Giáo dục

Nghệ An tổng kết thí điểm xây dựng trường trọng điểm, chất lượng cao 2019-2023

Mục tiêu xây dựng trường trung học trọng điểm chất lượng cao là tạo đầu tàu thúc đẩy, dẫn dắt giáo dục từng địa phương và toàn tỉnh phát triển.

Trao bằng khen của UBND tỉnh Nghệ An cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện thí điểm xây dựng trường trung học trọng điểm chất lượng cao giai đoạn 2019-2023. Ảnh: Hồ Lài.

Chiều 15/8, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức tổng kết thí điểm xây dựng các trường trung học trọng điểm, chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2019-2023.

Ông Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đồng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị còn có lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; lãnh đạo địa phương, Phòng GD&ĐT cùng đại diện các trường được chọn xây dựng trường trung học trọng điểm chất lượng cao.

Phát huy vai trò đầu tàu chất lượng giáo dục

Phát biểu khai mạc hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Văn Thành khẳng định, việc xây dựng mô hình trường trọng điểm chất lượng cao nhằm thực hiện mục tiêu các đơn vị này sẽ là đầu tàu dẫn dắt, thúc đẩy giáo dục trong vùng. Vì vậy, trong 4 năm đầu tiên, tỉnh đã triển khai thí điểm tại 14 trường, trong đó có 9 trường THCS và 5 trường THPT với các nhóm trường vùng đồng bằng, nhóm trường vùng miền núi và nhóm trường chuyên biệt.

Ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chủ trì và chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Hồ Lài.

Ông Thái Văn Thành cũng cho rằng, bên cạnh chất lượng mũi nhọn thì Nghệ An đang hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt là đối với các trường vùng miền núi, học sinh dân tộc thiểu số. Các trường được chọn thí điểm xây dựng mô hình trọng điểm sẽ góp phần thúc đẩy để đưa giáo dục toàn tỉnh từng bước phát triển.

Trước đó, ngày 23/5/2019, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch số 306/KH-UBND về thí điểm xây dựng các trường trung học trọng điểm chất lượng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2019-2023. Quá trình xây dựng, các trường trọng điểm chất lượng cao thực hiện xây dựng chương trình giáo dục của nhà trường đảm bảo tính thống nhất: 1 chương trình, 2 cấu phần (chương trình theo quy định và chương trình tăng cường các môn học và các hoạt động giáo dục). Từ sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị cốt lõi và 9 tiêu chí các nhà trường đã chủ động xây dựng chương trình. Nhiều chương trình đã triển khai hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và phát huy được sở trường, năng lực học sinh.

Báo cáo của Sở GD&ĐT tại hội nghị nêu rõ, việc triển khai mô hình trường trọng điểm chất lượng cao đã góp phần tăng cường đổi mới cách dạy, cách học, tạo điều kiện để giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, học sinh phát triển các kỹ năng.

Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hồ Lài.

Đặc biệt, phương pháp giáo dục STEM đã được nhiều trường quan tâm, triển khai thực hiện. Từ đó, học sinh được áp dụng kiến thức và kỹ năng thông qua thực hành để hướng đến giải quyết các vấn đề thực tiễn; được rèn luyện các kỹ năng cộng tác, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo, tư duy phản biện…cần thiết trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Sau 4 năm triển khai thí điểm mô hình trường trung học trọng điểm chất lượng cao, với những kết quả nổi bật về chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Hệ thống khuôn viên nhà trường, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được đồng bộ, từng bước hiện đại; đặc biệt môi trường và chất lượng giáo dục được khẳng định và ổn định ở vị thứ cao.

Hội nghị thu hút nhiều lãnh đạo địa phương, cán bộ quản lý ngành giáo dục, đại diện các trường thực hiện thí điểm xây dựng trường trọng điểm, chất lượng cao. Ảnh: Hồ Lài.

Theo đó, có 11/14 trường đạt tất cả các tiêu chí theo Kế hoạch số 306/KH-UBND tỉnh Nghệ An. Có 3 trường chưa đạt ở 1 số chỉ báo (tỷ lệ giáo viên tiếng Anh đạt trình độ C1; tỷ lệ học sinh THPT đạt chứng chỉ tiếng Anh B1; nhà đa năng). Chất lượng giáo dục các trường thí điểm luôn đứng vị trí top đầu toàn tỉnh ở các lĩnh vực. Học sinh đạt chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, chứng chỉ Tin học quốc tế năm sau cao hơn năm trước. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh, đồng thời có sự lan tỏa sâu rộng tới các cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh.

Từng bước hoàn thiện cơ chế trường trọng điểm, chất lượng cao

Tại Hội nghị tổng kết, các đại biểu cũng đã đi vào một số khó khăn hiện nay như: Chương trình tiếng Anh tăng cường còn triển khai chậm nên thời lượng dạy học ở một số nhà trường chưa đảm bảo theo kế hoạch. Chương trình dạy Toán và các môn KHTN bằng tiếng Anh gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện. Một số trường THPT chưa thực hiện được các chương trình hoặc câu lạc bộ phát triển năng khiếu nghệ thuật. Việc thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học chưa đồng đều ở các môn học, các bài học. Phương pháp giáo dục STEM tuy đã triển khai ở các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin, Công nghệ nhưng nhưng chưa nhiều. Một số cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu dạy học...

Ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu kết luận tại hội nghị. Ảnh: Hồ Lài.

Bà Hoàng Phương Thảo – Trưởng Phòng GD&ĐT Vinh cho hay, trên địa bàn, Trường THCS Đặng Thai Mai được chọn thí điểm mô hình trường trọng điểm chất lượng cao. Đồng thời, từ năm học 2022-2023, trường này cũng được chọn triển khai mô hình trường tiên tiến. Việc cùng lúc được quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ để thực hiện các mô hình trọng điểm, tiên tiến, hiện đại là lợi thế, thời cơ để trường nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu học sinh, phụ huynh. Vấn đề khó khăn nhất là làm sao xây dựng chương trình nhà trường phù hợp với thực tiễn và đảm bảo hiệu quả.

Bên cạnh đó, với việc song song thực hiện chương trình GDPT theo quy định của Bộ, các trường còn thực hiện thêm chương trình tăng cường. Đội ngũ giáo viên “gánh” rất nhiều công việc, trong khi các trường trọng điểm vẫn chỉ được giao định biên giáo viên như các trường bình thường khác. Cụ thể như Trường THCS Đặng Thai Mai tỷ lệ là 1,76 giáo viên/lớp. Đại diện Phòng GD&ĐT TP Vinh đề nghị có sự quan tâm, bổ sung đội ngũ cho trường trọng điểm. Bên cạnh đó có cơ chế tài chính đặc thù để các trường thuận lợi hơn trong triển khai chương trình, kế hoạch hoạt động của nhà trường.

Nhiều vấn đề còn tồn tại, khó khăn, vướng mắc cũng được nêu ra tại hội nghị để có giải pháp tháo gỡ. Ảnh: Hồ Lài.

Đại diện các trường khác cũng đề xuất tỉnh từng bước hoàn thiện cơ chế hoạt động, về chính sách ưu tiên và cả mô hình phát triển trường trọng điểm chất lượng cao. Cần có sự đầu tư và có cơ chế riêng về hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ. Tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên các trường trọng điểm có cơ hội giao lưu, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ.

Kết luận hội nghị, ông Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đánh giá, sau 4 năm thực hiện, mô hình thí điểm trường trọng điểm chất lượng đã đạt được kỳ vọng. Về phía tỉnh, ghi nhận sự nỗ lực của ngành giáo dục đã rất trăn trở, ban hành được nhiều cơ chế chính sách dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, giúp cho việc triển khai kế hoạch được hiệu quả. Việc thực hiện thí điểm mô hình trường trọng điểm chất lượng cao là cơ sở để tỉnh và các địa phương ban hành cơ chế, chính sách riêng cho giáo dục, là cơ sở để các trường huy động nguồn lực, nâng cao chất lượng.

UBND tỉnh Nghệ An đã tặng bằng khen cho 7 đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện thí điểm trường trung học trọng điểm chất lượng cao giai đoạn 2019 - 2023. Ảnh: Hồ Lài.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu, thời gian tới, Sở GD&ĐT cần hoàn thiện báo cáo tổng kết, báo cáo về UBND tỉnh để Ủy ban nhân dân tỉnh cho ý kiến về nhân rộng việc xây dựng trường trọng điểm.

Đồng thời, tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh có các chỉ đạo để triển khai thực hiện, trong đó lưu ý tháo gỡ các khó khăn vướng mắc mà các địa phương, các trường đã nêu và đã kiến nghị. Ngành làm sao tích hợp được các mô hình đang triển khai, để vừa phát huy hiệu quả, vừa tập trung được công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Với các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ cần phối hợp với Sở GD&ĐT triển khai hiệu quả nội dung kế hoạch đã đề ra. Các địa phương cũng cần xác định đầu tư cho giáo dục là được cho hiện tại và tương lai. Vì vậy, nếu ngay từ bây giờ đầu tư tốt sẽ tạo được dấu ấn, gặt hái được kết quả và cần có giải pháp để nhân rộng mô hình thí điểm tại địa phương. Trong quá trình thực hiện, cũng cần xác định nhân tố quyết định thành công là các trường. Vì vậy, các trường cần chủ động, năng động trong công tác tiếp cận, tổ chức, tổ chức tốt sẽ thành công, triển khai tốt sẽ hiệu quả, bám ở trên, cụ thể ở dưới, tập trung vào mấu chốt, trọng điểm.

Dịp này, UBND tỉnh Nghệ An đã tặng bằng khen cho 7 đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện thí điểm trường trung học trọng điểm chất lượng cao giai đoạn 2019 - 2023.

Tác giả: Hồ Lài

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP