![]() |
Nhân viên Công ty Điện lực Nghệ An kiểm tra, rà soát lại các thiệt hại do lũ gây ra để có phương án sửa chữa cung cấp điện trở lại cho người dân vùng lũ. Ảnh: TTXVN phát |
Tại khu vực miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An, từ ngày 24/7, mực nước trên sông Lam, Nậm Mộ, Nậm Nơn... giảm mạnh, tình trạng ngập lụt tại các vùng tâm lũ thuộc các xã Con Cuông, Mường Xén, Tương Dương, Mỹ Lý, Nhôn Mai... đã bớt căng thẳng, nhiều nơi nước đã rút cạn. Tuy nhiên, sau khi nước rút, lượng bùn đất để lại quá nhiều, dày, trên một diện tích rất rộng lớn. Quang cảnh tại các vùng tâm lũ tan hoang, biến dạng, ngổn ngang vô số vật dụng, cây cối, rác thải, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Ngoài việc khẩn trương triển khai công tác hỗ trợ nhu yếu phẩm, không để người dân bị đói sau lũ, chính quyền địa phương, các đoàn thể, lực lượng vũ trang đang ngày đêm tập trung triển khai nhân lực, máy móc, phương tiện để khơi thông đường sá, hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà cửa, khắc phục hậu quả với mục tiêu sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất cho đồng bào miền núi.
Nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai cực đoan
Địa bàn Con Cuông (tỉnh Nghệ An) là một trong những tâm lũ trong đợt lũ có mực nước dâng vượt đỉnh lịch sử vừa. Cao điểm đợt lũ, địa phương này có 650 ngôi nhà bị ngập từ 2 đến hơn 3m, hơn 2.000 người dân cùng các tài sản, vật nuôi phải di dời đến nơi an toàn. Nhiều tài sản bị hư hỏng nặng; trong đó, có nhiều hộ thiệt hại 100%. Mưa lũ gây sạt lở, chia cắt nghiêm trọng nhiều tuyến đường, cầu tràn và công trình hạ tầng, 24 thôn bản bị ngập lụt; trong đó, có 10 thôn bản bị cô lập hoàn toàn, 15 thôn, bản bị cô lập cục bộ. Hơn 200 ha lúa bị hư hại từ 30 đến đến 70%, 10 ha cây trồng lâu năm, hơn 45 ha rau màu bị thiệt hại từ 70% trở lên, khoảng 250 ha cây trồng hằng năm bị thiệt hại 100%, hơn 150 con trâu, bò, lợn bị và hơn 3.000 con gia cầm bị chết và cuốn trôi, hơn 5ha ao, hồ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại 100%. Nhờ chủ động lực lượng, các phương án phòng chống lũ lụt và cứu hộ cứu nạn nên địa phương không có thiệt hại về người.
Từ ngày 24/7, nước rút khỏi nhiều điểm, vùng dân cư dọc tuyến Quốc lộ 7 chạy dọc sông Lam để lại khối lượng bùn đất rất lớn, gây cản trở giao thông và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Chính quyền địa phương đã huy động tối đa lực lượng bộ đội, công an và người dân cùng phối hợp khẩn trương dọn dẹp bùn đất, làm vệ sinh môi trường tại các tuyến đường và khu dân cư bị ảnh hưởng nặng như các thôn Tiến Thành, Vĩnh Hàn, Liên Tân, Tân Dân, các khối 2, 9… Phương châm là nước rút tới đâu sẽ dồn lực khắc phục, dọn dẹp, vệ sinh tới đó nhằm sớm ổn định cuộc sống, sinh hoạt cho người dân.
