện yếu người dân đã kiến nghị, phản ánh nhiều lần rồi. Người dân chúng tôi chỉ mong sao ngành điện quan tâm đến cuộc sống của người dân, để việc học hành của con cháu, cũng như sinh hoạt của người dân bớt đi phần vất vả”.
Ông Hồ Sỹ Vĩnh – Giám đốc chi nhánh Điện lực Yên Thành nói: “Vấn đề điện Làng Kênh giờ phải chờ dự án mới có thể đầu tư đường dây cũng như trạm điện được vì kinh phí lớn, trong khi kinh phí sửa chữa thường xuyên của huyện thì ít”.
Trong khi chờ dự án đầu tư, người dân nơi đây vẫn phải sống trong cảnh điện yếu, phập phù, “có cũng như không” chưa biết đến bao giờ? Vấn đề này vốn chỉ xảy ra ở khu vực miền núi, với địa hình khó khăn hiểm trở, khoảng cách dân cư cách xa nhau, thì nay hàng chục hộ dân sống cách trung tâm xã chừng 1km và cách thị trấn huyện Yên Thành chỉ tầm 2km, phải than thở rồi ước ao, mong có đủ điện để dùng. Mong rằng, nguyện vọng chính đáng của người dân xóm Làng Kênh sẽ được các cấp, ngành quan tâm, khắc phục trong thời gian tới.
Tác giả: Đức Chung
Nguồn tin: Báo Công lý