Chú trọng điều tiết nước tưới hợp lý
Vụ xuân năm nay, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc thực hiện tưới cho 31.000 ha lúa trên địa bàn các huyện: Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và TX Hoàng Mai. Khác với mọi năm, năm nay do thi công hệ thống kênh chính Đô Lương nên gây không ít khó khăn cho công tác phục vụ tưới.
Ông Nguyễn Văn Phượng - Giám đốc Công ty cho biết: Hiện trên hệ thống đang tiến hành sửa chữa công trình đầu mối và hệ thống kênh chính Đô Lương. Vừa thi công vừa phục vụ tưới, nhiều đợt do thi công phải đóng nước nên gây rất nhiều khó khăn cho công tác cấp nước, lưu lượng nước về qua kênh chính giảm từ 20 - 25cm so với mọi năm.
Thi công tuyến kênh dẫn đoạn qua xã Viên Thành (Yên Thành) trong dự án Nâng cấp hệ thống Thủy lợi Bắc. Ảnh: P.H |
Để đảm bảo cấp đủ nước cho vụ Xuân cũng như tiết kiệm nước sản xuất Hè Thu, thời gian qua công ty đã tập trung sửa chữa và nạo vét toàn bộ hệ thống kênh mương để chuẩn bị phục vụ sản xuất; xây dựng phương án chống hạn; huy động máy bơm dã chiến của các địa phương để bơm nước từ hệ thống kênh tiêu và nước hồi quy để hỗ trợ cho hệ thống, nhất là vùng Quỳnh Lưu và vùng cuối kênh của huyện Diễn Châu.
Đồng thời, phối hợp với các đơn vị thi công để có biện pháp thi công hợp lý, giảm ảnh hưởng nguồn nước và lưu lượng nước đi vào kênh chính Đô Lương do việc thi công.
Ngay từ giai đoạn đầu của sản xuất vụ Xuân, khó khăn về nguồn nước tưới đã xảy ra trên một số vùng “ăn” nước từ hệ thống Thủy lợi Nam.
Ông Thái Văn Hùng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam cho biết: Từ ra Tết đến nay, mực nước trong hệ thống xuống rất thấp, đặc biệt là mực nước trên sông Lam liên tục xuống mức âm so với thiết kế là 1,25 m. Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, công ty đã chỉ đạo cho cả hệ thống chủ động điều tiết nguồn nước cho những vùng khó khăn trước; tận dụng tối đa các thời điểm triều lên để mở tối đa các cống để đưa nước vào hệ thống.
Cán bộ Công ty TNHH Thủy lợi Thanh Chương kiểm tra trang thiết bị và tiến độ bơm ở các trạm bơm. Ảnh: Hữu Thịnh |
Đồng thời ưu tiên hàng đầu việc thường xuyên quan trắc và cảnh báo chất lượng nguồn nước do nguồn nước quá thấp và những vùng triều như Bến Thủy, Nghi Quang sẽ có mặn xâm lấn, không để mất nước hoặc bị nhiễm mặn xảy ra. “Trong thời điểm khó khăn như thế này, đề nghị chính quyền các địa phương cũng như bà con nông dân phối hợp với công ty, đắp bờ giữ nước khi nước được bơm lên mặt ruộng tránh tình trạng các vùng xả nước xuống, rất khó khăn cho quản lý cấp nước của đơn vị”, ông Thái Văn Hùng chia sẻ.
Nguy cơ hạn nặng thời điểm lúa trổ
Theo thông tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng El Nino có khả năng xảy ra ở nửa đầu năm 2019. Trong vụ Đông Xuân 2018 - 2019, lượng mưa phổ biến, lượng dòng chảy sông, suối và tổng lượng mưa trung bình đều thấp hơn so với trung bình nhiều năm, nhiệt độ thời gian qua cao hơn bình thường, nắng nóng kéo dài gây nhiều khó khăn cho công tác cấp nước sản xuất.
Huyện Yên Thành ra quân làm thủy lợi nội đồng tại các xã. Ảnh: Hồ Các |
Hiện mực nước trên các hồ đập trên địa bàn tỉnh đều ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, nguồn nước phục vụ sản xuất vụ xuân ở các hồ đập, nhất là hồ đập lớn vẫn đang đáp ứng được. Đáng lo nhất hiện nay là các vùng “ăn” nước từ hệ thống thủy lợi Nam khi mực nước trên sông Lam hiện xuống rất thấp. Đến 7h sáng ngày 15/2, mực nước ở bara Nam Đàn chỉ ở mức 0,55, thấp hơn mực nước thiết kế 65 cm, nguy cơ hạn hán, thiếu nước là rất cao, nhất là thời điểm lúa trổ, cuối vụ.
Để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt, nhu cầu thiết yếu khác, phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, từ 14/2, Sở NN& PTNT, Chi cục Thủy lợi đã phối hợp với Thủy điện Bản Vẽ tăng lưu lượng xả nước về hạ lưu nhiều hơn mức bình thường mọi năm, với mức xả hiện tại là 120 m3/s, nhờ đó mực nước trên sông Lam có cải thiện hơn so với thời điểm trước Tết Nguyên đán, thế nhưng ở những vùng phụ thuộc nguồn nước sông Lam như Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, TP. Vinh cũng khó khăn, phải thực hiện bơm tưới luân phiên.
Theo ông Nguyễn Trường Thành - Trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An: Tranh thủ khi Thủy điện Bản Vẽ đang xả nước, các địa phương cần chỉ đạo người dân tập trung lấy nước vào những vùng thấp, ao hồ bàu biền để tích trữ.
Các đơn vị thủy nông phải vận hành các cửa cống đầu mối Nam Đàn, Mụ Bà đúng quy trình; các cống Nam Đàn và Mụ Bà phải lấy được tối đa mực nước vào hai cống; các cống tiêu cuối kênh Nghi Quang, Bến Thủy phải thực hiện đúng quy trình nghiêm ngặt để ngăn mặn, giữ ngọt, đảm bảo chất lượng nguồn nước, thường xuyên kiểm tra chất lượng nguồn nước, tuyệt đối không được bơm tưới khi nồng độ mặn > 1%.
Các địa phương phải xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn với các kịch bản cụ thể đến từng vùng, để kịp thời triển khai các giải pháp phù hợp. Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn để vận hành tích nước các hồ chứa phù hợp, bảo đảm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước dân sinh, đồng thời phải bảo đảm an toàn tuyệt đối đập, hồ chứa nước.
Nhân viên Công ty TNHH Thủy lợi huyện Thanh Chương vét bùn hốt rác tại trạm bơm Rú Nguộc. Ảnh: Đình Hà |
Thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô, có kế hoạch phân phối nước hợp lý để đảm bảo cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu như sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm và sản xuất nông nghiệp cho cả mùa khô.
Đồng thời, tăng cường thực hiện việc nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn, đào ao trữ nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí. Tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên còn lại sau mùa mưa từ ao, hồ, sông, suối, kênh rạch để cung cấp cho sản xuất vụ xuân cũng như tiết kiệm nguồn nước từ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện để dành cung cấp cho các vụ sản xuất sau.
Chi cục Thủy lợi tỉnh kiểm tra tình hình cung cấp nước trên hệ thống Thủy lợi Bắc. Ảnh: P.H |
Bên cạnh đó, cần thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn như nông - lộ - phơi, ướt khô xen kẽ, phun mưa, nhỏ giọt... Đặc biệt, tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn tới người dân nâng cao ý thức người dân trong việc sử dụng nước tiết kiệm; vận động nhân dân phối hợp với các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi tranh thủ lấy, trữ nước và sử dụng nước hiệu quả./.
Tác giả: Phú Hương
Nguồn tin: Báo Nghệ An