![]() |
Trạm Y tế dã chiến Mỹ Lý được lập nên để khám chữa bệnh cho người dân. Ảnh: TTXVN phát |
Anh Nguyễn Xuân Thi, thôn Tiến Thành, xã Con Cuông, tỉnh Nghệ An cho biết, sau nhiều ngày nhà cửa, sân vườn, chuồng trại bị ngập sâu trong nước, khi nước có chiều hướng giảm là mọi người đã chuẩn bị vật dụng, nhân lực để triển khai công tác dọn dẹp. Khi mực nước ngập giảm mạnh, các gia đình tập trung thu dọn vệ sinh để tránh ô nhiễm môi trường, phòng trừ các dịch bệnh truyền nhiễm, tránh các dịch bệnh lây lan
Thực hiện lệnh điều động khẩn cấp nhằm hỗ trợ đồng bào vùng lũ và khắc phục thiệt hại, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 764 (Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An) đã khẩn trương tiếp cận địa bàn, tích cực tiếp ứng giúp nhân dân xử lý hàng chục tấn bùn đất, rác thải và tìm kiếm, rửa, lau chùi các vật dụng sinh hoạt bị lũ cuốn trôi, giúp các hộ dân nhanh chóng ổn định cuộc sống sau khi nước lũ rút. Đồng hành cùng chính quyền và nhân dân xã Con Cuông, hơn 200 cán bộ chiến sĩ Công an xã Con Cuông, Đội Cảnh sát giao thông số 2, Đội Cảnh sát sát phòng cháy chữa cháy- cứu hộ cứu nạn vẫn bám trụ địa bàn, khẩn trương tích cực hỗ trợ đồng bào khắc phục thiệt hại sau lũ như nạo vét hàng chục tấn bùn đất, rác thải tràn vào nhà dân. Đặc biệt tại cụm dân cư Mai Nhai, khối 4, công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn do đây là khu vực bị lụt ngập sâu, sau khi nước rút, lượng bùn đất ngập từ 1,5 đến 2m, rất khó vượt qua để tiếp cận những vùng khác. Điều này gây cản trở lớn trong công tác dọn dẹp. Đây là là khu vực tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh, có mầm mống dịch bệnh lớn khi có nhiều gia súc, gia cầm bị chết, việc xử lý, chôn lấp xác gia súc gặp nhiều khó khăn. Trước những thách thức đó, lực lượng quân sự đã động viên, sát cánh cùng bà con nhân dân nỗ lực nạo vét bùn đất, mở đường vào các cụm dân cư, tìm cách tiếp cận và khắc phục thiệt hại trong từng ngõ xóm. Qua đó, thể hiện rõ vai trò là chỗ dựa vững chắc của nhân dân trong khó khăn, hoạn nạn. Người dân vùng tâm lũ vẫn chồng chất khó khăn
![]() |
Có sở vật chất, thiết bị vật tư, máy móc khám chữa bệnh của nhiều Trạm Y tế, Trung tâm Y tế các xã miền Tây Nghệ An bị thiệt hại hoàn toàn do nước lũ. Ảnh: TTXVN phát |
Lũ lớn đi qua đã gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều khu vực, khiến người dân vùng cao Nghệ An đã gặp nhiều khó khăn, nay lại thiếu thốn trăm bề, khó khăn càng chồng chất. Nhiều gia đình bị mất nhà cửa, tài sản, lương thực thực phẩm bị hư hỏng, không có đủ nước sạch để dùng, nhu yếu phẩm ngày càng cạn kiệt khi nguồn cung bị gián đoạn, giao thông bị chia cắt, người dân vùng lũ buộc phải sống dựa vào nguồn cứu trợ ít ỏi từ bên ngoài. Nhiều gia đình phải sống nhờ vào mì tôm và các suất cơm từ các nhóm từ thiện hoạt động trao quà, cứu trợ tại địa phương.
Ngồi bên đống đồ đạc, gia sản đổ nát, ông Lương Văn Xoan, khối 3, xã Mường Xén, tỉnh Nghệ An ngậm ngùi chia sẻ, lũ dữ ập về trong đêm ngày 22/7 nhấn chìm toàn bộ căn nhà của gia đình. Dù gia đình đã cố gắng di dời các tài sản để giảm bớt thiệt hại, nhưng vì tuổi cao sức yếu, nước lũ lên nhanh, nên lực bất tòng tâm. Sau lũ, tài sản của gia đình bị hư hại mất một nửa. Hiện, gia đình đang thiếu thốn rất nhiều, nhất là nước sạch, lương thực, thực phẩm. Dọc tuyến Quốc lộ 7 nơi từng là trục giao thông huyết mạch, giờ đây ngổn ngang, tiêu điều. Lũ không chỉ nhấn chìm nhà cửa mà còn phá tan sinh kế của hàng trăm gia đình sau bao năm xây dựng. Vô số cửa hàng tạp hóa, ki-ốt, cơ sở bán buôn, kinh doanh mang theo hi vọng làm ăn ổn định của người dân thì giờ đây chỉ còn lại tấm bảng hiệu xiêu vẹo, lấm lem bùn đất và gian hàng trống rỗng, ngập bùn đất. Lũ dâng cao làm ngập các cửa hàng, cuốn trôi, phá hủy nhiều hàng hóa, dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm, khiến người dân gặp khó khăn trong việc mua sắm và đảm bảo nhu cầu thiết yếu. Anh Nguyễn Văn Thành, bản Na Lượng 2, xã Hữu Kiệm, tỉnh Nghệ An cho biết, do trận lũ đến nhanh quá nên gia đình và nhiều nhà khác trong bản trở tay không kịp, bị ngập hết tài sản. Gia đình anh kinh doanh hàng tạp hóa, lượng hàng hóa rất là lớn, nguồn hàng mua hàng có giá trị từ 3 đến 4 tỷ đồng.
![]() |
Có sở vật chất, thiết bị vật tư, máy móc khám chữa bệnh của Trung tâm Y tế Tương Dương bị thiệt hại hoàn toàn do nước lũ. Ảnh: TTXVN phát |
Ông Vi Văn Oanh, Phó Bí thư thường trực xã Hữu Kiệm, tỉnh Nghệ An cho biết, sau lũ lụt, nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn không đi lại được, một số bản đang bị chia cắt, rất khó khăn. Cái cần thiết bây giờ là tăng cường nhu yếu phẩm, lương thực, thuốc men, nước uống. Chính quyền cấp trên, các sở ngành, các tổ chức từ thiện, cá nhân hảo tâm cần khẩn trương hỗ trợ cứu trợ vùng bị lũ, đặc biệt là các điểm đang bị cô lập. Mỗi đóng góp dù nhỏ cũng sẽ góp phần giúp bà con vượt qua hoạn nạn, nối dài hi vọng cho bà con vùng lũ. Cuộc sống tại những vùng tâm lũ đang hồi sinh từng chút một nhờ niềm tin, nghị lực và tình người không bao giờ tắt.
Tại xã Nhôn Mai, xã duy nhất của tỉnh Nghệ An còn bị cô lập hoàn toàn do đường giao thông bị sạt lở, chia cắt nghiêm trọng, các lực lượng biên phòng, chính quyền địa phương đã hành quân bộ men theo đường rừng tiếp cận được những bản làng xa xôi, khó khăn nhất và chịu thiệt hại nghiêm trọng do lũ dữ càn quét, tàn phá. Trung tá Nguyễn Văn Thưởng, Chính trị viên Đồn biên phòng Nhôn Mai (Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An) cho biết, hiện nay các đoàn công tác của đơn vị và UBND xã Nhôn Mai đã tiếp cận được 21/21 bản của xã; triển khai công tác cứu hộ, hỗ trợ cho nhân dân tại các bản. Việc tiếp cận với các bản sau nhiều ngày bị cô lập hết sức khó khăn bởi hệ thống đường giao thông đã bị lũ cuốn trôi, biến dạng hoàn toàn. Vì vậy, công tác tiếp cận đến các bản bị cô lập các tổ công tác của chính quyền địa phương, biên phòng chỉ có thể hành quân bộ; các nhu yếu phẩm, lương thực hỗ trợ, tiếp tế cho người dân lực lượng tiếp cận thau nhau phải cõng, gánh, rất vất vả. Ban chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An cũng đã bố trí phương tiện vận chuyển và cấp phát quân trang, vật chất, nhu yếu phẩm, chăn màn, chiếu, phản, các dụng cụ nhà bếp, nội trợ và thuốc men cần thiết nhằm hỗ trợ bộ đội và bà con vượt qua khó khăn trước mắt với quyết tâm không để ai bị đói do thiên tai.
Tác giả: Bích Huệ - Văn Tý - Xuân Tiến
Nguồn tin: bnews.vn