Ngày 7/12/2013, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 5860/QĐ.UBND-CNTM phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Dự án Tổ hợp SX tinh dầu, dược liệu, thực phẩm chức năng công nghệ cao tại xã Thanh Thủy, với diện tích 33 ha. Chủ đầu tư là Công ty TNHH VN Nam Đàn Vạn An (Cụm công nghiệp công nghệ cao, xã Nam Giang, huyện Nam Đàn), tổng kinh phí thực hiện 217 tỷ đồng.
Dự án “khủng” chưa được chủ đầu tư đả động gì |
Theo kế hoạch, khi đi vào hoạt động dự án cần 250 ngàn tấn nguyên liệu lá/năm, tất cả đầu vào sẽ do người dân tự trồng, sau đó NM sẽ có trách nhiệm thu mua. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng khẳng định khi tham gia liên kết, thu nhập của các hộ chắc chắn đạt cao hơn từ 200 - 300% so với trồng lúa hay các loại hoa màu khác.
Nhằm đảm bảo tiến độ đề ra, địa phương đã phối hợp cùng DN đẩy nhanh công tác GPMB thông qua nhiều chính sách hỗ trợ phù hợp. Theo đó, nếu chấp nhận về nơi ở mới mỗi hộ dân (19 gia đình) nghiễm nhiên sẽ được nhận 200m2 đất ở cùng khoản đền bù theo quy định.
Ngoài ra Cty VN Nam Đàn Vạn An cũng “bồi dưỡng” thêm số tiền 100 triệu đồng/hộ, hứa sẽ hỗ trợ những đối tượng trên 50 tuổi 3 triệu đồng/tháng, trên 80 tuổi 5 triệu đồng/tháng đến cuối đời, ưu tiên 1 lao động đối với các hộ nhường đất vào làm việc tại Công ty khi dự án hoàn thành…
Thực tế các hộ dân bị ảnh hưởng không thực sự mặn mà với việc phải chuyển đi, nhưng nhận thấy đây là công trình mang nhiều ý nghĩa thiết thực nên bà con cơ bản đồng thuận nghe theo. Nào ngờ niềm tin của họ đã đặt sai chỗ, sau những động thái hoành tráng ban đầu, về sau dự án gần như án binh bất động.
Sau khi thu hồi đất thành công, Nam Đàn Vạn An chỉ tiến hành quây hàng rào tôn, xây dựng nhà bảo vệ rồi… lặng thinh như tờ. Ngưng trệ đến tháng 6/2015, quý công ty chính thức có văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An xin giãn tiến độ đến tháng 6/2017.
Mặc dù chấp thuận nhưng tỉnh yêu cầu trong khoảng thời gian nói trên, chủ đầu tư phải tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn các giống dược liệu phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để đáp ứng yêu cầu thị trường khi NM chính thức đi vào vận hành. Trước đó UBND tỉnh đã yêu cầu Cty thực hiện đúng tiến độ cam kết, đưa NM vào hoạt động ngay trong quý I/2015. Nếu chậm tiến độ sẽ thu hồi đất.
Đây dường như chỉ là kế “hoãn binh” của DN nhằm đối phó trước sức ép ngày một dâng cao, bằng chứng là đến nay dự án vẫn sơ khai như lúc ban đầu. Khu “Tổ hợp SX tinh dầu, dược liệu, thực phẩm chức năng công nghệ cao” hoành tráng với kinh phí hàng trăm tỷ đồng chẳng khác nào một bãi đất hoang, tứ phía tầng tầng lớp lớp cây dại mọc lên kín đặc, cảnh tượng quá xót xa.
Nhà bảo vệ gần như là hạng mục duy nhất của dự án |
Trao đổi với Báo NNVN, ông Phan Duy Trinh, Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy khẳng định: “Dự kiến khi dự án đi vào hoạt động, người dân sẽ được hưởng lợi, có công ăn việc làm, có mức thu nhập đảm bảo. Các hộ đã sẵn sàng hợp tác dài lâu, vì thế khi dự án đình trệ dân bức xúc là lẽ đương nhiên”.
Một dự án lớn “ngốn” hàng chục ha đất SX, trực tiếp đẩy các hộ lâm vào tình cảnh mất kế sinh nhai. Người dân “khát đất” đến cùng cực, trong khi chủ đầu tư lại dửng dưng hết năm này sang năm khác, nhất thiết các cấp, ngành cần sớm đưa ra phương án thấu đáo để xử lý triệt để.
Chiêu bài trì hoãn dường như là thói quen khó bỏ của Cty TNHH VN Nam Đàn Vạn An. Theo lời ông Phan Duy Trinh: “Mới đây UBND tỉnh Nghệ An đã thành lập đoàn thành tra rà soát, đánh giá lại tiến độ dự án, hiện đang chờ kết luận cuối cùng. Phía nhà đầu tư đang xin điều chỉnh quy hoạch, thu hẹp một phần diện tích NM từ 7ha xuống 2ha, nâng diện tích khu dược liệu từ 26ha lên 31ha, tổng thể vẫn giữ nguyên quy mô 33ha”. |
Tác giả: Việt Khánh
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam