“Đời” chủ tịch xã thứ nhất và thứ hai
Ông Võ Văn Hồng (SN 1947) ở xóm Trường Xuân, xã Phong Thịnh phản ánh, ngày 3/1/1994 ông Võ Văn Phương (cháu nội và là người thừa kế hợp pháp của cụ Phùng Thị Tàm) đã ký giấy chuyển nhượng mảnh vườn của cụ Tàm cho ông Hồng với diện tích 1.048m2.
Giấy chuyển nhượng đất có xác nhận của ông Trần Văn Long láng giềng và là trưởng xóm Trường Xuân. Trong giấy chuyển nhượng này ngày 25/10/1996 chủ tịch xã Phong Thịnh lúc bấy giờ là ông Hoàng Đình Nhâm cũng đã ký và đóng dấu xác nhận việc mua bán này.
Nhiều năm qua ông Hồng đâm đơn đi "kêu cứu" vì cho rằng mình bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. |
Ngoài ra, ngày 1/12/2004, việc chuyển nhượng mảnh đất trên cũng được Chủ tịch UBND xã Phong Thịnh lúc đó là ông Nguyễn Hữu Sơn ký xác nhận và đóng dấu vào hợp đồng chuyển nhượng. (ông Sơn nay là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Phong Thịnh).
Để bảo đảm thủ tục pháp lý, ông Hồng đã mời 3 người con gái của cụ Tàm viết giấy xác nhận, nhất trí cho ông Phương được chuyển nhượng đất cho ông Hồng. Sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng ông Phương giao Giấy chứng nhận sử dụng đất mảnh vườn trên (đứng tên cụ Tàm) cho ông Hồng. Cũng thời điểm đó, ông Hồng đã làm đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất.
Nhưng ông Hồng chưa kịp làm sổ đỏ thì năm 1996, cụ Tàm mất, ông Phương vào Nam sinh sống nên sổ đỏ mảnh đất trên vẫn mang tên cụ Tàm. Và cũng từ đó, ông Hồng liên tục canh tác tại mảnh đất trên mà không bị ai tranh chấp.
“Đời” chủ tịch xã thứ ba
Tuy nhiên, do sổ đỏ đứng tên cụ Tàm nên để chuyển nhượng đất cho ông Hồng thì ông Phương phải chuyển từ tên cụ Tàm sang cho ông Phương và từ ông Phương mới chuyển sang cho ông Hồng.
Vì thế theo ông Hồng thì ngày 16/7/2012, ông Hồng đã mời vợ chồng ông Phương từ Nam về, Trưởng xóm Trường Xuân cùng láng giềng đến nhà chứng kiến việc làm giấy xác nhận.
Giấy bán vường của ông Phương cho ông Hồng có xác nhận của nguyên chủ tịch xã Phong Thịnh. |
Tại đây, ông Hồng đã giao sổ đỏ của cụ Tàm cho ông Phương cùng 16 triệu đồng để ông Phương làm lệ phí trước bạ, chuyển quyền sử dụng đất và tiền án phí. Ngày 19/7/2013, UBND huyện Thanh Chương đã cấp sổ đỏ tại thửa đất số 16, tờ bản đồ 07, diện tích 921 m2 mảnh đất đã bán cho ông Hồng mang tên ông Võ Văn Phương.
Thế nhưng, điều khôi hài là sau khi làm được sổ đỏ, ngày 1/11/2013, anh Võ Văn Phương lại bán mảnh vườn trên cho ông Nguyễn Tư Đường (người dân cùng xóm Trường Xuân).
Việc chuyển nhượng này sau đó đã được Chủ tịch UBND xã Phong Thịnh lúc bấy giờ là ông Nguyễn Tư Nhâm (hiện ông Nhâm là Bí thư Đảng ủy xã Phong Thịnh) ký xác nhận vào hợp đồng chuyển nhượng.
Với việc được chính quyền địa phương ký xác nhận chuyển nhượng hợp pháp nên sau đó mảnh vườn trên đã được UBND huyện Thanh Chương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Nguyễn Tư Đường.
“Đời” chủ tịch thứ tư có “bó tay”?
Trao đổi với phóng viên An ninh Tiền tệ, ông Nguyễn Hồng Nhâm – Chủ tịch UBND xã Phong Thịnh cho rằng, sự việc ông Võ Văn Hồng viết đơn xã đã nắm được. Trong nhiều nội dung đơn thì có việc ông Hồng cho rằng mình bị ông Phương lừa đảo một miếng đất bán cho hai người.
Mảnh vườn mà ông Hồng mua giờ đã bị ông Phương bán cho một người khác làm nhà ở trên đó. |
Ông Nguyễn Hồng Nhâm cũng thừa nhận vụ việc trên đã trải qua rất nhiều năm và qua nhiều đời chủ tịch nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết triệt để. Nếu ông Hồng nói mình bị anh Phương lừa đảo thì cần gửi đơn lên Công an huyện Thanh Chương thụ lý.
“Anh Phương đã nhận 400.000 đồng tiền bán vườn và nhận thêm 16 triệu đồng từ tôi để làm thủ tục sang tên sổ đỏ nhưng lại bán mảnh vườn cho ông Đường. Hành vi của anh Phương có phải là lừa đảo chiếm đoạt tài sản?”, ông Võ Văn Hồng nói.
Ngoài ra ông Hồng cũng băn khoăn: “Việc mua bán vườn giữa anh Phương và tôi có xác nhận của chính quyền địa phương. Sau đó mảnh vườn này có tranh chấp giữa tôi và ông Đường nhưng tại sao xã Phong Thịnh lại vẫn chứng thực hồ sơ và sau đó UBND huyện Thanh Chương đã sang tên bìa đỏ từ anh Phương sang ông Đường?”.
An ninh Tiền tệ sẽ tiếp tục thông tin./.
Tác giả: Đặng Nguyên Nghĩa
Nguồn tin: Antt.nguoiduatin.vn