Nghệ An hiện có 40 tổ chức hành nghề công chứng. Nguồn: VPCC |
Mục tiêu Đề án là tăng cường các giải pháp quản lý nhà nước về công chứng trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp tục xã hội hóa hoạt động công chứng, bảo đảm phát triển nghề công chứng ổn định, bền vững, vừa tăng về số lượng vừa đảm bảo chất lượng phù hợp với định hướng của Luật Công chứng, Nghị quyết số 172/NQ-CP về chính sách phát triển nghề công chứng và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo các cơ quan chức năng, Nghệ An hiện có 40 tổ chức hành nghề công chứng, được phân bố tại 16 đơn vị cấp huyện và 84 công chứng viên đang hành nghề, trong đó 2 Phòng Công chứng nhà nước số 1 và số 2 với 5 công chứng viên, 38 Văn phòng công chứng với 79 công chứng viên.
Trong hơn 8 năm thi hành Luật công chứng, công tác quản lý nhà nước về công chứng luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo kịp thời, vừa tạo điều kiện cho các văn phòng công chứng thành lập và hoạt động, vừa đảm bảo tuân thủ pháp luật trong quản lý nhà nước.
Số lượng công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng đã tăng cả về số lượng và chất lượng phục vụ. Hoạt động của các văn phòng công chứng ngày càng chuyên nghiệp hơn, trở thành dịch vụ công không thể thiếu trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp.
Tuy nhiên, việc phân bố mạng lưới các tổ chức hành nghề công chứng hiện không đồng đều giữa các địa bàn cấp huyện, giữa thành thị và nông thôn, một số huyện chưa có văn phòng công chứng; Chưa có quy chế khai thác, sử dụng, chia sẻ thông tin về hợp đồng, giao dịch, thông tin ngăn chặn tài sản.
Quy định các điều kiện thành lập, đăng ký hoạt động văn phòng công chứng còn chung chung, khó thực hiện. Tại khoản 1 Điều 22 Luật công chứng quy định văn phòng công chứng không có thành viên góp vốn nhưng trên thực tế một số văn phòng công chứng vẫn có hiện tượng hoạt động núp dưới bóng của chủ đầu tư, người góp vốn. Hiện vẫn chưa có các giải pháp hoặc chế tài đủ mạnh chấm dứt hiện tượng này.
Ngoài ra còn có hiện tượng công chứng ngoài trụ sở không đúng quy định, công chứng “treo”, công chứng chờ; cạnh tranh không lành mạnh; chất lượng đội ngũ công chứng viên chưa đồng đều, còn có công chứng viên vi phạm đạo đức hành nghề, bị xử phạt vi phạm hành chính.
Từ năm 2016 đến 2023, ngành chức năng đã thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử phạt đối với 31 tổ chức hành nghề công chứng, với số tiền hơn 190 triệu đồng; xử phạt đối với 19 cá nhân là công chứng viên với số tiền 185 triệu đồng; 02 công chứng viên bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên có thời hạn.
Tác giả: Tuyết Lan
Nguồn tin: baophapluat.vn