|
Những ngày qua, người dân ở xóm 2 (Hưng Nghĩa, Hưng Nguyên, Nghệ An) vẫn không thôi bàn tán xôn xao về sự việc em Nguyễn Thị H. (học sinh lớp 6A, trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai) tử vong do đuối nước. Càng đau xót hơn khi lý do em H. tử vong vì rơi xuống hố nước của việc khai thác đất lậu tạo nên.
"Cháu H. học giỏi, ngoan ngoãn lắm. Cái chết của em H. khiến dân chúng tôi ai cũng thương xót. Hôm đó cả làng cùng lên, xót xa lắm", một người dân ở xóm 2 (xã Hưng Nghĩa) chia sẻ.
|
Anh Nguyễn Văn Ước (SN 1970, bố nữ sinh H.) đau xót nhớ lại, chiều 1/6, H. ở nhà giúp bố mẹ đi tìm con bò lạc trên núi ngay sát nhà mình. Khi thấy con đi mãi không về, gia đình tỏa ra đi tìm kiếm thì mới tá hỏa khi H. đã rơi xuống hồ nước trong núi tử vong.
Dẫn chúng tôi men theo triền núi vào hiện trường nơi xảy ra sự việc, anh Ước cho biết hồ nước này hình thành bởi quá trình khai thác đất lậu. Trước đó người dân đã phản ánh lên chính quyền địa phương rất nhiều. Tuy nhiên hồ nước chết người này không được xử lý, nhiều nhóm vẫn vào khai thác đất trộm mà không bị ngăn cản.
Ghi nhận của phóng viên, hiện trường là một quả đồi bị đào xới nham nhở. Phía dưới chân đồi là một hồ nước rộng hàng trăm mét vuông. Nơi đây có dấu hiệu của việc vừa mới khai thác đất, sỏi. Những vết múc đất vẫn còn mới.
Cầm chiếc sào dài, anh Ước vừa chọc xuống hồ nước vừa chia sẻ: "Hồ nước này rất sâu, bên dưới lại còn bùn đất đặc quánh. Người hay con vật lỡ rơi xuống thì không thể nào lên được".
Theo tìm hiểu được biết, trước đây khu vực đồi núi này được giao cho Công ty Gió Lào khai thác đất, sỏi.
Quá trình trộm đất tạo thành vũng lớn ngập nước như cái bẫy chết người. |
Khoảng 5 năm trước, công ty này bị thu hồi giấy phép, công ty cũng dừng khai thác từ đó đến nay. Thời điểm này chưa có những hố đất sâu.
Thời gian gần đây, sau khi sáp nhập hai xã Hưng Thắng và Hưng Tiến thành 1 xã Hưng Nghĩa, nhiều máy xúc bắt đầu vào đồi núi này để khai thác đất, sỏi trái phép. Từ chân núi, đến sườn núi bị múc nham nhờ tạo thành những hố sâu hoắm. Mỗi lúc mưa xuống, nước đọng lại tạo thành những hồ nước rộng lớn và sâu.
Hồ nước rất sâu và ngập bùn bên dưới. |
"Trước đó thì không có ai đến khai thác, sau khi hai xã được sát nhập thì bắt đầu xuất hiện máy múc vào ồ ạt. Họ múc khắp nơi, ở đâu dễ đào là họ múc, xe chạy ầm ầm bụi và ồn. Dân chúng tôi cũng nhiều lần báo địa phương, nhưng sau đó họ vẫn ngang nhiên khai thác mà chẳng thấy ngăn cấm hay xử lý gì", một người dân bức xúc.
"Con tôi mất rồi, tôi cũng chẳng mong gì, chỉ mong cơ quan chức năng chấm dứt tình trạng trên, lấp cái hồ nước đó lại để đảm bảo an toàn cho bà con nhân dân, tránh sự cố đáng tiếc tương tự", anh Ước nói và cho rằng, chính sự quản lý lỏng lẻo, không quyết liệt xử lý, để tình trạng đất tặc lộng hành không những ảnh hưởng đến đời sống nhân dân mà còn tạo ra những "cái bẫy" nguy hiểm, dẫn đến cái chết oan uổng của con gái anh.
Anh Ước đau xót khi nhìn xuống hồ nước như cái bẫy giết chết con gái anh. |
Liên quan đến sự việc trên, ông Phan Quang Mão - Chủ tịch UBND xã Hưng Nghĩa cho biết, xã đã liên tục thông báo, cấm khai thác khu vực đồi núi này. Địa phương cũng đã nhiều lần xử lý các trường hợp vi phạm, thậm chí tịch thu máy móc nhưng các đối tượng vẫn lén lút hoạt động.
"Sau khi sự việc xảy ra, xã đã cắm biển cảnh báo, sắp tới sẽ có phương án san gạt, thoát nước để giải quyết dứt điểm vị trí nguy hiểm này", ông Mão nói và cho biết, sắp tới địa phương sẽ có biện pháp "cắt đường", chôn cọc bê tông để xe tải không thể vào khu mỏ, giải quyết triệt để tình trạng khai thác đất, sỏi trái phép.
Tác giả: Ngọc Tú
Nguồn tin: Doanh nghiệp & Tiếp thị