Tin trong tỉnh

Nghệ An: Nhiều nhà máy nước sạch tiền tỷ 'đắp chiếu'

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, hàng loạt nhà máy nước tiền tỷ đang rơi vào tình trạng dở dang nhiều năm khi xây xong lại bỏ hoang do... thiếu vốn trong khi người dân lại đang 'khát' nước sạch.

Hàng ngàn hộ dân khát nước sạch

Sống ngay cạnh nhà máy nước, nhưng hàng ngàn người dân xã Hưng Thông huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đang 'khát' nước sạch để dùng. Để có nước sinh hoạt, người dân đành sử dụng nguồn nước từ giếng khơi bằng đất quanh năm nhiễm sắt rất nặng, nằm bên đường làng.

Nhà máy nước Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) “đắp chiếu” từ 4 năm qua và chưa biết khi nào sẽ hoạt động

Ông Nguyễn Văn Hai - người dân tại xóm Hồng Hà, xã Hưng Thông cho biết, ở đây có 35 hộ dân phải sử dụng nước từ giếng đào để sinh hoạt. “Người dân đều biết, nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, thuốc sâu từ ruộng đồng cũng chảy xuống đó cả, nhưng không dùng, chúng tôi không biết lấy nước ở đâu”, ông Hai nói.

Theo người dân xóm Hồng Hà, xã Hưng Thông, nguồn nước sinh hoạt của người dân trong xã lâu nay phải sử dụng giếng đào, giếng khoan, giếng khơi và nước mưa, nhưng giếng đào và giếng khoan đều bị ô nhiễm sắt nặng nên người dân phải dùng giếng khơi và bể nước mưa để sinh hoạt. Vào mùa nắng nóng, những gia đình không còn nước mưa phải đi mua nước về để sinh hoạt. Để có nước sinh hoạt, nhiều gia đình đào nhiều giếng khơi để lấy nước từ cánh đồng. Một số giếng được đầu tư xây bằng đá vôi để lọc nước, nhưng người dân vẫn rất lo lắng khi nguồn nước này đều từ ruộng đồng chứa nhiều dư lượng thuốc bảo vệ thực vật chảy vào.

Ông Nguyễn Hữu Phúc - Chủ tịch UBND xã Hưng Thông cho biết, nguồn nước trên kênh Hòa Cần mấy năm gần đây rất cạn và ô nhiễm nặng. Nếu sử dụng để sản xuất nước thô sẽ không thể đủ nước và rất khó đảm bảo chất lượng. “Mùa nắng nóng, nước trên kênh không đủ để bơm tưới cho đồng lúa thì lấy nước đâu để sản xuất nước sạch?”, ông Phúc nói.

Cũng theo ông Phúc, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân trong xã là rất lớn. Sau khi nhà máy nước xây xong vẫn không thể hoạt động, người dân đã rất nhiều lần phản ánh, xã đã có văn bản kiến nghị huyện sớm có phương án xử lý để nhà máy này hoạt động nhưng vẫn chưa có kết quả. Đường ống đã lắp từ nhiều năm nay, có nhiều đoạn đã bị hư hỏng do người dân làm đường, xây dựng công trình. “Chưa biết huyện sẽ xử lý thế nào, nhưng người dân rất bức xúc vì có nhà máy rồi vẫn không có nước dùng”, ông Phúc cho biết thêm.

Nhà máy nước sạch hàng chục tỷ đồng “đắp chiếu”

Nhà máy nước sạch Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên được xây dựng với tổng mức đầu tư 25,8 tỉ đồng do UBND huyện Hưng Nguyên làm chủ đầu tư được khởi công từ năm 2014. Thế nhưng, sau khi xây dựng xong vào năm 2018, đến nay nhà máy vẫn chưa một lần vận hành để cung cấp nước cho người dân.

Được biết, nhà máy này có công suất 1.000 m3/ngày, đêm với các hạng mục như công trình đầu mối, khu xử lý, mạng lưới đường ống cấp nước và hệ thống điện. Mục tiêu của dự án này là cung cấp nước sạch cho hơn 1.200 hộ dân trên địa bàn xã Hưng Thông.

Nhiều nhà máy nước sạch trên địa bàn tinh Nghệ An xây dựng dang dở

Ông Thái Huy Dũng - Trưởng ban quản lý Dự án đầu tư và xây dựng huyện Hưng Nguyên cho biết, nguyên nhân khiến nhà máy nước này chưa thể hoạt động là do thiếu nguồn nước thô đầu vào. Khi thiết kế xây dựng, nguồn nước thô được lấy từ kênh Hòa Cần, nhưng hiện nay, kênh này luôn cạn nước, trong khi nguồn nước này còn phải phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Việc thay đổi nguồn nước này là do "biến đổi khí hậu”. Phương án tìm nguồn nước thô khác để thay thế cũng đang gặp khó vì chi phí để lắp đường ống để đưa nước về sẽ rất cao, ông Dũng nói thêm.

UBND huyện Hưng Nguyên đã kêu gọi doanh nghiệp đến đầu tư, quản lý, vận hành nhà máy này, nhưng theo ông Dũng, một số doanh nghiệp đến khảo sát nhưng thấy không khả quan nên không mặn mà tiếp nhận. Ông Dũng cũng cho biết, nếu doanh nghiệp tiếp nhận, vấn đề rắc rối khác sẽ phát sinh về phương án xử lý tài sản công vì dự án này do Nhà nước đầu tư vốn. “Hiện nay, vẫn chưa chốt được phương án cuối cùng để xử lý cho nhà máy này hoạt động...”, ông Dũng nói.

Thực trạng này còn diễn ra tại huyện Diễn Châu, từ năm 2012 nhà máy nước sạch xã Diễn Quảng huyện Diễn Châu được đầu tư với kinh phí gần 20 tỷ đồng. Sau khi các hạng mục chính như hồ chứa nước, bể nước, nhà điều hành, đường ống dẫn nước…được xây dựng, dự án này rơi vào cảnh bỏ hoang, không tiếp tục được triển khai để đi vào hoạt động.

Hay nhà máy nước xã Phúc Thành huyện Yên Thành, được triển khai từ năm 2012 với kinh phí 32 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án mới chỉ triển khai được một phần trong hạng mục đường ống dẫn nước rồi dừng, không triển khai thêm bất kỳ một hạng mục nào từ nhiều năm qua.

Tương tự, nhà máy nước xã Quỳnh Lâm huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An cùng cảnh ngộ với lý do thiếu vốn. Năm 2014, dự án này được triển khai xây dựng với kinh phí hơn 18 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi triển khai được một số hạng mục, dự án bị dừng lại rồi bỏ hoang suốt nhiều năm qua.

Lý giải về việc các nhà máy nước xây xong rồi ‘đắp chiếu’, ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch huyện Yên Thành cho biết, hiện trên địa bàn huyện còn 3 nhà máy nước dang dở. Đây là những công trình nước sạch có nguồn ngân sách trung ương 60%, địa phương 40%. Tuy nhiên, do nguồn vốn bị cắt nên những công trình trên không thể hoàn thành theo tiến độ.

Theo Trung tâm Nước sạch sinh hoạt và Vệ sinh môi trường tỉnh Nghệ An: Sau khi hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2011-2015, Nghệ An vẫn còn 14 nhà máy nước chưa hoàn thành và đi vào hoạt động.

Tác giả: Mộc Miên

Nguồn tin: Báo Công thương

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP