Xe tải không biển số sau, đang vận chuyển gỗ cung cấp cho lò đốt than “thổ phỉ” |
Lơi là trách nhiệm?
Theo nguồn tin phản ánh của người dân, trên địa bàn xóm Đào Nguyên xã Nghĩa Dũng xảy ra tình trạng một nhóm người đốt than thủ công gây ô nhiễm môi trường, dễ xảy ra cháy rừng…
Sáng ngày 2/11 chúng tôi có mặt tại khu vực xóm Đào Nguyên và nhận thấy những phản ánh của người dân là có cơ sở. Tại hiện trường, chúng tôi thấy có hàng chục lò đốt than thủ công được xây dựng sát nhau, nhiều lò đang đốt dở, một số lò đang đưa củi vào để chuẩn bị đốt. Một số lò đã được chủ dỡ than ra và đóng vào các bao tải chuẩn bị xuất bán. Trên bãi tập kết, xe tải chở nguyên liệu củi chạy vào trút gỗ xuống rồi chạy ra như... chốn không người.
Gỗ rừng chất thành đống tại khu vực lò than. |
Điều rất đáng lo ngại, liền kề các lò đốt than thủ công này là những cánh rừng sản xuất trồng cây keo lai của người dân nên tiềm ẩn nguy cơ gây cháy rừng rất lớn.
Làm việc với chúng tôi, một người đàn ông tên là Hoàng Ngọc Bính, là một trong những người chủ các lò đốt than thủ công cho biết: Các lò hoạt động từ năm 2017, của mấy anh em làm chung. Nguồn nguyên liệu củi dùng để đốt than được tận dụng từ một người quen mua gỗ rừng để lại. Hỏi có sợ gây cháy rừng hay không thì ông Bính phân trần: "không sợ chi cả, vì xung quanh là rừng keo nguyên liệu".
Một trong những lò than đang đốt dở |
Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Doãn Loan - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Dũng huyện Tân Kỳ (Nghệ An) thừa nhận: Các lò đốt than thủ công tại xóm Đào Nguyên chưa được cấp phép hoạt động, đang hoạt động trái phép. Chính quyền xã đã vào lập biên bản sự việc, các chủ lò cũng đã hứa cam kết không hoạt động khi chưa được cấp phép. Cũng theo ông Loan, việc để các lò đốt than thủ công hoạt động khi chưa được cấp phép là trách nhiệm của nhiều cấp nhiều ngành nhưng trước hết là của chính quyền địa phương.
Sẽ chấn chỉnh và xử lý nghiêm
Các lò đốt than thủ công hoạt động trái phép đã gây ra nhiều hệ lụy. Đó là nguy cơ cháy rừng, nguy cơ phá rừng lấy nguyên liệu đốt than… Chưa kể, các đối tượng còn tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp để xây dựng lò đốt, bãi tập kết nguyên liệu… khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi về nguy cơ cháy rừng do đốt than thủ công và địa phương có kiểm soát được nguồn nguyên liệu đầu vào dùng để đốt than hay không thì ông Loan nói là nguyên liệu gỗ rừng có thể được chở từ xã Kỳ Tân (Tân Kỳ) về đây.
Than được đóng thành bao đang chờ chuyển đi |
Nguyên nhân các lò đốt than thủ công còn hoạt động ngang nhiên là do địa phương chưa thường xuyên kiểm tra, xử lý kịp thời. ông Loan cho biết thêm.
Theo các biên bản kiểm tra của UBND xã Nghĩa Dũng thì các lò đốt than thủ công này đã hoạt động từ tháng 1/2017. Đến thời điểm hiện tại đã gần 2 năm và vẫn chưa có đầy đủ các giấy tờ thủ tục theo quy định. Tuy nhiên, chính quyền xã Nghĩa Dũng không đủ điều kiện, biện pháp ngăn chặn triệt để. Còn UBND huyện Tân Kỳ, khi phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô thông tin thì mới nắm được sự việc.
Biên bản kiểm tra hiện trạng đối với các lò đốt than trái phép |
Trao đổi với phóng viên về sự việc này, ông Nguyễn Công Trung - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Kỳ (Nghệ An) tỏ ra bất ngờ khi chúng tôi cung cấp thông tin hàng loạt lò đốt than thủ công ngang nhiên hoạt động trái phép tại xóm Đào Nguyên xã Nghĩa Dũng.
Sau khi xác nhận thông tin từ hạt kiểm lâm huyện, ông Trung cho biết: " Tôi sẽ trực tiếp kiểm tra hiện trường và xử lý ngay sự việc. Không thể để tình trạng đốt than thủ công ngang nhiên hoạt động gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy rừng, phá rừng… tồn tại.
Quyết định thành lập đoàn kiểm tra, xử lý các vụ việc chuyển đổi mục đích sử dụng trái phép và quản lý lò đốt than trên địa bàn xã Nghĩa Dũng. |
Bản cam kết thực hiện các quy định trong hoạt động chế biến, kinh doanh, mua, bán, sử dụng lâm sản của ông Hoàng Ngọc Bính |
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Hoàng Quốc Việt - Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết: tôi đã chỉ đạo hạt kiểm lâm, phòng NN&PTNT xuống kiểm tra, nếu đúng có chuyện đốt than thủ công trái phép thì sẽ xử lý theo đúng quy định. Quan điểm của huyện là nếu sai thì sửa và sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Điều đáng quan tâm là tại sao các lò than “thổ phỉ” đã hoạt động gần 2 năm nhưng các cơ quan chức năng huyện Tân Kỳ không xử lý triệt để? Hạt kiểm lâm Tân Kỳ làm gì khi các xe tải vẫn ngày, đêm vận chuyển gỗ không có nguồn gốc cung cấp cho các lò than một cách công khai...?
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin...
Tác giả: CÔNG NGUYỄN - THANH HẢI
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ Thủ đô