Tin trong tỉnh

Nghệ An: Lãng phí những công trình tiền tỷ sau khi sáp nhập xã

Thực hiện Đề án sáp nhập xã, một số địa phương đã thực hiện và được sự đồng thuận cao từ nhân dân. Thế nhưng, những công trình tiền tỷ sau sáp nhập đang bị bỏ không, gây lãng phí rất lớn.

Ngày 01/01/2020, đơn vị hành chính xã Minh Châu chính thức được thành lập từ chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã. Minh Châu là đơn vị đầu tiên trên địa bàn huyện Diễn Châu (Nghệ An) thực hiện việc sáp nhập ĐVHC cấp xã.

Đề án sáp nhập ĐVHC 3 xã Diễn Bình, Diễn Minh, Diễn Thắng đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của nhân dân với tỷ lệ cử tri đồng ý đạt 89,4%. Ngày 10/02/2020, UBND huyện Diễn Châu đã tổ chức lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Nghị quyết về thành lập đơn vị hành chính xã Minh Châu.

Bên cạnh những mặt tích cực thấy được sau sáp nhập xã, thì vẫn còn tồn tại nhiều bất cập mà người dân cũng như lãnh đạo địa phương hết sức băn khoăn và quan tâm, như tình trạng thừa cán bộ, thừa cơ sở hạ tầng nhưng lại thiếu nơi làm việc, thiếu nơi họp xóm mới...

Theo đó, sau sáp nhập 3 xã, trụ sở hành chính xã Minh Châu được đặt ở trụ sở xã Diễn Thắng cũ. Đây được xác định là vị trí trung tâm của xã mới, vì nằm cạnh Quốc lộ 7, có giao thông tương đối thuận lợi và ở xen giữa 2 xã Diễn Minh, Diễn Bình.

Sau sáp nhập xã, trạm y tế xã Diễn Minh “cửa đóng then cài” vì chuyển về trạm y tế xã Diễn Bình hoạt động.

Tuy nhiên, xã mới nhưng trụ sở lại cũ với 2 khối nhà riêng biệt, đã được xây dựng nhiều năm trước đó, nên không đáp ứng được đầy đủ công năng cũng như diện tích để sử dụng. Trong khi trụ sở xã Diễn Bình được đầu tư nhiều tỷ đồng, dù mới hoàn thành và sử dụng được khoảng 1 năm nay, nhưng giờ gần như đóng cửa, chỉ một số phòng dành cho hội, đoàn thể xã Minh Châu về đây hoạt động.

Trao đổi với PV, ông Đặng Xuân Thước – Bí thư Đảng ủy xã Minh Châu cho biết: “Sau khi sáp nhập ĐVHC, vẫn còn những hạn chế, khó khăn đó là sự lúng túng bước đầu trong công tác điều hành, công tác cán bộ, nơi làm việc của bộ máy; Số lượng lớn công việc cần giải quyết, các hồ sơ, thủ tục, giấy tờ cá nhân của nhân dân cần phải chuyển đổi cho phù hợp; Ngoài ra, đó là sự lãng phí lớn tại những công trình xây dựng như: trụ sở làm việc, trạm y tế, nhà văn hóa các xóm…”

Được biết, cuối năm 2019, xã Diễn Bình được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Để xây dựng các tiêu chí chuẩn NTM, nên trụ sở xã, trạm ý tế, trường học…đều mới được đầu tư xây dựng khang trang trị giá hàng chục tỷ đồng. Có được thành quả trên, ngoài số tiền Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình, địa phương cũng huy động một nguồn lực lớn từ nhân dân. Thế nhưng, sau sáp nhập xã, những công trình đầu tư đó dường như không phát huy được hiệu quả. Thì đến năm 2020, xã Minh Châu lại tiếp tục phải kiến thiết đầu tư để phấn đấu về đích NTM theo cấp trên giao.

Nhà văn hóa xóm 4, dù mới đầu tư nhưng vẫn quá tải với 478 hộ dân sau khi sáp nhập xóm.

Không chỉ trụ sở xã Diễn Bình, trạm y tế xã Diễn Minh được đầu tư với kinh phí đầu tư 4,3 tỷ đồng cũng mới sử dụng được khoảng 2 năm nay, hiện “cửa đóng then cài” vì sáp nhập xã nên chuyển về trạm y tế xã Diễn Bình làm trụ sở chính. Trong khi trạm y tế xã Diễn Thắng nằm cạnh UBND xã Diễn Thắng, có vị trí thuận lợi hơn trong việc khám, chữa bệnh thì không được sử dụng do hạ tầng không đảm bảo nên lại bỏ không?

Ông Đặng Xuân Thước thông tin thêm: “Sau khi sáp nhập, đội ngũ cán bộ, công chức xã Minh Châu có 46 người. Do 3 xã nhập lại làm 1 nên việc bố trí cán bộ, công chức, điều hành công việc, bố trí nơi làm việc cũng hết sức gay go”.

Ngoài dư thừa cơ sở vật chất, thì số cán bộ, công chức dôi dư cũng cần được cân nhắc và có tính toán. Sau sáp nhập, nhiều cán bộ, công chức vì dư thừa theo quy định không biết sẽ đi đâu, về đâu nên làm việc trong tâm lý hoang mang, lo lắng.

Ở cấp xã là vậy, dưới thôn, xóm tình trạng “thừa-thiếu” cũng xảy ra nhiều khi các xóm sáp nhập. Từ 21 xóm, sau sáp nhập còn 11 thôn, xóm. Thôn, xóm có số nhân khẩu đông nhất là 1.574 nhân khẩu, với 478 hộ; Xóm ít nhất là 859 nhân khẩu với 212 hộ.

Trụ sở xã Diễn Bình mới được đầu tư, sử dụng nhưng hiện nay chỉ một số ít các hội, đoàn thể hoạt động.

Một người dân (xin giấu tên) cho biết: “Sau khi sáp nhập xóm thì nhà văn hóa dù mới đầu tư nhưng vẫn quá tải vì không đủ chỗ cho xóm họp. Tình trạng “thừa” mà thành “thiếu” cơ sở vật chất như hiện nay đang khiến người dân chúng tôi xót của vô cùng”.

Được biết, Nghệ An có 39 xã không đạt tiêu chí về số dân và diện tích đã sáp nhập còn 19 xã. Nhìn chung, sau sáp nhập, tại các xã mới đang xảy ra tình trạng thừa cán bộ, thiếu nơi làm việc và những công trình đầu tư tiền tỷ trước đó, không phát huy được hiệu quả, hay bỏ không đang diễn ra khá phổ biến. Đó thật sự là bài toàn khó mà các cấp, ngành cần nghiên cứu, giải quyết.

Tác giả: Nhóm Pv

Nguồn tin: Báo Công lý

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP