Tiêu biểu là Dự án xây dựng khu TĐC kiểu mẫu cho người dân vạn chài ở Khe Mừ xã Thanh Thủy. Dự án được khởi động từ năm 2010 với tổng vốn đầu tư hơn 80 tỷ đồng, do Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Nghệ An) làm chủ đầu tư.
Dự án chậm hơn 10 năm khiến nhiều hộ vẫn còn sống trong những con thuyền. |
Biết dự án sẽ đưa hàng trăm người dân xóm lên đất liền khiến họ vui mừng, ngày đêm mong ngóng được thoát khỏi những con thuyền chật hẹp, quanh năm chòng chành theo sông nước. Hơn nữa, khu TĐC sẽ có trường lớp, đường điện, người dân sẽ không phải lo con cái thất học. Những lúc mưa bão sẽ không phải sống trong sợ hãi.
Thế nhưng kể từ khi khởi công đến nay đã hơn 10 năm người dân vẫn chưa được di dời, phải sống trong cảnh thấp thỏm mỗi khi mưa bão tràn về. Chờ đợi mãi không được, nhiều người đành phải làm liều xây những căn nhà tạm ven sông dù biết không được phép.
Dự án chậm, buộc những người dân vạn chài xây chui nhà cạnh bờ sông. |
Ngoài ra, Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư để di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai, sạt lở đất và vùng đặc biệt khó khăn thuộc xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông được khởi động từ năm 2011. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 26 tỷ, sẽ đưa 60 hộ dân (bản Quẹ 20 hộ, bản Quăn 40 hộ) đến nơi ở mới. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn dở dang.
Cũng như dự án ở huyện Con Cuông, Dự án đầu tư di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai, sạt lở đất xã Châu Tiến và xã Liên hợp (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) được phê duyệt năm 2011 nhưng sau khi hoàn tất thi công giai đoạn 1 vào năm 2014 thì "án binh bất động".
Nhiều hạng mục trong khu TĐC đã xuống cấp, hư hỏng. |
Ông Nguyễn Xuân Sơn - Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An đề nghị đề nghị UBND tỉnh rà soát lại tất cả các dự án di dân tái định cư chậm tiến độ để có giải pháp phù hợp. Chỉ đạo thanh tra, kiểm tra các dự án có dấu hiệu vi phạm trong quá trình thực hiện.
Trước mắt, UBND tỉnh phải có kế hoạch vốn cho các dự án cấp bách; chỉ đạo các Sở, ngành phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm hơn trong thực hiện. Đồng thời rà soát lại các công trình, hạng mục trong từng dự án đã hoàn thành, kiểm định chất lượng và đưa vào sử dụng, tránh lãng phí.
"UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các Sở, ngành xác định, ưu tiên nguồn vốn để bố trí ngay trong giai đoạn 2021 – 2025 cho các công trình cấp bách. Đốc thúc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, quản lý, sửa chữa các hạng mục đã hoàn thành và đang xuống cấp. Trên hết, trách nhiệm phối hợp giữa các ngành sẽ phải chặt chẽ, không đùn đẩy trách nhiệm" - ông Lê Hồng Vinh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nói.
Tác giả: V. Đồng
Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội