Tin trong tỉnh

Nghệ An ra công điện chủ động ứng phó với bão số 1

Để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ có thể xảy ra sau bão, chiều 15/7, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An yêu cầu các Sở, ngành, huyện, thị thực hiện nghiêm công điện số 4/CĐ-BCH.

Công điện nêu rõ, đối với khu vực tuyến biển, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tiếp tục tổ chức kiểm đếm tàu thuyền, bằng mọi biện pháp kêu gọi chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc vào nơi neo đậu tránh trú.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) được xác định từ vĩ tuyến 16,5 đến 21,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 114,5 (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo). Tổ chức quản lý chặt chẽ các phương tiện, tàu thuyền ra khơi; kiểm tra, hướng dẫn tàu thuyền tại nơi neo đậu. Chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển, khách du lịch lưu trú.

Ứng phó với bão và mưa lũ sau bão, kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn.

Đối với khu vực vùng đồng bằng và ven biển, chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các tuyến đê biển, đê cửa sông, nhất là các vị trí xung yếu hoặc đang thi công. Rà soát, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp.

Đối với khu vực miền núi, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động ứng phó với mọi tình huống. Chỉ đạo rà soát, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản. Kiểm tra, rà soát, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn tàu cá, nuôi trồng thủy sản; an toàn đê điều, hồ đập thủy lợi, nhất là công trình xung yếu, đang thi công; bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Sở Công Thương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập thuỷ điện và hạ du, nhất là các thuỷ điện nhỏ; sẵn sàng khôi phục kịp thời hệ thống điện khi có sự cố. Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn cho các tàu vận tải; chỉ đạo khắc phục kịp thời sự cố, đảm bảo giao thông trên các trục chính.

Các Sở, ban, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu...

Tác giả: Hoàng Phạm

Nguồn tin: kinhtedothi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP