Tham dự buổi lễ có ông Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cùng một số lãnh đạo sở, ban ngành.
Hoàng đế Quang Trung sinh năm Quý Dậu (1753) tại ấp Kiên Thành, phủ Tuy Viễn, huyện Quy Nhơn, nay là thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định; tổ tiên là người họ Hồ, quê ở Hưng Nguyên, Nghệ An, sau khi vào Bình Định đổi sang họ Nguyễn.
Lễ giỗ lần thứ 232 của Hoàng đế Quang Trung đã được trang trọng tổ chức |
Hoàng đế Quang Trung không những là nhà quân sự thiên tài mà còn là nhà chính trị lỗi lạc với nhiều chính sách chiêu hiền, đãi sĩ, thu phục nhân tâm, lãnh đạo đất nước trên các phương diện kinh tế, văn hoá, xã hội và bang giao hữu nghị với các nước láng giềng, hòa nhập vào tiến bộ chung của nhân loại.
Sau khi dẹp bỏ thù trong, giặc ngoài, Triều đại Tây Sơn dưới sự trị vì của Hoàng đế Quang Trung đã chăm lo chấn hưng đất nước và quyết định dời đô về Nghệ An.
Ngày 1/10/1788, cách đây 236 năm, Hoàng đế Quang Trung đã hạ chiếu xây dựng kinh đô Phượng Hoàng tại xã Yên Trường, huyện Chân Lộc dưới chân núi Dũng Quyết, nay là phường Trung Đô, thành phố Vinh.
Ngày 16/9/1792 (ngày 29/7 năm Nhâm Tý), Hoàng đế Quang Trung băng hà ở tuổi 39, triều đại Tây Sơn kéo dài thêm một thời gian ngắn thì sụp đổ.
Đoàn đại biểu tham dự lễ giỗ lần thứ 232 của Hoàng đế Quang Trung (ảnh: BNA) |
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, hàng năm, Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung được thành phố Vinh tổ chức trang trọng theo nghi thức truyền thống vào ngày 29/7 Âm lịch tại Đền thờ vị Anh hùng áo vải trên núi Dũng Quyết, một danh sơn của thành phố Vinh gắn liền với quá trình xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô.
Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung là dịp để tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của vị Hoàng đế anh minh đã hết lòng vì độc lập dân tộc, vì sự bình an, hạnh phúc của nhân dân.
Tác giả: A.Phạm
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn