Tin trong tỉnh

Nghệ An kiểm soát tốt bệnh dịch tả lợn châu Phi

Năm 2023, bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Nghệ An được kiểm soát tốt.

Sự chủ động của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An đã giúp công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn đạt kết quả tốt. Ảnh: Việt Khánh.

Ông Nguyễn Viết Lương, Trưởng Phòng Quản lý dịch bệnh (Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An) cho biết: Trong năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận một số ổ dịch tả lợn châu Phi tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Chính quyền địa phương và Chi cục đã kịp thời nắm bắt, từ đó tập trung công tác chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp chống dịch và khống chế trong diện hẹp nên đã giảm thiểu mức độ thiệt hại.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra 22 ổ dịch thuộc 7 huyện, thị tại Nghệ An với khoảng 600 con mắc bệnh. Thời gian gần đây, dịch xuất hiện tại một số điểm nhưng quy mô lẻ tẻ. Đây là thông tin đáng mừng, bởi giai đoạn 2019 - 2022, dịch bệnh khiến toàn ngành chăn nuôi Nghệ An điêu đứng.

Là tỉnh có tổng đàn gia súc, đặc biệt là tổng đàn lợn thuộc tốp đầu cả nước, lại phổ biến hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ, để kiểm soát tốt dịch bệnh là điều không dễ dàng. Để kiểm soát tốt dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An đã làm tốt vai trò chuyên môn được giao, góp phần quan trọng vào phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh.

Chi cục đã chủ động nắm bắt, dự tính, dự báo, từ đó tham mưu kịp thời, hiệu quả cho UBND tỉnh, Sở NN-PTNT ban hành các văn bản chỉ đạo sát sườn, giúp các địa phương và người chăn nuôi chủ động phương án phòng chống dịch bệnh.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi năm 2023 trên địa bàn Nghệ An đã được kiểm soát hiệu quả. Ảnh: Việt Khánh.


Dịch tả lợn châu Phi là bệnh nguy hiểm, nếu lơ là, chủ quan, người nuôi phải trả giá đắt. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn (chưa có vacxin đặc hữu, thiếu kinh phí triển khai phòng chống dịch, lực lượng mỏng…), Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An xác định phương châm “phòng hơn chữa bệnh”. Qua đó tích cực, chủ động phối hợp cùng chính quyền cấp triển khai có hiệu quả công tác giám sát nhằm phát hiện sớm dịch bệnh, đồng thời tập trung nguồn lực phòng chống dịch, không để phát sinh, lây lan trên diện rộng.

Không chỉ có dịch tả lợn châu Phi, ngành chăn nuôi hiện nay còn có nguy cơ xẩy ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác như viêm da nổi cục, lở mồm long móng, cúm gia cầm… Người chăn nuôi hiện nay cũng đang gặp nhiều khó khăn do giá sản phẩm chăn nuôi giảm thấp. Trước tình hình đó, đặc biệt với chăn nuôi lợn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An khuyến cáo người dân không nên nóng vội tái đàn, tăng đàn. Nếu phát hiện lợn chết không rõ nguyên nhân, hoặc có biểu hiện khác thường cần báo ngay cho cơ quan chức năng thay vì tự điều trị, tránh tình trạng "nước đến chân mới nhảy".

Các địa phương cần bố trí cán bộ chuyên trách về chăn nuôi - thú y bám sát cơ sở để kịp thời hướng dẫn, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh. Khi phát hiện lợn mắc bệnh, phải khẩn trương lấy mẫu chẩn đoán, xét nghiệm, đồng thời xử lý nhanh ổ dịch để tránh lây lan trên diện rộng.

Tác giả: Việt Khánh

Nguồn tin: Báo Nông Nghiệp

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP