Kinh tế

Nghệ An sẽ ban hành giá tiêu thụ nước sạch khu vực nông thôn

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 512 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung tại 17 huyện.

Trong số này, chỉ có 105 công trình được đánh giá hoạt động hiệu quả, 171 công trình hoạt động trung bình, 105 công trình hoạt động kém hiệu quả và 131 công trình ngừng hoạt động.

Các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn được đầu tư toàn bộ hoặc một phần từ ngân sách nhà nước, có nguồn gốc ngân sách nhà nước với tổng công suất thiết kế là 282.104m3/ ngày đêm và công suất thực tế là 95.551m3/ ngày đêm; cung cấp cho hơn 490.730 người dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Hệ thống nước tự chảy ở bản Liên Đình, xã Chi Khê (Con Cuông) được quản lý tốt Ảnh: Bá Hậu

Cụ thể: 457 công trình cấp nước tự chảy, nguồn nước chủ yếu sử dụng nước mặt từ các khe suối, cấp nước cho từng bản hoặc nhiều bản với lưu lượng từ 100 đến 200m3/ngày đêm, xử lý nước chủ yếu bằng hệ thống lắng lọc bằng lớp cát và lớp sỏi, không thực hiện xử lý bằng hóa chất, dẫn nước đến các bể công cộng để cấp nước cho các cụm dân cư và chủ yếu tập trung tại các huyện miền núi như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Con Cuông, Quỳ Châu...

Do dây chuyền công nghệ - kỹ thuật đơn giản nên mô hình công trình cấp nước tự chảy hiện tại chưa bảo đảm bền vững và ổn định cấp nước cả về khối lượng và chất lượng.

Nước sử dụng theo các quy chuẩn QC 02:2009/BYT, 01:2009/BYT mà chủ yếu theo tiêu chuẩn nước hợp vệ sinh tại Quyết định số 2570/QĐ-BNN-TL ngày 22/10/2012 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, thỏa mãn các điều kiện: trong, không màu, không mùi, không vị.

Nhà máy nước sạch Diễn Minh, huyện Diễn Châu. Ảnh: P.V

Hiện nay, hầu hết các công trình cấp nước tự chảy thường được giao cho các xã quản lý; trong đó chỉ có 5 công trình đang thực hiện thu tiền, 452 công trình chủ yếu là do cộng đồng tự quản lý và người dân không phải trả tiền nước.

Theo số liệu điều tra số lượng công trình hư hỏng, không hoạt động chiếm một tỷ lệ lớn do nhiều nguyên nhân như ý thức bảo quản còn nhiều hạn chế, nhiều công trình có thời hạn sử dụng đã lâu (đầu tư trước năm 2000), chất lượng đầu tư không đảm bảo trong khi địa hình phức tạp; bên cạnh đó, người dân tự ý sử dụng nguồn nước một cách lãng phí, chưa có ý thức đóng góp kinh phí để sử dụng nước mà trông chờ vào sự đầu tư của nhà nước nên nhiều công trình đã không được bảo dưỡng duy tu một cách kịp thời.

Ảnh Vi Văn May bản Cây Me xã Thạch Giám, Tương Dương có nước sạch dùng từ hệ thống tự chảy, Ảnh: May Huyền

Đối với các công trình cấp nước bơm dẫn động lực và nối mạng giá nước sạch nông thôn chủ yếu là giá thỏa thuận giữa người dân và địa phương dựa trên cơ sở khung giá tại Quyết định giá nước sạch trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Tuy nhiên, qua số liệu báo cáo của các huyện, thành thị cho thấy, tại một số địa phương, giá nước đến tay người sử dụng tương đối cao do việc quản lý công trình cấp nước chưa hiệu quả, việc hao hụt thất thoát nguồn nước tương đối lớn.

Ông Trần Việt Dũng - Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Để giá tiêu thụ nước sạch khu vực nông thôn đảm bảo các nguyên tắc tính đúng, tính đủ theo các quy định hiện hành; đảm bảo chi phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng bền vững các công trình, phù hợp khả năng chi trả của người dân và thực hiện nghĩa vụ theo các quy định hiện hành trong điều kiện ngân sách còn nhiều hạn chế thì việc ban hành Quyết định quy định giá tiêu thụ nước sạch khu vực nông thôn là hết sức cần thiết.

Tác giả: Trân Châu

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP