Ngày cuối cùng của tháng 7, chị Nguyễn Thị Hồng (23 tuổi) đến TAND tỉnh Nghệ An tham dự phiên tòa sơ thẩm xét xử chồng mình - bị cáo Trương Văn Đạt (22 tuổi), trú thôn Đồng Ban, xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp về tội Giết người. Đây là phiên tòa hy hữu khi cha là bị cáo, con là bị hại, mẹ vừa là người đại diện hợp pháp của bị hại, vừa là vợ của bị cáo.
Cho đến bây giờ, sau hơn 4 tháng trôi qua, nhưng người thân trong gia đình vẫn chưa hiểu vì sao Đạt lại hành xử tàn nhẫn với con như vậy. Họ xót xa, nếu bi kịch không xảy ra thì có lẽ giờ đây đứa con nhỏ của chị Hồng đang tập lẫy, tập trườn...
Tại tòa, chị Nguyễn Thị Hồng đã có lời xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Đạt. Ảnh: Trần Vũ |
Như nhiều cô gái làng quê khác, sau khi tốt nghiệp cấp 3, chị Hồng quyết định không thi đại học mà đi làm công nhân. Thông qua bạn bè, chị quen biết Đạt, người thanh niên ít hơn mình 1 tuổi.
Xa gia đình, lại đồng cảm hoàn cảnh, cả hai đến với nhau từ lúc nào không hay. Khi Đạt đem chuyện tình cảm về trình bày với gia đình, cũng là lúc cái thai trong bụng chị Hồng đã lớn. Một đám cưới nhanh gọn diễn ra vào đầu năm 2019. Hơn 2 tháng sau, vào ngày 15/3, chị Hồng sinh mổ đứa con đầu lòng tại bệnh viện. Sau 1 tuần nằm viện theo dõi, ngày 22/3 mẹ con sản phụ được xuất viện về nhà.
Con đầu cháu sớm nên bà Nguyễn Thị Xuân (mẹ Đạt) hạnh phúc ra mặt, vội làm mâm cơm nhỏ mừng ngày vui của đại gia đình. Trong bữa cơm, Đạt có uống vài lon bia. Cơm nước xong, Đạt đi vào nhà lấy tiền để mua thuốc uống thì phát hiện mất 500 nghìn đồng. Đạt hỏi vợ “có lấy tiền không” thì chị Hồng trả lời “không”. Sau đó, hai bên xảy ra cãi vã. Trong cơn nóng giận, Đạt đã tát chị Hồng khiến người vợ mới sinh ngã xuống đất. Đau đớn, tủi nhục vì bị chồng đánh trong thời gian đang ở cữ, chị Hồng bỏ ra ngoài bếp khóc tủi.
Nhân chứng kể lại sự việc. Ảnh: Trần Vũ |
Đạt đi vào nhà nhìn thấy con khóc nên bế ra ngoài. Thấy vậy, một người thân bảo Đạt đưa con vào nhà kẻo gió. Đạt ôm con vào nhà trong nhưng đứa con vẫn khóc. Trong đầu Đạt lúc này chợt có suy nghĩ đứa trẻ mới sinh không phải là con của mình nên ôm ra sau giếng. Vừa đi, Đạt vừa lẩm bẩm “Em coi tiền bạc hơn mạng sống con à” rồi thả đứa con mới 7 ngày tuổi xuống giếng.
“Phát hiện Đạt ôm con ra ngoài, tôi cùng vài người chạy theo ngăn cản nhưng không kịp. Khi chúng tôi vớt đứa trẻ lên thì mọi chuyện đã quá muộn”, một nhân chứng tường trình lại sự việc. Theo kết quả khám nghiệm pháp y, đứa trẻ 7 ngày tuổi, chưa kịp khai sinh chết do ngạt nước, thi thể có nhiều vết bầm tím.
Tại tòa, Đạt khai vì nghi ngờ vợ lấy tiền và nghi đứa con không phải của mình nên đã ném xuống giếng. Tòa hỏi: “Đứa trẻ có tội gì mà bị cáo lại ném xuống giếng?”. Đạt trả lời “không, bị cáo tức vợ nên làm vậy”. “Bị cáo thấy việc làm của mình có sai trái không?” Tòa nghiêm giọng. Đạt lí nhí trả lời có, rồi cúi mặt xuống.
Mang theo nỗi đau mất con đến tòa, nhưng khi được phát biểu với tư cách người đại diện hợp pháp cho bị hại, người phụ nữ này đã xin giảm án cho bị cáo. Chị trình bày: “Lúc mới xảy sự việc, tôi rất tức giận chồng. Thương con, nhưng dù sao giữa tôi và bị cáo là vợ chồng nên xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo”.
Bị cáo Trương Văn Đạt bị tuyên phạt 20 năm tù. Ảnh: Trần Vũ |
Sau cú sốc lớn, hiện nay chị Hồng đang tá túc nhà ngoại ở huyện Nghi Lộc. Mỗi khi bên nội có công việc gì chị mới ghé nhà. Ngồi cạnh con dâu, bà Xuân cũng không nén nỗi đau. Bà Xuân buồn rầu cho biết: “Ngày con dâu sinh do mới đi mổ mắt về nên tôi không thấy rõ mặt cháu. Ấy vậy mà giờ đây tôi không có cơ hội được nhìn, gặp cháu nữa. Đau đớn lắm”.
HĐXX nhận định, hành vi giết người của bị cáo là tội ác. Chỉ vì sự nghi ngờ chưa rõ lý do với người khác, bị cáo đã cướp đi quyền được sống của đứa trẻ vô tội. Tuy nhiên, cũng cần xem xét một số tình tiết giảm nhẹ của bị cáo như thành khẩn khai báo, phạm tội lần đầu, bị cáo dù học hết lớp 5 nhưng đọc chữ và viết chưa thành thạo, nên nhận thức pháp luật còn hạn chế.
Cân nhắc toàn diện vụ án, tòa tuyên phạt Trương Văn Đạt 20 năm tù. Đó là bản án nghiêm khắc của pháp luật. Nhưng điều đau đớn hơn với Đạt là nỗi ân hận, sự dằn vặt tâm can của một người cha nhẫn tâm ném con xuống giếng. Nỗi đau này sẽ theo Đạt đến hết cuộc đời.
Chồng đi tù, đứa con nhỏ mãi mãi ra đi, chị Hồng rưng rưng nước mắt rời sân tòa. Chưa kịp tận hưởng cuộc sống vợ chồng son thì người phụ nữ trẻ đã phải gánh chịu tấm bi kịch. Dù vậy, chị vẫn chọn cách tha thứ để vơi đi nỗi đau và để người có lỗi nhận ra việc làm sai trái của mình.
Tác giả: Trần Vũ
Nguồn tin: Báo Nghệ An