Tin trong tỉnh

Nghệ An làm gì để “bứt phá” trở thành trung tâm công nghiệp của vùng Bắc Trung bộ?

Với nguồn lực nội tại vững chắc, cơ cấu kinh tế ở Nghệ An đang dần “chuyển dịch” theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa xứng tầm với kỳ vọng của Trung ương.

Hệ thống giao thông đồng bộ theo hướng hiện đại đang là động lực để Nghệ An đẩy nhanh kết nối, liên kết với cả vùng Bắc Trung Bộ (ảnh: Ngọc Thái)

Được biết, mới đây, BTV Tỉnh ủy Nghệ An vừa ban hành Chương trình hành động số 56-CTr/TU nhằm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của BCH TW Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, yêu cầu các cấp, các ngành và địa phương căn cứ Chương trình hành động tổ chức triển khai thực hiện với quyết tâm cao nhất để hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; quyết tâm đưa Nghệ An “lột xác” trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2030 và nằm trong nhóm đứng đầu của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung vào năm 2045.

Sẵn sàng nhờ “thế và lực”

Nghệ An là địa phương có diện tích lớn nhất cả nước 16.490km2, xếp thứ 4 về quy mô dân số với hơn 3.3 triệu người (độ tuổi lao động chiếm hơn 2 triệu người, khoảng 60%); đây cũng là nơi có vị trí địa lý hết sức thuận lợi khi nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung bộ, là một trong những đầu mối giao thương đặc biệt quan trọng nối 2 miền Nam – Bắc.

Bên cạnh đó, Nghệ An còn có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, bao gồm: Sân bay quốc tế, cảng biển nước sâu, đường sắt, mạng lưới đường bộ và đường thủy dễ dàng kết nối trong nước và quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng hóa và hành khách, phục vụ các hoạt động kinh tế, đầu tư ở quy mô quốc gia và khu vực.

Do vậy, Nghệ An đang trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư chiến lược và được đánh giá là địa phương có rất nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp.

Nhờ những tiềm năng, lợi thế nổi bật về vị trí địa lý cùng quan điểm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, Nghệ An đã và đang đổi thay từng ngày khi hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được đầu tư xây dựng một cách đồng bộ, hiện đại. Đơn cử như các khu công nghiệp: Nam Cấm, VSIP, WHA Industrial Zone 1, Hoàng Thịnh Đạt,… cùng với đó là 32 cụm công nghiệp với diện tích 467 ha đang được triển khai xây dựng.

Những năm qua, Nghệ An cũng có nhiều bước tiến đột phá trong công tác thu hút nguồn vốn đầu tư FDI, tạo động lực cho các ngành, nghề phát triển (ảnh: Ngọc Thái)

Bên cạnh đó, có 66 dự án cấp mới (tăng 13,79% so với cùng kỳ) và điều chỉnh 84 lượt dự án, với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 22.309,7 tỷ đồng, trong đó vốn cấp mới là 19.838 tỷ đồng, tăng 1,34 lần so với cùng kỳ.

Đặc biệt, Nghệ An vươn lên vị trí thứ 8/63 địa phương về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 725,4 triệu USD; trong 6 tháng đầu năm thu hút được 8 dự án FDI với số vốn đăng ký 613,8 triệu USD.

Tuy nhiên, trên thực tế, hiện tại nền công nghiệp của Nghệ An vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng, chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế mà địa phương này nắm giữ. Cụ thể, tỷ trọng công nghiệp trong GDP còn thấp so với bình quân chung cả nước, sức cạnh tranh của các sản phẩm chưa cao do quy mô, trình độ công nghệ còn lạc hậu, ít có mặt hàng chủ lực chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài tỉnh. Giá trị tăng thêm, tỷ trọng sản phẩm công nghiệp xuất khẩu còn thấp.

Ngoài ra, Nghệ An còn thiếu các cơ sở công nghiệp quy mô lớn đóng vai trò hạt nhân, có tác động lan tỏa, lôi kéo, kích thích phát triển các doanh nghiệp vệ tinh, các ngành công nghiệp hỗ trợ…

Hiện thực hóa Nghị quyết

Có thể nói, nếu vị trí địa lý là điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp, thì Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của BCH TW Đảng khóa XIII chính là là “động lực” giúp Nghệ An khai thác và sử dụng có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế trên.

Và mới đây, BTV Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Chương trình hành động số 56-CTr/TU nhằm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của BCH TW Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cụ thể, công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, quy hoạch ngành và quy hoạch sử dụng đất, sử dụng khoa học công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Khai thác và phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của tỉnh, của từng vùng, từng địa phương; kết hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa phát triển tuần tự với đi tắt đón đầu.

Mục tiêu tổng quát là tạo sự bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm. Đến năm 2030, Nghệ An cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, đời sống nhân dân được nâng cao.

Hiện nay, Nghệ An vươn lên vị trí thứ 8/63 địa phương về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 725,4 triệu USD

Đến năm 2045, Nghệ An hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển toàn diện, hài hòa trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh; là tỉnh có công nghiệp phát triển nằm trong nhóm đứng đầu các tỉnh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.

Nhằm đạt được mục tiêu nêu trên, Lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Đó là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đổi mới tư duy về công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xây dựng ngành công nghiệp tiên tiến, hiện đại; nâng cao năng lực ngành xây dựng; đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững. Phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo; tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo số liệu thống kê của Sở KH&ĐT tỉnh Nghệ An trong 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 5,79% (quý I tăng 7,60%; quý II tăng 4,31%), cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân 6 tháng đầu năm của cả nước (đạt 3,72%). Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,31% (riêng công nghiệp tăng 3,31%).

Đồng thời, quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; tăng cường khai thác có hiệu quả thị trường trong nước và hội nhập quốc tế.

Đặc biệt là đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường kinh doanh. Phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ con người Nghệ An; đội ngũ trí thức và doanh nhân xung kích, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thực hiện tốt an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng an ninh.

Tin tưởng rằng, với những nhiệm vụ, giải pháp đề ra như trên, Nghệ An sẽ thực sự hiện thực hóa được Nghị Quyết số 29/NQ-TW, nâng cao vị thế, đưa nền công nghiệp tỉnh nhà trở thành trung tâm của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.

Tác giả: Hồng Quang

Nguồn tin: Diễn đàn Doanh nghiệp

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP