Kinh tế

Nghệ An: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu

UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ngành rà soát hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu để kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành sửa đổi bổ sung như chính sách doanh nghiệp chế xuất, chính sách gia công hàng hóa xuất khẩu... tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh phát biểu tại Hội nghị “Tổng kết hoạt động xuất nhập khẩu năm 2020, đối thoại doanh nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu năm 2021”.

Vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị “Tổng kết hoạt động xuất nhập khẩu năm 2020, đối thoại doanh nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu năm 2021”.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong năm 2020. “Hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng đã và đang trở thành xu thế tất yếu của thời đại.

Các FTA tự do song phương và khu vực mà Việt Nam tham gia ký kết đi vào hiệu lực đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: EVFTA, CPTPP, UKVFTA,… sẽ tác động mạnh mẽ đến kinh tế xã hội nước ta trên mọi bình diện. Cánh cửa xuất khẩu được mở rộng hơn bao giờ hết nhưng đi cùng với đó là những thách thức và khó khăn. Vai trò của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ngày càng góp phần quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh” – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tiếp tục rà soát hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu để kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành sửa đổi bổ sung như chính sách doanh nghiệp chế xuất, chính sách gia công hàng hóa xuất khẩu, các văn bản quản lý chuyên ngành... tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.

Tiếp tục rà soát nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt đối với dự án sản xuất hàng hóa xuất khẩu nhằm tạo lập nguồn hàng cho xuất khẩu.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan, giám định chất lượng, kiểm dịch động thực vật, khử trùng, vận tải… giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng hơn cho doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu.

Các sở, ban, ngành tập trung chỉ đạo, đôn đốc tiến độ các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, hệ thống cảng biển và tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư đối với các dự án hạ tầng logistics khác theo quy hoạch. Sớm hình thành và phát triển một thị trường dịch vụ logistics hoàn chỉnh dựa trên nền tảng: Hạ tầng cảng biển, hệ thống kho bãi, hệ thống giao thông kết nối tối ưu tới các vùng trọng điểm của tỉnh và khu vực Bắc Trung Bộ…

Đối với các doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị thường xuyên có trao đổi, thông tin về tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu với các cơ quan hữu quan để kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình xuất khẩu hàng hóa. Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội.

Tăng cường công tác thu mua hàng hóa nông lâm hải sản các loại cho người sản xuất trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh sản xuất chế biến, nâng cao trị giá hàng hóa xuất khẩu, giảm xuất hàng thô trị giá thấp. Bên cạnh đó, chú trọng công tác thu gom hàng hóa ngoại tỉnh, như: Lạc nhân, tinh bột sắn, cà phê, khoáng sản các loại, gạo tẻ... phục vụ xuất khẩu.

Đồng thời đổi mới tư duy, xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh dài hạn. Trong đó, việc đổi mới, sáng tạo, phát triển sản phẩm có chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu được chú trọng hơn bao giờ hết.

Bên cạnh đó, cần tổ chức, đổi mới phương thức kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như chất lượng, giá trị sản phẩm, xác lập các liên kết từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng và xuất khẩu, hình thành các chuỗi cung ứng để có thể tạo được chỗ đứng vững chắc trong các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Chủ động tiếp cận, cập nhật thông tin đồng thời xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, chuẩn bị nguồn cung cấp để đảm bảo nguyên liệu đầu vào có nguồn gốc hợp pháp và chất lượng tốt...

Được biết, Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa dự ước năm 2020 đạt 735 triệu USD, giảm 5,9% so với năm 2019, vượt 3,5 % so với kế hoạch năm 2020 đề ra. Các doanh nghiệp Nghệ An đã nhập khẩu trên 30 mặt hàng các loại, trong đó các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm: Xăng dầu (76 triệu USD), Máy móc thiết bị (276 triệu USD), Nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất (237 triệu USD); Thép các loại (50 triệu USD); Linh kiện điện thoại (35 triệu USD).

Trong năm, có 110 doanh nghiệp tham gia hoạt động nhập khẩu, chủ yếu là máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu, xăng dầu, thép các loại, hạt nhựa,... phục vụ sản xuất và chế biến xuất khẩu. Trong đó có 16 doanh nghiệp nhập khẩu đạt kim ngạch nhập khẩu trên 10 triệu USD. Các doanh nghiệp Nghệ An đã nhập khẩu từ hơn 38 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó nhiều nhất là thị trường Singapore với kim ngạch đạt 243 triệu USD, chiếm tỷ lệ 36,8% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Một số thị trường tiêu biểu khác: Hàn Quốc, Ấn Độ, Hồng Kông, Hoa Kỳ; Lào...

Tác giả: Ngọc Tuấn

Nguồn tin: taichinhdoanhnghiep.net.vn

  Từ khóa: Xuất nhập khẩu , Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP