Tin trong tỉnh

Nghệ An giải quyết lúng túng khi triển khai giáo dục STEM trong nhà trường

Ngày 25/11, Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học về Giáo dục STEM trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh.

Tiết học STEM của cô trò Trường Tiểu học Nhân Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An). Ảnh: NTCC

Đây là một trong những nội dung nằm trong dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh “Hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng Chương trình giáo dục STEM trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An”.

Đưa giáo dục STEM vào các cấp học

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An khẳng định vai trò của giáo dục STEM trong các nhà trường, nhất là trong bối cảnh toàn ngành đang thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Hội thảo khoa học về Giáo dục STEM trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài

Giáo dục STEM không còn là điều mới lạ đối với các quốc gia phát triển trên thế giới, tuy nhiên lĩnh vực này đối với Việt Nam vẫn đang còn là vấn đề rất mới, trong đó có tỉnh Nghệ An. Điều này đã và đang là vấn đề gây ra sự “lúng túng” nhất định cho công tác triển khai chương trình giáo dục STEM ở tỉnh Nghệ An.

Để giáo dục STEM thực sự mở ra cơ hội mới, nhằm khuyến khích khả năng sáng tạo, vận dụng tổng hợp kiến thức tự học, tự nghiên cứu của học sinh. Đây cũng là cơ sở quan trọng để Nghệ An thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Từ tính cấp thiết đó, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định phê duyệt tổ chức, cá nhân chủ trì xây dựng dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng chương trình giáo dục STEM trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An”. Mục tiêu xây dựng thành công mô hình ứng dụng chương trình giáo dục STEM trong các nhà trường, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục trong chương trình giáo dục; phát triển kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho học sinh trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Theo ông Thái Văn Thành, Nghệ An đặt mục tiêu đưa Chương trình Giáo dục STEM cho học sinh ở tất cả cấp học, bậc học. Qua đó, để học sinh ngay từ khi còn học mầm non hay tiểu học, sẽ được tham gia vào các hoạt động trải nghiệm ứng dụng các nội dung, kiến thức về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học vào thực tiễn của cuộc sống.

Từ tiền đề quan trọng này, các em sẽ được trau dồi tư duy phản biện, các kỹ năng giải quyết vấn đề và trở nên sâu sắc hơn trong cách tiếp cận giải quyết các vấn đề toàn cầu. Học sinh thành thạo STEM được trang bị các kỹ năng, kiến thức cần thiết để theo đuổi việc học tập sau khi tốt nghiệp THPT và sự nghiệp của bản thân.

Sớm hoàn thiện khung chương trình giáo dục STEM thống nhất

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã chỉ ra một số khó khăn trong việc triển khai chương trình giáo dục STEM ở các nhà trường. Cụ thể như thiếu Khung chương trình giáo dục STEM cho các cấp học, bậc học thống nhất trên toàn tỉnh. Thiếu tài liệu giáo dục STEM và Tài liệu hướng dẫn giáo dục STEM. Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ở các cấp học, bậc học chưa được tập huấn, chuyển giao công nghệ giáo dục STEM do đó sự hiểu biết và nhận thức về vấn đề này còn nhiều hạn chế.

Cô Trần Linh Đa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nhân Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) - một trong 12 đơn vị thí điểm dự án chia sẻ kinh nghiệm tổ chức dạy học STEM. Ảnh: Hồ Lài

Bên cạnh đó, việc triển khai giáo dục STEM đang còn mang tính tự phát, giáo viên còn nhiều lúng túng, không thống nhất từ nội dung chương trình đến phương pháp triển khai, giáo dục STEM trên địa bàn toàn tỉnh chưa hiệu quả, thiếu sự kiểm soát của các cơ quan quản lý.

Trong 2 năm qua, Sở GD&ĐT Nghệ An chủ trì triển khai Dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng Chương trình giáo dục Stem trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An” thí điểm tại 12 trường từ bậc mầm non đến phổ thông. Dự án đã xây dựng được Khung chương trình giáo dục STEM cho cả 4 cấp học với đầy đủ thông tin: mục tiêu, yêu cầu cần đạt về năng lực và phẩm chất, chuẩn đầu ra, nội dung và phân phối chương trình.

Qua quá trình triển khai các đơn vị đã chia kinh nghiệm trong thực hiện và các kiến nghị, đề xuất để việc triển khai giáo dục Stem trong nhà trường được hiệu quả và có thể nhân rộng trong toàn ngành. Mặc dầu gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm của các đơn vị, nhà trường tham gia, dự án đang hoàn thành giai đoạn cuối cùng.

Học sinh tham gia bài học STEM về "Bộ chữ số bí ẩn". Ảnh: NTCC

Sau hội thảo này, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục dự án, tạo hành lang pháp lý áp dụng triển khai đại trà trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý và chất lượng giáo dục STEM.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thành Tài liệu giáo dục STEM và Hướng dẫn tổ chức hoạt động giáo dục STEM cho 4 cấp học để trở thành nguồn học liệu chính thống cho giáo viên các trường trên địa bàn toàn tỉnh tham khảo trong quá trình xây dựng bài giảng và triển khai các hoạt động giáo dục STEM tại đơn vị mình.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nêu rõ: Giáo dục công nghệ được thực hiện thông qua nhiều môn học, trong đó cốt lõi là các môn Thế giới công nghệ (lớp 1, lớp 2 và lớp 3) và Tìm hiểu công nghệ (lớp 4 và lớp 5); Công nghệ và Hướng nghiệp (trung học cơ sở); Thiết kế và Công nghệ (trung học phổ thông). Cùng với Toán học, Khoa học tự nhiên và Tin học, các môn học về công nghệ góp phần thúc đẩy giáo dục STEM, một trong những xu hướng giáo dục đang được coi trọng ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Giáo dục STEM lần đầu tiên được đưa vào Việt Nam từ năm 2010, chủ yếu thông qua 2 môn học đó là Công nghệ thông tin và Robotics cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12. Mô hình đã được triển khai thí điểm và nhân rộng tại các trường thuộc các thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ,… Các nội dung chương trình STEM được triển khai theo chuẩn quốc tế và phù hợp với mục tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đến nay, đã có hàng chục ngàn học sinh tại các thành phố này theo học và đã tham dự nhiều cuộc thi Robothon Quốc tế, Khoa học máy tính, Internet vạn vật trong suốt những năm qua.

Tác giả: Hồ Lài

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP