Kinh tế

Nghệ An: “Nóng” ô nhiễm cụm công nghiệp

Nghệ An hiện có 20 cụm công nghiệp (CCN) đã đi vào hoạt động với 248 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy vậy, các CCN chủ yếu phát triển theo mô hình đa ngành, chưa thực sự quan tâm đến các vấn đề về môi trường, tác động tiêu cực tới môi trường sống xung quanh.

Hệ lụy dân sinh

Cụm công nghiệp Diễn Hồng (Diễn Châu) được đầu tư xây dựng năm 2013 có tổng diện tích 10 ha với 41 cơ sở sản xuất, kinh doanh như sản xuất thép cây, phôi thép, ống thép mã kẽm, tôn lợp, thép gai, hạt nhựa... Tuy nhiên, do không đảm bảo quy trình xử lý nước thải, khí thải nên khói từ các cơ sở đốt nhựa, luyện phôi thép, nước thải công nghiệp thải ra môi trường ảnh hưởng đến đời sống người dân nơi đây.

Ông N.Q - người dân Diễn Hồng cho biết: “Các cơ sở ở đây thu mua phế thải với đủ thứ từ chai lọ, ắc quy, sắt thép rất bẩn. Người dân nơi đây, ngày thì hứng chịu nước thải độc hại, đêm thì hít khói từ các cơ sở nấu sắt và tạo hạt nhựa, khổ vô cùng. Cũng đã nhiều đoàn của huyện, tỉnh về kiểm tra nhưng không chuyển biến là mấy. Dù rằng cụm công nghiệp có mương thoát nước, tuy nhiên nước vẫn tràn ra đường, ảnh hưởng trực tiếp đến 16 hộ dân phía Đông của cụm công nghiệp”.

Cùng đó, Cụm công nghiệp Tháp - Hồng - Kỷ (Diễn Châu) với hơn 30 cơ sở sản xuất, kinh doanh ống thép kẽm, phôi thép, tôn lợp, thép, may công nghiệp, phân bón... tuy đã có hệ thống xử lý môi trường tập trung nhưng người dân quanh cụm công nghiệp cũng đang bị ô nhiễm bởi khí thải. Chị Thắm - người dân xã Diễn Tháp cho biết: Khí thải các nhà máy xả ra, khiến cho bà con vùng ngoài phải ngửi mùi rất khó chịu...”. Thực trạng ô nhiễm môi trường ở các CCN, làng nghề trên địa bàn huyện Diễn Châu đang là vấn đề nóng, người dân nhiều lần phản ánh lên các cấp, ngành.

Khai thác đá ở cụm công nghiệp xã Châu Lộc, Quỳ Hợp. Ảnh: Việt Phương

Ở thành phố Vinh, 3/5 cụm công nghiệp đi vào hoạt động nhưng hệ thống xử lý nước thải chưa được đầu tư đồng bộ, nước thải của nhiều doanh nghiệp thải trực tiếp ra môi trường. Chẳng hạn, tại Công ty TNHH Xuân Ngọc chuyên sản xuất gỗ ván ép, gỗ dán... ở Cụm công nghiệp Đông Vĩnh, theo phản ánh của HĐND tỉnh, qua giám sát, kiểm tra hồ sơ, bản cam kết bảo vệ môi trường của đơn vị quá sơ sài; kết quả quan trắc môi trường do đơn vị hợp đồng một doanh nghiệp khác thực hiện đều tốt, nhưng thực tiễn giám sát thì hoàn toàn khác. Năm 2016 và 2017, Thanh tra Sở TN&MT đều có thanh tra và có kết luận yêu cầu doanh nghiệp này khắc phục các vấn đề về bảo vệ môi trường, như xử lý chất thải độc hại, xử lý chất thải công nghiệp..., tuy nhiên, cơ sở này chưa thực hiện.

Tăng cường trách nhiệm của cấp huyện

Theo quy hoạch, đến năm 2020 toàn tỉnh Nghệ An có 50 CCN với tổng diện tích 802,8 ha, trong đó có 12 CCN đã lấp đầy, 39 CCN đã lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên, hiện mới có 8/20 CCN đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Theo ông Thái Văn Nông - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường, trong số 8 CCN có hệ thống xử lý nước thải thì chỉ có CCN Tháp - Hồng - Kỷ (Diễn Châu) có hệ thống xử lý tập trung, 7 CCN còn lại chỉ có hệ thống hồ sinh học.

Nhà máy xử lý nước thải KCN Bắc Vinh. Ảnh: Việt Phương

Ngoài ra, cả tỉnh mới có 4/20 CCN có hệ thống tách nước thải và nước mưa, 7/20 CCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Có 1 CCN đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Như vậy, so với năm 2017, tỷ lệ các cụm công nghiệp được đầu tư hệ thống xử lý nước thải không thay đổi, mặc dù đã được UBND tỉnh giao trách nhiệm cho UBND cấp huyện thực hiện.

Đối với chất thải rắn thông thường, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại và chất thải công nghiệp cơ bản được các cơ sở thu gom và hợp đồng với các doanh nghiệp có đủ điều kiện vận chuyển và xử lý. Tuy nhiên, việc thu gom, xử lý chất thải rắn tại CCN vẫn còn một số hạn chế: Một số cơ sở có số lượng chất thải công nghiệp phát sinh ít vẫn còn thu gom xử lý cùng chất thải sinh hoạt.

Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại CCN thị trấn Yên Thành. Ảnh: Việt Phương

Mới đây, phát biểu tại cuộc làm việc với UBND tỉnh theo chương trình giám sát về việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn, vệ sinh lao động và chế độ, chính sách đối với người lao động của các tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn bàn tỉnh, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Thái Thị An Chung cho biết, Nghệ An có chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN với 4 nội dung hỗ trợ gồm: bồi thường giải phóng mặt bằng; đường giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước nội bộ; hệ thống xử lý rác thải tập trung; đường giao thông ngoài hàng rào. Tuy nhiên, qua giám sát các huyện phản ánh bố trí kinh phí rất ít hoặc không có dẫn đến tình trạng hạ tầng nói chung và dành cho phục vụ xử lý môi trường tại các CCN rất hạn chế.

Bụi bẩn do khai thác đá ở cụm công nghiệp xã Châu Lộc (Quỳ Hợp). Ảnh tư liệu

Có khá nhiều doanh nghiệp trong các CCN bị xử phạt liên quan đến xả thải chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường. Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường Nghệ An đề nghị cần làm rõ thêm trách nhiệm của UBND cấp huyện với trách nhiệm là chủ đầu tư các CCN, bởi thực tế rất nhiều địa phương không quan tâm vấn đề này.

Cùng với lên kế hoạch đầu tư hệ thống xử lý môi trường, UBND các địa phương cần chủ động có kế hoạch phối hợp với các sở, ngành liên quan nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường trong cụm công nghiệp cho cán bộ môi trường và chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Từ đó, nhằm giúp các cơ sở sản xuất thực hiện công tác bảo vệ môi trường ngày càng tốt hơn, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh ngày càng phát triển, bền vững.

Kỹ thuật: Lâm Tùng

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP