Các nhân viên túc trực để “ép” nước trên kênh N6 vào ống dẫn lòng hồ. Ảnh báo SGGP |
Theo báo SGGP, nước trong hồ chứa Long Thành đang ở mức thấp, mực nước chỉ còn hơn 1m. Tại miệng ống lấy nước thô, nước chỉ chảy vào một lượng nhỏ và các nhân viên nhà máy nước phải thay nhau túc trực 3 ca liên tục để “vét” nước từ kênh N6 vào đường ống dẫn về hồ chứa. Trước tình trạng nguồn nước thô trong hồ (dung tích hơn 100.000m3) sắp cạn kiệt, Nhà máy nước Long Thành đã phát văn bản tạm ngừng cấp nước.
Nhà máy nước Long Thành là tên gọi khác của Trạm cấp nước liên xã Long Thành, Khánh Thành, Vĩnh Thành, Trung Thành thuộc huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Công trình này do Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN-PTNT Nghệ An) làm chủ đầu tư, có tổng vốn gần 100 tỷ đồng với công suất 3.500m3/ngày đêm, hoàn thành năm 2016, cung cấp nước sinh hoạt cho 5.500 khách hàng ở 4 xã nói trên. Tuy nhiên, do kênh dẫn nước thô thiết kế không hợp lý nên nhà máy không đủ nguồn nước để hoạt động.
Theo thiết kế, nguồn nước thô cung cấp cho Nhà máy nước Long Thành được lấy từ kênh dẫn N6 (nối với kênh Vách Bắc – kênh N1) chảy về xã Long Thành.
Chị Đặng Thị Tâm, nhân viên nhà máy, cho biết gần 1 năm trở lại đây, nước vào hồ chứa ít hẳn. Đây mới là thời điểm chưa bị hạn hán, nhu cầu dùng nước của người dân chưa cao nhưng đã thiếu nước cung cấp. Nếu “ép” toàn bộ nước trên kênh N6 về cho nhà máy, không để người dân tháo nước vào ruộng, thì mực nước cũng không được một nửa hồ chứa.
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Công Kiên, Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Yên Thành, cho hay quá trình thực hiện dự án, đơn vị thiết kế kênh N6 không tham vấn ý kiến của xí nghiệp. Mặt cắt kênh nhỏ, chiều rộng lòng kênh xây dựng cũng không đồng bộ, đoạn rộng nhất 1,2m, hẹp nhất 70cm. Do lòng kênh hẹp nên xảy ra tình trạng đầu kênh tràn nước nhưng cuối kênh cạn nước. Trước thực trạng trên, xí nghiệp đã cử nhân viên phối hợp với Nhà máy nước Long Thành “ép” nước liên tục trong nhiều ngày, xây dựng lại hệ thống lịch phân phối nước sinh hoạt và sản xuất cho từng xã, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời.
Theo ông Phạm Duy Kỷ, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Nghệ An, cho biết, trung tâm có giải pháp trước mắt là nâng cao kênh để tạo nguồn nước dâng thêm khoảng 50cm hoặc xây dựng tuyến đường ống cung cấp nước thô độc lập, dài khoảng 5km, nối từ kênh N1 chạy kẹp với kênh N6. Tuy nhiên, để làm đường ống này cần khoảng 10 tỷ đồng, trong khi mỗi năm, Nhà máy nước Long Thành chỉ dư khoảng 500 triệu đồng.
Tác giả: Khải Anh
Nguồn tin: moitruong.net