Kinh tế

Nghệ An: Gỡ khó cho doanh nghiệp

Trước tác động từ dịch Covid-19 ảnh hưởng xuất khẩu sản phẩm đến thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp nông - thủy sản Nghệ An đang nỗ lực mở rộng thị trường, từng bước nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm.

Cấp đông sản phẩm chưa được tiêu thụ

Nhiều đơn hàng bị hủy

Ông Lê Minh Tuấn - Chủ tịch Hội Sản xuất và kinh doanh tôm nõn Diễn Châu - cho biết, giao dịch bán hàng nông - thủy sản của các doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc đã ngừng hoàn toàn từ mùng 5 Tết Nguyên đán do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong khi đó, nhu cầu mua bán mặt hàng này của khách du lịch cũng ít hẳn vì người dân hạn chế đi lại.

Dịch Covid-19 bùng phát khiến các đối tác nhập khẩu ở Trung Quốc hủy bỏ những đơn hàng đã ký kết từ trước. Do đó, các doanh nghiệp phải tìm hướng khai thác lại khách hàng cũ, nỗ lực tìm kiếm thị trường mới. Ông Phạm Ngọc Thắng - Giám đốc doanh nghiệp chuyên xuất khẩu lạc trên địa bàn huyện Diễn Châu - cho hay: Mỗi năm, doanh nghiệp xuất bán 2.000 tấn sản phẩm lạc, vừng, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, Thái Lan. Hiện, lạc Diễn Châu chưa đến mùa thu hoạch, nhưng nếu dịch bệnh kéo dài, chưa được khống chế, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiêu thụ vì số lượng sản phẩm xuất bán sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch chiếm tới 50% sản lượng tiêu thụ.

Trong tình hình khó khăn do dịch bệnh kéo dài, mỗi doanh nghiệp đã nỗ lực tìm hướng đi cho mình. "Chúng tôi giảm giá bán, chấp nhận giảm lợi nhuận; tăng cường tiếp thị, mở thêm các kênh bán hàng như bán hàng online trên mạng, đổ mối bán lẻ..." - ông Lê Minh Tuấn chia sẻ.

Nhanh chóng tìm hướng đi

Theo nhiều ý kiến đưa ra, thời điểm này, nếu xuất sang các thị trường "khó tính" khác, sẽ rất khó cạnh tranh vì công nghệ, thiết bị sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu và chưa theo được các nước khác. Trước mắt, doanh nghiệp địa phương có thể mở rộng mạng lưới tiêu thụ nội địa.

Để tìm kiếm thị trường nội địa, từ năm 2018 đến nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lạc đã tìm đến Công ty Cổ phần Sữa TH cung cấp lạc xay làm nguyên liệu sản xuất kem, sữa chua; đóng gói sản phẩm lạc sen Nghệ An tiêu thụ tại siêu thị trong và ngoài tỉnh. Ông Nguyễn Bá Quý - Phó giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Sông Con - cho biết: Nếu dịch bệnh kéo dài, việc tiêu thụ bị ảnh hưởng, chúng tôi sẽ tiếp tục có các giải pháp mở rộng thị phần trong nước như tăng cường khâu tiếp thị sản phẩm qua các kênh thông tin, làm tốt khâu dịch vụ...

Để gỡ khó cho doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, Sở đang chỉ đạo các doanh nghiệp, người sản xuất đầu tư công nghệ, chế biến các sản phẩm "tinh" hơn tiêu thụ, xuất bán sang các thị trường khác. Đồng thời, củng cố, tận dụng các kho dự trữ, cấp đông, khuyến khích thương lái thu mua mặt hàng nông - thủy sản bảo quản, lưu trữ tại kho lạnh, tiêu thụ dần; đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ chính ngạch. Nghệ An cũng khuyến khích các đơn vị đưa nông sản, trái cây tươi vào các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại để bày bán và đẩy mạnh tiêu thụ tại các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch… Về lâu dài, chỉ đạo, định hướng người dân, các cơ sở sản xuất nhận thức rõ hơn việc tổ chức sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường và đảm bảo quy trình sản xuất theo chuẩn VietGAP, sản xuất sạch, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản.

Tác giả: Hoàng Trinh

Nguồn tin: Báo Công thương

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP