Tin trong tỉnh

Nghệ An: Làm rõ việc chính quyền xã Quỳnh Châu thờ ơ khi bò chết vì bệnh viêm da nổi cục

Bò chết vì bệnh viêm da nổi cục, người dân đã báo với chính quyền địa phương để có giải pháp tiêu hủy nhưng xã Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu, Nghệ An) vẫn chậm trễ xử lý.

Vào cuối tháng 4 vừa qua, gia đình anh Nguyễn Đình Phong trú xóm 1, xã Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu) bị mắc bệnh viêm da nổi cục. Gia đình anh Phong tìm cách cứu chữa nhưng vài ngày sau con bò đã chết.

Anh Phong đã thông báo lên xóm và chính quyền xã Quỳnh Châu để có giải pháp tiêu hủy, tránh lây lan trên diện rộng. Tuy nhiên, xã Quỳnh Châu đã không cử lực lượng để tiêu hủy bò chết mà chỉ đạo gia đình anh Phong tự chôn bò.

Sau vài ngày, tại khu vực chôn bò của anh Phong bốc mùi hôi thối. Vị trí chôn lại nằm cạnh tuyến đường hàng ngày có nhiều người dân đưa trâu, bò ra chăn thả nên người dân rất bất bình. Vì vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa tăng nguy cơ lây lan dịch trên diện rộng.

Tiếp đến, ngày 2/5, con bò của gia đình ông Nguyễn Văn Chuyên ở xóm 1, xã Quỳnh Châu (hàng xóm của anh Phong) cũng chết vì bệnh viêm da nổi cục.

Vị trí tiêu hủy bò của gia đình anh Phong bốc mùi hôi thối lại nằm sát đường khiến người dân bức xúc (ảnh BNA)

Gia đình ông Chuyên báo lên chính quyền, trong suốt quá trình kiểm tra, đo đạc, lập biên bản tiêu hủy chỉ có sự hiện diện của gia đình ông Chuyên, xóm trưởng và cán bộ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu, không có lực lượng của xã Quỳnh Châu.

Việc chính quyền địa phương xã Quỳnh Châu không có mặt đã khiến công tác tiêu hủy bò tại gia đình ông Chuyên bị chậm trễ, đến 7 – 8 giờ tối 2/5 mới tìm được vị trí để tiêu hủy bò chết.

Việc thờ ơ của chính quyền xã Quỳnh Châu trong công tác tiêu hủy gia súc chết vì dịch bệnh đã khiến người dân bức xúc.

Con bò của gia đình ông Chuyên chết từ trưa 2/5 nhưng mãi đến tối 2/5 mới tiêu hủy. Ảnh: BNA

Ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho rằng, khi người dân báo có bò, lợn bị chết do bệnh dịch, chính quyền xóm và xã có trách nhiệm đến kiểm tra, đồng thời phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện để xác định nguyên nhân chết, cân, đo... lập hồ sơ. Sau đó, xã có trách nhiệm tiêu hủy đúng vị trí và đúng quy trình, tuyệt đối không để cho hộ dân tự tiêu hủy, nhằm tránh lây lan dịch bệnh.

Tác giả: Tùng Lâm (t/h)

Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP