Tin trong tỉnh

Nghệ An: Đồng bộ cơ chế, chính sách để “lót ổ” cho nhà đầu tư

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, Nghị quyết thí điểm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An đã được biểu quyết, thông qua vào ngày 13/11/2021.

Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Phan Quang – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Nghệ An xung quanh vấn đề này.

- Sau khi Nghị quyết số 36/2021/QH15 thí điểm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An được Quốc hội khoá XV thông qua, đến nay ông cảm nhận như thế nào về sự chuyển biến của địa phương trong lĩnh vực cải cách hành chính, thu hút đầu tư, thưa ông?

Với góc độ của Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp, tôi muốn nói xoay quanh vấn đề thu hút đầu tư, chính sách cải cách thủ tục hành chính và tạo động lực, tiền đề để thu hút đầu tư.

Trước hết, tỉnh Nghệ An cần có chính sách, cơ chế đặc thù rõ nét và triển khai đồng bộ. Muốn làm được cái đó, ngoài chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh ra thì cần chất lượng về cải cách thủ tục hành chính cần rõ nét, giám sát chặt chẽ hơn nữa.

Hiện tỉnh Nghệ An cũng đã có nhiều bước để cải cách thủ tục hành chính nhưng cần nhiều bước đột phá, thông thoáng hơn nữa để tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư.

Nghệ An có nhiều tiềm năng, lợi thế cần tận dụng để phát huy trên các lĩnh vực tài nguyên khoáng sản mà thiên nhiên ban tặng. Chính vì vậy, muốn cho địa phương phát triển, Nghệ An cần tận dụng cơ chế, chính sách đặc thù mà Trung ương đã ban hành.

Đặc biệt, Nghị quyết 36 của Quốc hội đã ban hành về thí điểm cơ chế, chính sách cho Nghệ An là cơ hội để địa phương đẩy mạnh thu hút đầu tư, tập trung tháo dỡ rào cản về thủ tục hành chính, giảm rườm rà cho doanh nghiệp.

Thời gian qua, cùng với sự vào cuộc của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, nhiều chính sách liên quan đến đầu tư, đất đai, môi trường kinh doanh…cũng đã được quan tâm, sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân phát triển.

Theo kết quả khảo sát, các chỉ số thành phần PCI năm 2021 của Nghệ An (bảng xếp hạng PCI 2021, tỉnh Nghệ An đạt 64,74 điểm, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành trong cả nước, đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung bộ, đứng sau Thừa Thiên Huế và Hà Tĩnh thuộc nhóm khá của cả nước), có 5 chỉ số tăng gồm: Tiếp cận đất đai (6,54 điểm lên 6,94 điểm); Tính minh bạch (tăng từ 6,04 lên 6,1); Chi phí không chính thức (6,22 tăng lên 6,5); Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (6,78 tăng lên 7,57); Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự (6,53 lên 6,59).

Nghệ An có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển trong thời gian tới

Đây là tín hiệu về cải cách hành chính được cộng đồng doanh nghiệp, người dân ghi nhận đối với sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, địa phương cũng cần sớm khắc phục hạn chế về các chỉ số thành phần PCI năm 2021 được đánh giá giảm xuống gồm: Gia nhập thị trường; Chi phí thời gian; Đào tạo lao động; Tính năng động của chính quyền; Tính cạnh tranh bình đẳng.

- Thưa ông, ở góc độ phát huy tiềm năng kinh tế biển của Nghệ An, ông thấy có gì nổi bật và bước đột phá của địa phương cũng như kỳ vọng trong thời gian tới?

Hiện nay ở các tỉnh như Đà Nẵng, Khánh Hoà, Quảng Ninh rồi Thanh Hoá đã có nhiều bước đột phá trong vấn đề phát triển kinh tế biển. Cái này cũng đã thể hiện rất rõ về hiệu quả thu hút đầu tư vào kinh tế biển của những địa phương nói trên trong thời gian qua.

Chính vì vậy, với nhiều tiềm năng lợi thế như đường bờ biển dài hơn 82km, hệ thống cảng biển Đông Hồi, Nghi Thiết, Cửa Lò ở Nghệ An cũng đã xuất hiện một số nhà đầu tư vào “lót ổ” để triển khai các dự án nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, hệ thống cảng biển đã được đầu tư, hạ tầng giao thông được cải thiện, du lịch, dịch vụ logistics đã có nhiều chuyển biến…

Tuy nhiên, tôi cho rằng, để tận dụng tối đa tiềm năng, vị thế thì Nghệ An cần quan tâm hơn nữa đến cụ thể hoá mạnh mẽ hơn nữa khâu đồng bộ về cơ chế, chính sách. Mặt khác, khi ban hành chính sách cần sát thực tiễn và mang tính bền vững để nhà đầu tư xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình sau khi được chấp thuận, tiếp nhận vào triển khai dự án tại địa phương.

- Với việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù nêu trên, theo ông nhà đầu tư cần phải làm gì?

Việc Nghị quyết 36 của Quốc hội khoá XV ban hành vừa qua thực sự đã trở thành cơ hội rất lớn để Nghệ An tạo bước đột phá về cơ chế, chính sách, đặc biệt liên quan đến vấn đề tiếp cận tư liệu đất đai nhằm triển khai dự án đầu tư.

Chính vì vậy, mong muốn cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư phải có bước chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa vẫn là kỳ vọng lớn của doanh nghiệp khi về Nghệ An.

Ở giai đoạn nào, bối cảnh như thế nào thì nhà đầu tư cũng phải bám vào cơ chế, chính sách để triển khai các bước đầu tư của mình tại địa phương.

Doanh nghiệp cũng cần xác định rõ lộ trình của mình và nắm bắt cơ hội để có thể hợp tác trên mọi phương diện, tìm kiếm tiềm năng đầu tư để “lót ổ” lâu dài.

- Xin cảm ơn ông!

Tác giả: Ngọc Thái

Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP