Giáo dục

Nghệ An: Hàng chục nghìn giáo viên được chuyển xếp lương và bổ nhiệm

Với hơn 24.000 giáo viên được chuyển xếp lương, tỉnh Nghệ An sẽ cần hơn 144 tỷ đồng để chi trả lương tăng thêm cho giáo viên trong đợt này. TP. Vinh là địa phương có nhu cầu kinh phí cao nhất với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng.

Theo đó, 24.391 giáo viên ở các bậc mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh Nghệ An được chuyển xếp lương và bổ nhiệm.

Ngày 26/12/2022, UBND tỉnh đã ra văn bản số 4156/QĐ-UBND Quyết định về việc giải quyết kinh phí. Trong đó, đã giao UBND các huyện, thành phố, thị xã sử dụng nguồn kinh phí cải cách tiền lương hiện có tại các đơn vị để chi trả các chính sách, số tiền 119.870.484.000 đồng để chi trả lương cho giáo viên. Trong đó, có hơn 114 tỷ đồng là kinh phí thực hiện chuyển xếp lượng giáo viên theo Yhông tư 01, 02, 03.

Trong đợt này, Nghệ An có 24.391 giáo viên mầm non, tiểu học và THCS được chuyển xếp lương và bổ nhiệm.

Trước đó, ngày 2/2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 01, 02, 03 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS công lập.

Thực hiện theo các văn bản hướng dẫn, các địa phương trong toàn tỉnh đã thực hiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho các giáo viên thông qua việc xét, chấm điểm hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng theo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Sau gần 1 năm triển khai, hiện các địa phương đã có Quyết định về việc bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp giáo viên. Qua tổng hợp, trong đợt này, toàn tỉnh có 24.391 giáo viên ở các bậc mầm non, tiểu học và THCS được chuyển xếp lương và bổ nhiệm. Trong đó, nhiều nhất là huyện Diễn Châu với 2.603 giáo viên, Quỳnh Lưu 2.236 giáo viên, thành phố Vinh 1.948 giáo viên, huyện Yên Thành 1.914 giáo viên, Nghi Lộc 1.781 giáo viên…

Thực hiện theo các văn bản hướng dẫn, sau khi được bổ nhiệm, chuyển xếp lương mới các địa phương cũng đã tổng hợp danh sách và nhu cầu kinh phí để chuyển về Sở Giáo dục và Đào tạo. Trên cơ sở hồ sơ và danh sách giáo viên, Sở sẽ tổng hợp, chuyển về Sở Tài chính và tiếp tục trình lên UBND tỉnh cấp nguồn kinh phí để kịp thời chi trả lương theo ngạch lương mới cho giáo viên.

Hiện, qua thống kê, với hơn 24.000 giáo viên được chuyển xếp lương, toàn tỉnh sẽ cần hơn 144 tỷ đồng để chi trả lương tăng thêm cho giáo viên trong đợt này và thành phố Vinh là địa phương có nhu cầu kinh phí cao nhất với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng. Tiếp đó là huyện Kỳ Sơn với hơn 14 tỷ đồng và Yên Thành, Quỳnh Lưu với số tiền hơn 10 tỷ đồng.

Việc bổ nhiệm, chuyển xếp lương theo Thông tư số 01, 02, 03 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS công lập sẽ tăng quyền lợi, tăng thu nhập cho giáo viên. Theo đó, như với bậc tiểu học và THCS, trước đây nếu ở mức hạng II cũ, hệ số lương lương cho giáo viên sẽ được tính từ 2,34 - 4,9. Tuy nhiên, nếu ở mức hạng II mới, hệ số lương của giáo viên sẽ được tính từ 4.0 - 6,35. Giáo viên ở hạng I, hệ số lương từ 4,40 đến hệ số lương 6,78 và giáo viên hạng III hệ số lương sẽ là 2,34 - 4,98.

Trong khi đó, ở bậc mầm non, giáo viên mầm non hạng III, được áp dụng hệ số lương từ 2,1 đến hệ số lương 4,89; Giáo viên mầm non hạng II được áp dụng hệ số lương từ 2,34 đến hệ số lương 4,98; giáo viên mầm non hạng 1, được áp dụng hệ số lương từ 4,0 đến hệ số lương 6,38. Ngoài giáo viên mầm non, tiểu học và THCS, hiện Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã trình danh sách hơn 1.500 giáo viên bậc THPT đến sở Nội vụ để ra quyết định bổ nhiệm nâng hạng./.

Tác giả: Hồng Quang

Nguồn tin: tamnhin.trithuccuocsong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP