Tin trong tỉnh

Nghệ An sau nửa nhiệm kỳ: Tư duy tạo nền tảng lâu dài

Một trong những chỉ tiêu của Nghị quyết đại hội tỉnh Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đó là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn toàn tỉnh (GRDP) bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 11%. Qua 2 năm rưỡi cho thấy chỉ tiêu này chưa đạt. Nhưng theo PGS. TS Trần Đình Thiên, Nghệ An đang có những bước đi chắc chắn với tư duy tạo nền tảng cho phát triển lâu dài.

TỪ CÁC ĐỊA PHƯƠNG ...

Tương Dương là huyện miền núi cao của Nghệ An. Nhiệm kỳ này, Tương Dương đang đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, chăn nuôi, khôi phục các cây trồng bản địa thành hàng hóa. Cách làm là thực hiện lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất từ các chương trình 30a, 135 của Chính phủ, QĐ 87 (nay là QĐ 15) của UBND tỉnh và từ nguồn ngân sách huyện, với những mục tiêu ưu tiên được xác định rõ – cây chanh leo, trồng rừng keo, xoan nguyên liệu tập trung, trồng nghệ đỏ, v.v. – những thứ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân. Trên địa bàn có nhiều mô hình tốt như: Chanh leo (131,3 ha) tại xã Nhôn Mai, Hữu Khuông, Tam Hợp, thu nhập sau khi trừ chi phí từ 60-80 triệu đồng/ha/năm, trồng nghệ đỏ ở xã Tam Hợp, ngô sinh khối lớn tại xã Tam Thái, Tam Quang; nuôi cá lồng công nghệ cao tại xã Tam Thái, trồng rau sạch trong nhà lưới tại Thạch Giám; rau an toàn bản ở xã Tam Thái…

Về công nghiệp, huyện đã đưa vào vận hành nhà máy gạch không nung công suất 35 triệu viên/năm, đáp ứng nhu cầu gạch xây dựng trên địa bàn; 4 nhà máy thủy điện với tổng công suất 460 MW; điện sản xuất đạt 1.114 Tr.kW.

Qua 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội, Tương Dương dự kiến đạt 20 chỉ tiêu, 9 chỉ tiêu khó đạt.

Trang trại rau sạch của Tập đoàn TH ở Nghĩa Đàn.

Con Cuông trồng cà chua đặc sản trong nhà lưới.

Con Cuông từ một huyện miền núi nghèo nay đã có gần 300 ha cam, 356 ha chè, ứng dụng tốt khoa học công nghệ vào sản xuất rau, quả dược liệu hàng hoá, đồng thời phát triển mạnh du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái bảo vệ môi trường. Cửa Lò nâng cao thêm đẳng cấp đô thị du lịch biển, mỗi năm đón trên 2 triệu lượt du khách, …

Thành phố Vinh – đầu tàu kinh tế của tỉnh, thực tiễn hai năm rưỡi qua cho phép rút ra những gợi ý phát triển quý báu.

Giá trị sản xuất công nghiệp 2016-2018 của thành phố dự ước đạt 24.088 tỷ đồng. Tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất ngành công nghiệp – xây dựng 2016-2018 đạt 10,59%, tăng 1,9% so với giai đoạn 2011-2013 (8,6%) nhưng so với mục tiêu Nghị quyết 14-15% thì vẫn thấp xa. Hai năm rưỡi, trên địa bàn thành phố đã có thêm 63 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký 8.063,8 tỷ đồng, triển khai kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm với tổng vốn 1.165 tỷ đồng.

Ngã tư chợ Vinh

Để gia tăng vốn xã hội, các công trình đầu tư theo hình thức đối tác công tư ở thành phố cũng được xúc tiến mạnh, một số công trình hoàn thành đưa vào sử dụng như: cầu Cửa Tiền 2 (BT); đường Lê Mao kéo dài giai đoạn 2 (BT); khu kinh doanh nông sản và ngành hàng tổng hợp phía Tây chợ Vinh (BOT); Chuẩn bị đầu tư đường Lý Thường Kiệt giai đoạn 2, nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Viết Xuân, các đường quy hoạch tại xã Nghi Kim…

Đồng chí Võ Viết Thanh, Bí thư Thành ủy Vinh cho biết: Sau 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết của nhiệm kỳ, thành phố đã có nhiều khởi sắc, quy hoạch đô thị phát triển theo hướng văn minh hiện đại. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội được tăng cường. Nhưng tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2018 ước đạt chỉ 8,98% so với mục tiêu Nghị quyết 12,5 – 13,5%.

Và đó cũng là cơ sở để ông Bí thư Thành ủy Vinh tin rằng dù hiện nay mục tiêu chưa đạt, song với những nền tảng tốt được tạo ra mấy năm nay, Thành phố sẽ bứt lên mạnh mẽ trong giai đoạn tới.

TẠO NỀN TẢNG CHO PHÁT TRIỂN LÂU DÀI

Hai năm rưỡi thực hiện các chỉ tiêu nhiệm kỳ, tuy GRDP không đạt nhưng Nghệ An đạt được nhiều dấu ấn: Công nghiệp – xây dựng tăng trưởng khá, nhất là năm 2017 có tốc độ tăng cao hơn do kết quả thu hút đầu tư, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển tăng.

Giá trị sản xuất công nghiệp nửa đầu nhiệm kỳ tăng nhanh từ 34.087 tỷ đồng năm 2015 lên 46.368 tỷ đồng năm 2017, dự kiến năm 2018 đạt 56.500 – 57.000 tỷ đồng. So với mục tiêu Nghị quyết đề ra cho năm 2020 là 77.991 tỷ đồng thì hãy còn khá xa. Nhưng triển vọng đạt được đích đó ngày càng hiện rõ.

Cơ cấu công nghiệp tiếp tục chuyển dịch nhanh và đúng hướng. Tỉnh đã xác định và tập trung đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế. Một số sản phẩm trọng điểm đạt khá so với đầu nhiệm kỳ (như xi măng, tôn, bia, sữa, gỗ MDF, điện…).

Kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 705,17 triệu USD, đến năm 2017 đạt 992,35 triệu USD, tăng 140,72% (trong đó xuất khẩu hàng hóa năm 2017 đạt 696,05 triệu USD, tăng 150,27%).

Quan trọng hơn, các nền tảng cho cuộc bứt phá, vươn lên toàn diện đang được tạo lập một cách bài bản, hệ thống.

Khu Công nghiệp Nam Cấm (thuộc KKT Đông Nam) cơ bản đã lấp đầy các dự án. Ảnh S.M

Về giao thông, Nghệ An đã hoàn thành đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông trọng điểm như: Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Vinh bao gồm các hạng mục ga hành khách, sân đỗ ô tô, mở rộng sân đỗ máy bay, nạo vét luồng vào cảng Cửa Lò, cầu Yên Xuân bắc qua sông Lam đầu tư bằng vốn BOT, đường giao thông nối đường N5 khu kinh tế Đông Nam đến Hòa Sơn (Đô Lương) lên Tân Long (Tân Kỳ),..Xây dựng 8 cầu vượt đường sắt trên địa bàn tỉnh.

Về Nông thôn mới, đến hết tháng 5 năm 2018, toàn tỉnh đã có 181 xã đạt 19/19 tiêu chí, bằng 41,99%/MT 2020 là 50%, cao hơn bình quân cả nước; số tiêu chí bình quân đạt 14,54 tiêu chí/xã.

Nghệ An đã và đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án quan trọng: Dự án mở rộng cảng Cửa Lò (Bến số 5 và số 6); Cảng nước sâu Cửa Lò, cảng tổng hợp quốc tế Vissai Nghi Thiết, đường QL.48D đoạn từ QL1 đi thị xã Thái Hòa (Hoàng Mai-Thái Hòa), đường nối Vinh đi Cửa Lò, QL.48E (3 đoạn),.. Hoàn thiện các hồ sơ thủ tục, sớm khởi công các công trình: Đường bộ cao tốc đoạn qua tỉnh Nghệ An, xây dựng mới cảng chuyên dùng tại Đông Hồi, cầu Cửa Hội qua sông Lam, đường ven biển Nghi Sơn đi Cửa Lò, đường bộ cao tốc Viêng Chăn-Hà Nội (Đoạn qua tỉnh Nghệ An từ cửa Khẩu Thanh Thủy-Vinh, dài 65 km).

Nhìn lại tất cả những gì Nghệ An đang làm và đã đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua, có thể thấy được rằng cách hành động theo lối “chủ nghĩa thành tích”, “tư duy nhiệm kỳ” đang được khắc phục từng bước, nhưng vững chắc, bằng sự kiên trì và sự đồng thuận thực chất trong lãnh đạo, giữa lãnh đạo Tỉnh với dân và doanh nghiệp. Theo đó, lòng tin của người dân Nghệ An, hay rộng hơn, của người Nghệ, vào tương lai Tỉnh nhà đang được khôi phục, củng cố và mang ”chất” mới.

Trao đổi với Báo Nghệ An về chặng đường vừa qua và những bước đi của Nghệ An trong những năm tiếp theo, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng trong 2 năm rưỡi qua, dù tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt được như kế hoạch nhưng Nghệ An đang có bước đi chắc chắn. Công nghiệp, thu hút đầu tư khá tốt. Nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp lớn được xây dựng, nâng cấp gần như đồng loạt, như: Nhà máy Hoa Sen Nghệ An tại KCN Đông Hồi; các dự án Nhà máy xi măng Sông Lam 1 và Sông Lam 2, 2 nhà máy gỗ ván MDF ở Nghĩa Đàn và Anh Sơn.

Cùng với đó, việc tập trung đầu tư xây dựng khu, cụm công nghiệp theo cách tiếp cận mới – hướng tới công nghệ cao và môi trường sạch – VSIP Nghệ An, Khu công nghiệp WHA Hemaraj Nghệ An (Thái Lan), Khu Công nghiệp Hoàng Mai, đã bắt đầu mang đến những trái quả đầu tiên. Các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm đến Nghệ An, không phải lẻ tẻ như xưa. Và trong đó có thể có cả những “con đại bàng”.

Nhưng đó mới chỉ là những kết quả bước đầu. Chưa thật chắc chắn cho mục tiêu mong đợi. Và còn nhiều khó khăn, thách thức phải vượt qua.

Cách làm của Nghệ An là phải tấn công trên toàn tuyến, trên mọi mặt trận, từ thành phố tới miền núi, vùng cao. Nghệ An sở hữu nhiều tiềm năng với nhiều đặc sản bản địa cần có cách làm để tạo nên hàng hóa lớn. “Tre nứa mét, chè hoa vàng, cây thuốc, gà đen, lợn bản… quý lắm chứ nhưng ta chưa khai thác được giá trị. Nói đâu xa như ở một số địa phương cây bèo tây nhật bản còn làm được hàng xuất khẩu”. – PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết.

Vinh phải là thủ phủ của cả miền Trung, phải có sự đột phá, lột xác hơn rất nhiều để thực sự là đầu tàu tăng trưởng. Miền núi phải phát huy nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hàng hóa. Du lịch cần thêm những thị trường mới, sản phẩm mới, đặc biệt phải phát huy sức mạnh sân bay Vinh, biết kết nối Vinh với những địa chỉ đúng tầm. “Vinh nối với địa chỉ có đẳng cấp phát triển cỡ nào thì Vinh sẽ phát triển đến cỡ đó. Đó là logic phát triển của thời đại toàn cầu hóa và công nghệ cao”. Cái tăm tre tuy nhỏ nhưng sẽ là cái lớn nếu biết cách làm lớn. Cách làm là quan trọng nhất” – PGS, Tiến sỹ Trần Đình Thiên khẳng định.

Nghê An đang hiện thực hóa khẳng định đó, để đạt kỳ được mục tiêu cả nhiệm kỳ trong phần thời gian còn lại. Có đủ cơ sở để tin như vậy.

Ảnh: NPV
Kỹ thuật: Ngọc Quý

Tác giả: Châu Lan

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP