Khi vụ việc huy động, vay tiền trả lãi suất cao ở xã Diễn Hoa huyện Diễn Châu (Nghệ An) xảy ra những ngày đầu năm còn chưa lắng xuống thì mới đây, những ngày đầu tháng 3, người dân xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, lại xôn xao bàn tán, bởi vụ việc một cô giáo ôm tiền phường hụi của nhiều người dân cũng như các giáo viên, cùng với số tiền vay trả lãi suất cao, bỗng mất tích, không thể liên lạc được.
Tìm về xã Diễn Thọ những ngày này, nơi đâu cũng thấy mọi người bàn tán về việc vỡ phường hụi mà người có liên quan chính là một giáo viên từng có nhiều năm dạy học ở địa phương, nay đã đi đâu không rõ. Có người thì cho rằng số tiền cô giáo đó đã ôm đi mất khoảng vài tỷ đồng, có người lại nói số tiền phải nhiều hơn thế gấp vài ba lần. Tuy nhiên con số chính xác cho đến thời điểm hiện lại thì chưa có thống kê cụ thể.
Bà Hoàng Thị Nga, người bị người dân và giáo viên tố cáo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. |
Theo tìm hiểu của PV, người bị người dân cũng như nhiều giáo viên trên địa bàn xã tố cáo là bà Hoàng Thị Nga (SN 1973, trú ở xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, Nghệ An). Bà Nga trước đây là giáo viên ở Trường Tiểu học Diễn Thọ, nhưng từ tháng 8/2018 đã chuyển về công tác ở Trường Tiểu học Diễn Nguyên (xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu) theo diện đi biệt phái với thời gian 1 năm.
Như người mất hồn, khi vừa mất đi số tiền lớn, bà Cao Thị Cảnh (trú ở xóm 5 xã Diễn Thọ) nói mà như mếu: “Bà Nga lợi dụng sự tin tưởng, thật thà của tôi nên tôi đã cho bà ấy vay tiền phường và tiền của gia đình khoảng 800 triệu đồng. Thế nhưng từ Tết đến nay, nhà bà ấy khóa cửa im ỉm và không thể gọi điện được, nhiều người nói rằng bà Nga đã bỏ trốn, hay đi nước ngoài”.
Theo nhiều người dân cho hay, do biết bà Nga là giáo viên, lại người cùng xã và có nhiều năm dạy học ở địa phương, nên ai nấy đều tin tưởng chung phường ở chỗ bà Nga. Không chỉ người dân mà nhiều giáo viên khác ở trường Tiểu học Diễn Thọ, cũng chung phường chỗ bà Nga với nhiều suất phường có trị giá khác nhau. Khi hay tin bà Nga đã đóng cửa nhiều ngày nay, lúc này mọi người mới vỡ lẽ là nhiều suất phường của người khác nhưng bà Nga đã tự đứng ra ký tên rồi lấy tiền.
“Bà Nga vay tiền của nhiều người dân khác cũng như đồng nghiệp, tôi không biết con số chính xác là bao nhiều, tuy nhiên riêng tiền phường do cho bà Nga làm chủ với hơn 100 người dân tham gia và khoảng 15 giáo viên thì số tiền khoảng trên 2 tỷ đồng” – Một cô giáo xin được giấu tên ở Trường Tiểu học Diễn Thọ cho biết.
Trường Tiểu học Diễn Nguyên nơi bà Nga công tác |
Với hành vi tương tự, bà Nga đã vay mượn tiền của nhiều người khác, có người ít thì 5 triệu đồng, 10 triệu đồng, có người hàng chục triệu đồng và thậm chí có người đã đưa cho bà Nga gần 1 tỷ đồng. Giờ đây “tiền mất tật mạng”, nhiều người rơi vào cảnh “sống dở chết dở” khi số tiền bao năm dành dụm được bỗng chốc trắng tay.
Trao đổi với PV, bà Võ Thị Sao –Hiệu trưởng trường Tiểu học Diễn Nguyên, nơi bà Nga đang công tác cho biết: “Cô Nga từ trước đến nay giảng dạy bình thường, phẩm chất đạo đức tốt, và không xảy ra điều tiếng gì. Mọi chuyện tôi chỉ mới nghe thông tin từ khi ra Tết. Sau nghỉ Tết, cô Nga xin nghỉ dạy để đi chữa bệnh và mới trở lại đi dạy vào thứ 2 (11/3) vừa rồi. Hiện nhà trường đang yêu cầu cô Nga cung cấp bệnh án, cũng như làm bản tường trình về sự việc có liên quan để nhà trường báo cáo lên cấp trên”.
Khi được hỏi về vấn đề người dân phản ánh, ông Mai Ngọc Long – Trưởng phòng Giáo dục huyện Diễn Châu cho biết: “Phòng đã nhận được đơn thư tố cáo của công dân về vụ việc này. Hiện nay phòng đang chỉ đạo Trường Tiểu học Diễn Thọ và Trường Tiểu học Diễn Nguyên báo cáo lại sự việc này. Cũng như yêu cầu cô Nga làm bản tường trình về những vấn đề có liên quan. Tôi cũng sẽ cho lập đoàn công tác về trường Diễn Nguyên để nắm thêm thông tin”.
“Đây là việc dân sự giữa cô Nga với người dân cũng như các giáo viên khác, tuy nhiên khi xảy ra vụ việc nó không chỉ ảnh hưởng đến bản thân cô Nga, mà nó còn ảnh hưởng đến danh dự, đạo đức của nghề giáo và ảnh hưởng đến cả ngành giáo dục nữa” – Ông Long chia sẻ thêm.
Rõ ràng, theo quy định về những điều mà Đảng viên không được làm, thì việc tổ chức phường, hụi, hay cho vay mượn tiền với lãi suất cao là không được phép và bị pháp luật nghiêm cấm. Thế nhưng việc một giáo viên từng đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, được đánh giá có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, lại tổ chức phường, hụi rồi chiếm đoạt số tiền trên là vi phạm nghiêm trọng về lối sống, đạo đức.
Bài học nhãn tiền đã rõ, thế nhưng nhiều người dân vẫn bị cuốn theo những lời dụ dỗ huy động vốn, cho vay trả lãi suất cao, để đến lúc "tiền mất tật mang” thì mọi chuyện đã quá muộn.
Tác giả: Đức Chung
Nguồn tin: Báo Công lý