Kinh tế

Nghệ An thiết kế lộ trình cho giai đoạn phát triển đột phá

Mục tiêu trong giai đoạn 5 năm tới được Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An xác định là đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững, trở thành trung tâm kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 dự kiến diễn ra trong 3 ngày (16/10 - 18/10). Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội nêu rõ, đến năm 2025, Nghệ An phấn đấu trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá trong khu vực phía Bắc, năm 2030 trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước.

Những chuyển biến tích cực

Với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An đã đạt được những kết quả quan trọng, hoàn thành đạt và vượt mức 24/35 chỉ tiêu chủ yếu Đại hội đề ra. Cụ thể, kinh tế 4/9 chỉ tiêu, văn hóa xã hội 9/11 chỉ tiêu, môi trường 6/7 chỉ tiêu; quốc phòng, an ninh 1/1 chỉ tiêu; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị 4/7 chỉ tiêu.

Kinh tế của địa phương phát triển khá nhanh, GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 7,84%. GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2020 ước đạt 44,34 triệu đồng, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng.

Xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, số xã, huyện đạt tiêu chí nông thôn mới vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội và cao hơn mức bình quân cả nước. Công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tiếp tục phát triển, tạo nền tảng tốt cho những năm tới. Thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt dự toán được giao, gấp khoảng 1,7 lần so với đầu nhiệm kỳ. Kinh tế biển và vùng ven biển đóng góp lớn vào quy mô kinh tế của tỉnh (khoảng 56% GRDP).

Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp ngày càng đồng bộ. Diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại. Doanh nghiệp và kinh tế tập thể phát triển nhanh về số lượng, đa dạng các ngành, nghề, lĩnh vực. Cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện ngày càng tốt hơn.

Về văn hóa, xã hội, Nghệ An cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên; Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được tăng cường. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 3%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội. Khoa học và công nghệ đóng góp có hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được tăng cường.

Đặc biệt, công tác cải cách hành chính được quan tâm chỉ đạo khá toàn diện trên các nội dung, lĩnh vực, nhờ đó chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được cải thiện rõ qua từng năm, hiện đứng thứ 18 cả nước, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ.

Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song Đảng bộ tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn tồn tại, hạn chế. Cụ thể, nông nghiệp phát triển chưa thật bền vững, phát triển công nghiệp còn khó khăn, nhất là việc thu hút đầu tư phát triển các dự án công nghiệp có tính động lực, tác động mạnh mẽ đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thu ngân sách.

Đảng bộ tỉnh cũng nhìn nhận, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, Thành phố Vinh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và mục tiêu đề ra.

Cùng với đó là chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn.

Đến năm 2025, Nghệ An đặt mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá khu vực phía Bắc

Phấn đấu trở thành trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ

Mục tiêu cho giai đoạn 2020 - 2025 được Nghệ An xác định là xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, con người xứ Nghệ, ý chí tự cường và khát vọng vươn lên; chủ động đổi mới sáng tạo, đưa Nghệ An phát triển nhanh, bền vững; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; phấn đấu đến năm 2025 Nghệ An trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá trong khu vực phía Bắc, năm 2030 trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước.

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghệ An xác định “3 đột phá” để phát triển gồm: (1) Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh gắn với cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành; (2) Tiếp tục đào tạo, phát triển và thu hút nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; (3) Tiếp tục phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để hoàn thành những mục tiêu đó, về phát triển kinh tế, Nghệ An khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh, phát triển các ngành, sản phẩm có khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm của tỉnh.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu, phát triển nền nông nghiệp thông minh, đa chức năng, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sinh thái, nông nghiệp sạch. Quản lý, bảo vệ chặt chẽ, nghiêm ngặt diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; đẩy mạnh phát triển rừng sản xuất, trồng cây gỗ lớn, lâm đặc sản.

Đồng thời, phát triển kinh tế biển và vùng ven biển. Xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao chất lượng, thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm lĩnh vực nông lâm, thủy sản giai đoạn 2021 - 2025 đạt 4,5 - 5%.

Công nghiệp cũng là một trong những ưu tiên được tỉnh tập trung phát triển, chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có hàm lượng khoa học - công nghệ, ứng dụng công nghệ cao. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị tăng thêm lĩnh vực công nghiệp, xây dựng giai đoạn 2021 - 2025 đạt 14,5 - 15,5%.

Nghệ An đặt mục tiêu phấn đấu trở thành trung tâm dịch vụ thương mại, tài chính, du lịch của vùng Bắc Trung Bộ. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị tăng thêm lĩnh vực dịch vụ giai đoạn 2021 - 2025 đạt 8 - 9%.

Nghệ An sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm: Phát triển thành phố Vinh - thị xã Cửa Lò, các huyện Đông Nam của tỉnh gắn với vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh; Phát triển vùng Hoàng Mai gắn với Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An; Phát triển miền Tây Nghệ An, trọng tâm là Thái Hòa - Nghĩa Đàn - Đô Lương - Tân Kỳ - Con Cuông - Quỳ Hợp.

Về phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Phát triển các trường đại học, cao đẳng và cơ sở đào tạo theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực và hội nhập quốc tế. Hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Xây dựng Nghệ An thành trung tâm khoa học và công nghệ vùng Bắc Trung Bộ. Phấn đấu đến năm 2025, công nghệ sản xuất các sản phẩm chủ yếu của tỉnh có tỷ lệ đổi mới công nghệ 35 - 38%.

Về văn hóa - xã hội, tỉnh tiếp tục bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, đặc biệt là dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Đặc biệt, chú trọgn phát triển Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An và một số bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh thành cơ sở y tế chất lượng cao khu vực Bắc Trung Bộ.

Về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng; thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với thực hiện các quy định nêu gương. Thực hiện các nghị quyết của Trung ương, đề án, kế hoạch của tỉnh về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên. Xây dựng, củng cố tổ chức Đảng vùng đặc thù và trong các loại hình doanh nghiệp. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo đồng thuận cao trong nhân dân. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và các lĩnh vực đời sống xã hội.

Tác giả: Kỳ Thành

Nguồn tin: Báo Đầu tư

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP