Ngày 3/11, trao đổi với PV, ông Nguyễn Việt Phương, Chi cục trưởng Chi cục quản lý lý đường bộ 2.2 cho biết, Chi cục đã đi kiểm tra tình hình sạt lở trên Quốc lộ 46 đoạn qua rú Nguộc nằm ranh giới 2 xã Ngọc Sơn và Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương (Nghệ An).
Qua kiểm tra, nhận thấy một số tảng đá lớn trên rú Nguộc có nguy cơ sạt lở nên đã lên kế hoạch, phương án cho nổ mìn.
Phía trên rú Nguộc vẫn còn khối lượng lớn đất, đá có nguy cơ sạt lở |
"Hôm qua chúng tôi đã đi kiểm tra tại rú Nguộc thì phát hiện một số điểm có tảng đá lớn phía trên có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Những địa điểm đó máy móc và công nhân rất khó để xử lý nên đã lên phương án nổ mìn hạ xuống. Hiện đang chờ cơ quan liên quan xem xét", ông Phương nói.
Một lượng đất, đá được đưa máy móc xử lý chống sạt lở |
Theo ông Phương, hiện tại trên Quốc lộ 46 đoạn qua rú Nguộc đã thông đường, tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở do địa hình phức tạp.
Hiện quốc lộ 46 đi qua rú Nguộc đã thông một làn đường |
Như An Ninh Tiền Tệ đã đưa tin trước đó, chiều 30/10, trên Quốc lộ 46 đoạn qua Rú Nguộc, các phương tiện không thể lưu thông qua đây vì khối lượng đất, đá sạt lở rất lớn.
Công ty CP quản lý và xây dựng đường bộ 470 sử dụng 5 máy múc, máy ủi làm việc hết công suất để thông tuyến. Tuy nhiên, hơn 12 giờ đồng hồ qua, do khối lượng đất, đá quá lớn nên vẫn chưa thể thông đường.
Hiện trường sạt lở 2 ngày trước đó tại rú Nguộc |
Đến ngày 31/10, ông Nguyễn Việt Phương, Chi cục trưởng Cục quản lý đường bộ 2.2 cho biết, trên Quốc lộ 46 đoạn qua rú Nguộc, huyện Thanh Chương lại tiếp tục vừa bị sạt lở.
Theo Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, vào hồi 10h ngày 3/11, vị trí tâm bão số 10 ở khoảng 14,8 độ vĩ Bắc; 115,2 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 380km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 140km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 10 giờ ngày 04/11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,2 độ vĩ Bắc; 112,6 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 290km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, đi vào đất liền các tỉnh Quảng Ngãi đến Khánh Hòa, sau đó suy yếu thành một vùng áp thấp.
Đến 7h ngày 6/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 13,1 độ vĩ Bắc; 107,7 độ kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng gần tâm áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Tác giả: Văn Bình
Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn