Tin trong tỉnh

Nghệ An: Mờ ám món tiền nhiều tỷ đền cho… công trình hoang phế

Hợp tác xã (HTX) đã hoàn tất các thủ tục giải thể từ năm 2012, các công trình đã xây dựng bỏ hoang từ trước đó nhiều năm, nhưng một số vẫn được bồi thường như mới tinh, 100% giá trị.

Số tiền hơn 8 tỷ theo tính toán của cấp có thẩm quyền phải bồi thường cho chủ công trình, dù tháng 12/2014 UBND tỉnh mới ra quyết định đền bù, nhưng như có “phép thần thông”, trước đó sáu tháng Chủ nhiệm HTX đã… được nhận.

Ngân sách nhà nước hầu như không được gì từ dự án bất động sản Cụm dân cư Trường Sơn

Chưa có quyết định đã biết số tiền đền bù

Theo phản ánh của một số cá nhân, trong quá trình tính toán bồi thường để lấy đất cho doanh nghiệp bất động sản xây Dự án Cụm dân cư Trường Sơn (tại phường Cửa Nam, TP Vinh, tỉnh Nghệ An), một số cán bộ đã áp dụng quy định tùy tiện cho một số đối tượng hưởng lợi sai pháp luật, dẫn đến việc thất thoát ngân sách nhà nước.

Thửa đất để xây dựng dự án bất động sản trên có diện tích hơn 7.700m2, vốn được Nhà nước cấp cho HTX Cổ phần Trường Sơn. HTX này thành lập từ năm 2008, được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng.

Đầu tháng 5/2012, Trường Sơn triệu tập toàn bộ 9 xã viên, tổ chức đại hội, đi đến quyết định giải thể. Một tuần sau đó, UBND TP Vinh ban hành văn bản chấp thuận cho Trường Sơn tự nguyện giải thể. Theo luật, sau khi giải thể, các tài sản của HTX sau khi thực hiện các nghĩa vụ thuế, trả lương, trả nợ… được chia cho các cổ đông sở hữu. Trường Sơn chấm dứt sự tồn tại, thửa đất cùng các nhà xưởng trên đó bỏ hoang phế.

Chỉ vài tháng sau đó, Công ty Cổ phần Tiến Lực (ông chủ công ty này từng chính là một trong 9 xã viên của Trường Sơn) có tờ trình xin lập dự án bất động sản trên mảnh đất. Ngày 26/6/2014, hơn hai năm sau ngày Trường Sơn giải thể, UBND tỉnh Nghệ An cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Tiến Lực thực hiện dự án đầu tư tại đất trên. Bốn ngày sau đó, ngày 30/6/2014, UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi thửa đất giao Tiến Lực thực hiện dự án bất động sản.

Tới đây, những bất thường bắt đầu lộ rõ. Trong dự án này, theo luật, bên bị thu hồi đất được bồi hoàn giá trị các công trình. Bên nhận đất phải nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước. Và hai bên đã “tự xử” với nhau. Ngày 30/6/2014, cùng ngày UBND tỉnh ra quyết định thu hồi đất, theo phiếu chi trong hồ sơ, Tiến Lực đã giao 8 tỷ “tiền đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng” cho cựu Chủ nhiệm HTX Trường Sơn.

Trong bài viết này, chúng tôi chưa nói tới việc Trường Sơn nhận khoản tiền đó có đúng luật không, khoản tiền đó sẽ phân chia ra sao cho đúng quy định, đảm bảo quyền lợi hợp pháp các xã viên. Điều vô lý trước tiên trong động thái này là dường như hai bên có “phép thần thông” nên mới đoán được tương lai, bởi tận sáu tháng sau, ngày 24/12/2014, UBND tỉnh Nghệ An mới ra Quyết định phê duyệt giá trị bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho dự án, với tổng số tiền gần 8,3 tỷ đồng.

Phải chăng trong dự án này, có sự “đi đêm” giữa ba bên: Bên nhận bồi thường công trình, bên nhận đất và cơ quan định giá, nếu không hai bên Trường Sơn – Tiến Lực lại có thể “tự xử” với nhau êm đẹp như vậy và “đoán đúng ý” cấp có thẩm quyền?

Và nhiều tháng sau đó, tới năm 2015, Sở Tài chính Nghệ An có văn bản gửi UBND tỉnh đề xuất việc khấu trừ tiền bồi thường giải phóng mặt bằng vào tiền sử dụng đất phải nộp của dự án bằng hình thức ghi thu - ghi chi. Theo đó, số tiền bồi thường hỗ trợ cho Trường Sơn là gần 8,3 tỷ đồng, số tiền sử dụng đất Tiến Lực phải nộp là 10,3 tỷ đồng. Và với cách tính như trên, ngân sách nhà nước chỉ được nộp thêm hơn 2 tỷ từ dự án giao hơn 7700m2 đất cho Tiến Lực.

Phó Phòng Quản lý Giá và Công sản của Sở Tài chính nói gì?

Một bất hợp lý khác trong dự án này là cách tính giá trị bồi thường công trình cho Trường Sơn. Theo tờ trình của Sở Tài chính, số tiền này là gần 7 tỷ đồng. Điều bất hợp lý là Trường Sơn thành lập từ năm 2008, giải thể năm 2012, trên thực tế các công trình xây dựng trên đất đã có nhiều năm “tuổi thọ”, trong đó có hai năm bỏ hoang phế sau khi HTX đã giải thể, nhưng khi tính toán bồi thường, nhiều công trình vẫn được ưu ái hưởng mức 80% như mới.

Một bất hợp lý khác, HTX đã giải thể, đất thuộc về Nhà nước, trường hợp giải phóng mặt bằng này không cần phải động viên khuyến khích gì, nhưng cơ quan chức năng vẫn cộng thêm khoản “hỗ trợ 20% giá trị còn lại của công trình”.

Chỉ riêng khoản tiền “hỗ trợ” này đã là gần 1,4 tỷ. Và như vậy Trường Sơn trong vụ đền bù này được lợi đơn, lợi kép, dù công trình đã xây dựng vận hành và bỏ hoang phế nhiều năm, nhưng vẫn được bồi thường 100% giá trị công trình như xây mới. Số tiền chênh “ưu ái” đó, lẽ ra phải thuộc về ngân sách nhà nước.

Có hay không việc cán bộ tham gia thẩm định giá trị ghi thu – ghi chi ngân sách nhà nước thông đồng với các bên để tính toán sai quy định, gây thất thoát ngân sách nhà nước? Vì sao Sở Tài chính có các đề xuất như trên?

Với mong muốn làm minh bạch vấn đề, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trung Long, Phó Phòng Quản lý Giá và Công sản thuộc Sở Tài chính Nghệ An (theo quy định, Phòng Quản lý Giá và Công sản là phòng chuyên môn tham mưu trực tiếp cho lãnh đạo Sở Tài chính về quản lý tài chính đối với đất đai, xác định các khoản bù trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp).

Ông Long cho biết, ông chính là cán bộ trước đây trực tiếp xử lý hồ sơ về Dự án này. Câu trả lời của ông Long khá khó hiểu, khi nói: “Sở Tài chính chịu trách nhiệm chính trong việc trình tỉnh khấu trừ tiền bồi thường (cùng với Cục Thuế), nhưng phải dựa vào phương án bồi thường và phương án bồi thường của Dự án do tỉnh phê duyệt, mà đơn vị tham mưu chính là Sở Tài nguyên và Môi trường. Sở Tài chính cùng một số đơn vị khác có tham gia cho ý kiến”.

Trong việc đề xuất khấu trừ tiền bồi thường với dự án, ông Long nói: “Sở Tài chính làm việc đúng phân cấp có thẩm quyền, còn việc chi có đúng hay không thì Sở chỉ căn cứ vào hồ sơ, có chứng từ gốc. Chứng từ gốc có đảm bảo quy định pháp luật hay không thì Sở… không phát hiện được và không chịu trách nhiệm”.

Phóng viên hỏi cụ thể hơn, vì sao HTX Trường Sơn đã “chết”, nhiều công trình tuổi thọ cao và bỏ hoang nhiều năm vẫn được đền bù giá trị 100% như mới, ông Long nói: “Sở Tài chính chỉ làm việc trên chứng từ, hồ sơ hợp pháp. Và xác định hồ sơ hợp pháp hay không lại không phải thẩm quyền của Sở Tài chính”.

Ông Long không trả lời thẳng về việc ông có biết HTX Trường Sơn đã giải thể khi nhận tiền bồi thường hay không, ông chỉ nói: “Nếu thời điểm bồi thường mà HTX không còn tư cách pháp nhân thì phương án bồi thường sai”.

Cuối buổi làm việc, ông Long lần nữa cho rằng mình “chỉ làm việc căn cứ trên phương án bồi thường đã được phê duyệt và Sở Tài chính chỉ làm việc trên chứng từ, hồ sơ”.

Dự án bất động sản trên hiện đã hoàn tất, đã rao bán với giá trị lên tới gần 2,5 tỷ mỗi căn nhà hơn 80m2. Trong quá trình điều tra sự việc, chúng tôi phát hiện dự án còn có nhiều điểm khuất tất khác. Cơ quan chức năng địa phương giải thích ra sao về những vấn đề trên? PLVN sẽ tiếp tục phản ánh sự việc.

Tác giả: Nhóm phóng viên

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP